Công nghệ - Sản phẩm

Những cột mốc quan trọng trong lịch sử Windows

(PCWorldVN) Windows là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành công nghệ với hơn 30 năm phát triển.

Dù tốt hay xấu thì Windows vẫn là một trong những cột mốc quan trọng bậc nhất của thời đại máy tính cá nhân. Hệ điều hành của Microsoft có mặt trên phần lớn máy tính trên toàn thế giới.

Không chỉ máy tính cá nhân, Windows còn hiệu diện trên máy chủ của doanh nghiệp, máy tính bảng, điện thoại, máy chơi game, máy ATM, và nhiều hơn thế nữa. Windows tồn tại trong 30 năm qua với những thành tựu đáng nể và dưới đây là những cột mốc mang tính lịch sử của hệ điều hành này.

Windows 1.0

Vào ngày 20/11/1985, Microsoft tung ra phiên bản đầu tiên của Windows 1.0, thực chất đây là “vỏ” giao diện đồ họa cho MS-DOS (phiên bản HĐH DOS của Microsoft).

Windows còn đòi hỏi PC phải trang bị ổ đĩa mềm, RAM có dung lượng 192KB và quan trọng nhất là chuột.

Windows 1.0

Ban đầu Windows dự kiến được đặt tên là Interface Manager với những tính năng như hỗ trợ thao tác dùng chuột nhấn và kéo khác với DOS dựa trên text, điều khiển bằng bàn phím. Để tránh vấn đề pháp lý với Mac OS của Apple, Microsoft phải đảm bảo rằng các cửa sổ ứng dụng không đè lên nhau và không có cả tính năng “thùng rác” Recycle Bin. Tuy nhiên, Windows 1.0 đã bao gồm thanh tác vụ taskbar nằm ngay dưới đáy màn hình.

Phiên bản đầu tiên của Windows chỉ có vài tiện ích cơ bản như trình đồ họa Paint, trình soạn thảo văn bản Write, lịch công tác (Calendar), trình quản lý hồ sơ (Card Filer), trình ghi chú (Notepad) và đồng hồ (Clock). Ngoài ra, Windows 1.0 còn có Control Panel dùng để cấu hình các tính năng của môi trường này, và trình quản lý file MS-DOS Executive vốn được xem là tiền thân của Windows Explorer ngày nay. Tuy nhiên, Windows 1.0 không thành công.

Thời điểm hệ điều hành này ra đời vẫn không có nhiều nhu cầu về giao diện người dùng đồ họa với các ứng dụng dựa trên text hiện có của IBM PC.

Nhưng điều quan trọng là phiên bản Windows đầu tiên này yêu cầu năng lực điện toán vượt hơn khả năng các máy tính thời đó.

Mặc dù Windows 1.0 không được sử dụng rộng rãi, Microsoft đã bán lẻ HĐH dưới hình thức cài sẵn trên các PC và cả đóng gói, được trang trí với dòng chữ: "Microsoft Windows Operating Environment For IBM and COMPAQ Personal Computers". Không ai sử dụng phiên bản đầu tiên này có thể tiên đoán rằng Windows sẽ thống trị hoàn toàn thị trường máy tính cá nhân những năm sau đó.

Windows 3.x

Phiên bản Windows 3.0 phát hành hồi tháng 5/1990 đánh dấu kỷ nguyên thương mại cho hệ điều hành này với hơn 10 triệu bản được bán ra trong 2 năm. Đây là phiên bản đầu tiên của Windows có khả năng đa nhiệm thực thụ, vì vậy là lựa chọn thay thế thực sự cho HĐH DOS thống trị thời đó.

Windows 3.1

Windows 3.0 có nhiều đổi mới so với phiên bản trước, đơn cử như lần đầu tiên người dùng có thể thay đổi màu sắc của desktop bên dưới và giao diện hiện đại hơn với các nút bấm 3D.

Quan trọng không kém, Windows 3.0 có chế độ Protected/Enhanced cho phép các ứng dụng phát triển trên Windows sử dụng nhiều bộ nhớ hơn những ứng dụng dựa trên DOS.

Windows 3.0 đã giúp Word và Excel trở thành những ứng dụng thống trị trong các lĩnh vực của mình, đánh bại WordPerfect, Lotus 1-2-3 và các đối thủ khác cố thủ trên DOS.

Thật khó để xác định xem Windows 3.0 hay người thừa kế Windows 3.1 chính là phiên bản có dấu ấn lịch sử rõ nét nét nhất trong thời kỳ sơ khai này.

Ra mắt năm 1992, Windows 3.1 đơn giản là bản nâng cấp, nhưng không chỉ sửa các lỗi cần thiết, nó là phiên bản Windows đầu tiên hiển thị font TrueType có thể phóng to thu nhỏ - đưa Windows thành nền tảng thực thụ cho chế bản điện tử. Còn có điểm mới trong Windows 3.1 đó là các trình bảo vệ màn hình và thao tác kéo - thả.

Windows 3.1 có những điểm mới trình bảo vệ màn hình, File Manager (kéo và thả) và Program Manager nhưng thú vị nhất là phải kể đến hỗ trợ định dạng âm thanh MIDI và tập tin video AVI.

Cùng ra mắt năm 1992 là phiên bản Windows (3.11) for Workgroup (WFW), phiên bản Windows đầu tiên có thể nối mạng. Thoạt đầu được phát triển như là thành phần bổ sung cho Windows 3.0, WFW thêm các trình điều khiển (driver) và giao thức cần thiết (bao gồm TCP/IP) cho việc nối mạng ngang hàng.

Điều này làm cho WFW được ghi nhận như là phiên bản Windows đầu tiên thích hợp cho môi trường làm việc nhóm. Thế hệ Windown 3.x còn đánh đấu sự xuất hiện của 2 trò chơi kinh điển như Solitaire (Windows 3.0) và Minesweeper (Windows 3.1).

Windows 95

Microsoft tiếp tục phát triển dòng HĐH cho người dùng cá nhân trên nền DOS với Windows 95, mà không yêu cầu cài đặt DOS riêng. Đây cũng là hệ điều hành có nhiều tiện ích hướng tới người dùng doanh nghiệp hơn bất cứ nhà cung cấp nào tại thời điểm đó.

Windows 95

Hệ điều hành này có vài nâng cấp kỹ thuật quan trọng như: mã nguồn Windows 95 được viết lại phần lớn, cải thiện đáng kể giao diện người dùng và cũng đánh dấu sự chuyển đổi từ kiến trúc kiến trúc 16-bit sang 32-bit; giới thiệu thanh tác vụ (Taskbar) lưu giữ các nút của tất cả ứng dụng đang mở; hay như việc trình làng nút Start và trình đơn (menu) Start được sử dụng cho đến ngày nay.

Đây cũng là hệ điều hành đầu tiên được tích hợp trình duyệt web Internet Explorer và hàng tá những cải tiến khác như hỗ trợ plug-and-play (cắm là chạy) khiến doanh thu của Microsoft tăng vọt và giành quyền thống trị trên thị trường HĐH cho máy tính để bàn.

Việc phát hành Windows 95 là một sự kiện truyền thông độc đáo, với truyền hình trực tiếp và người mua xếp hàng bên ngoài các cửa hàng chờ thời điểm phát hành lúc nửa đêm. Bản Windows này đã tạo nên cơn sốt cùng với bản nhạc “Start Me Up” của Rolling Stone.

Microsoft Bob

Ít ai biết được rằng những công cụ trợ lý ảo ngày nay như Siri và Google Now chỉ là thế hệ đàn em so với Microsoft Bob - một trong những ứng dụng công nghệ vượt thời đại đã bị lãng quên.

Microsoft Bob

Giao diện đồ họa người dùng Microsoft Bob được phát hành tháng 3/1995, là một tính năng có sẵn trên hệ điều hành Windows 95. Microsoft Bob mang đến cho người dùng giao diện như một căn nhà và trong đó các biểu tượng đại diện cho các tính năng khác nhau nhưng sẽ không ai biết cho đến khi nhấp chuột vào.

Ý tưởng của Microsoft Bob là hướng tới việc cung cấp những chỉ dẫn dễ hiểu nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa người dùng với hệ điều hành Windows.

Mặc dù công cụ này không thành công và sớm bị đóng cửa nhưng đây cũng chính là tiền đề của công cụ Clippy thành công của Microsoft, xa hơn đó là "nữ trợ lý ảo" Cortana đầy cá tính ngày nay.

Windows NT

Kể từ khi ra mắt Windows (3.11) for Workgroup (WFW, các phiên bản Windows về sau này tách thành 2 dòng: một cho người dùng cuối được thiết kế để dùng trên máy tính đơn; một cho làm việc nhóm được thiết kế để dùng trên nhiều máy tính nối mạng).

Window NT

Windows NT (viết tắt của New Technology – kỹ thuật mới) là một hệ điều hành xử lý độc lập, đa nhiệm, đa người dùng được giới thiệu vào năm 1993. Đây là HĐH 32-bit thật sự đầu tiên được thiết kế cho các doanh nghiệp hay tổ chức có hệ thống máy tính nối mạng.

Thời đó, các phiên bản Windows cho người dùng cuối vẫn còn là HĐH 16-bit.

Ban đầu hệ điều hành này hỗ trợ vài nền tảng CPU, bao gồm IA-32, MIPS, DEC Alpha, PowerPC và sau đó là Itanium. Các phiên bản mới nhất hiện nay hỗ trợ x86 và ARM.

Windows NT vốn được phát triển dựa trên nền tảng hợp tác giữa Microsoft với IBM. Nhằm hướng tới phục vụ hàng doanh nghiệp, Windows NT chỉ có 2 bản: Workstation và Server. Trong đó Windows NT Workstation dành cho máy tính cá nhân trong mạng doanh nghiệp, còn NT Server dành cho các máy chủ.

Windows XP

Ngày 25/10/2001, Microsoft đã tung ra Windows XP - hệ điều hành thành công nhất của họ từ trước đến nay. Hệ điều hành này là sự kết hợp của các dòng Windows dành cho người dùng cuối và doanh nghiệp. 

Windows XP

Windows XP đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của khối doanh nghiệp những cũng đảm bảo tính thân thiện với người dùng cuối. XP được xem là kết hợp những gì tốt nhất của dòng Windows 95/98/Me với cơ chế vận hành 32-bit ổn định của Windows NT/2000, và đặt vào một giao diện người dùng mới mẻ.

Với Windows XP, Microsoft bắt đầu phân khúc thị trường với nhiều phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản có tập tính năng đặc trưng riêng. Các phiên bản khác nhau gồm XP Home Edition, XP Professional (dành cho người dùng doanh nghiệp), XP Media Center Edition, XP Tablet PC Edition và XP Starter Edition (dành cho người dùng ở các nước đang phát triển). Windows XP nổi bật với chế độ nhiều người dùng, một trong những tính năng hiếm có hồi những năm 2001.

Trong đó XP ứng dụng tính năng phân quyền quản lý người dùng từ NT cho môi trường người dùng gia đình và văn phòng. Tính cá nhân hóa còn được đề cao với việc cho nười dùng tùy chọn hình nền desktop và trình bảo vệ màn hình…

Windows Genuine Advantage

Windows Genuine Advantage (WGA) là công cụ của Microsoft dành cho người dùng Windows XP có bản quyền được đưa ra thử nghiệm từ tháng 9/2004 và triển khai chính thức từ tháng 7/2005. Là một phần trong chương trình chống vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu, WGA được thiết kế nhằm đem đến giá trị khác biệt giữa phần mềm có bản quyền và không có bản quyền.

Windows Genuine Advantage

Công cụ này cũng khiến hãng công nghệ này được đặt một cái tên mới là “Micro$oft”- nhằm ám chỉ việc bắt buộc người dụng trả tiền bản quyền nếu muốn sử dụng hệ điều hành Windows. Khi WGA ra đời, công cụ này cũng không có gì quá mới mẻ. Từ những năm 1976, Bill Gates đã gửi tâm thư phàn nàn về việc số tiền bản quyền phải trả cho khách hàng sử dụng phần mềm BASIC lên đến 2USD mỗi giờ. Và Bill Gates coi việc chia sẻ những phần mềm bản quyền này giống như việc ăn cắp.

Microsoft tìm cách ngăn chặn hoạt động sử dụng Windows lậu với việc phát hành của Windows Genuine Advantage một cách lén lút khi cài đặt vào máy người dụng thông qua tính năng tự động cập nhật (Automatic Updates).

Windows Genuine Advantage bao gồm hai phần, một là để xác nhận nhận hệ điều hành chính hãng và một là dùng thông báo người sử dụng nếu đó là việc cài đặt bất hợp pháp. Trong năm 2006, Microsoft cho biết họ đã phát hiện khoảng 60 triệu cài đặt bất hợp pháp mà không có xác nhận.

Cuộc chiến Microsoft với nước Mỹ

Tháng 5/1998, sau những lo ngại về việc trình duyệt web Internet Explorer trong hệ điều hành Windows mang đến những lợi thế cho Microsoft và không công bằng cho các hãng thứ 3, Bộ Tư pháp và 20 bang của nước Mỹ đã đệ đơn kiện Microsoft vì đã vi phạm luật chống độc quyền. Microsoft lại bị buộc tội vi phạm Luật chống độc quyền Sherman 1980 bằng việc dùng Windows 95 để thao túng thị trường trình duyệt Internet.

Tháng 11/1999, thẩm phán Thomas Penfield Jackson kết luận rằng Microsoft đã có hành vi độc quyền trên thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân.

Năm 2000, thẩm phán Jackson buộc Microsoft phải tách làm hai công ty, một chuyên về hệ điều hành, còn một chuyên về các loại hình kinh doanh khác như là các phần mềm văn phòng. Vụ kiện đã kết thúc bằng vụ dàn xếp giữa Microsoft và Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 11/2001 và sau đó một năm đã được Toà án liên bang thông qua.

Vụ dàn xếp không đòi hỏi Microsoft nộp phạt tài chính, nhưng buộc hãng phải tiết lộ thêm thông tin và cấm các thoả thuận chống cạnh tranh đối với các sản phẩm của Microsoft.

Nhiều năm sau, trình duyệt tích hợp nói chung được xem như một phần thiết yếu của hệ điều hành, mặc dù người dùng có thể tự do lựa chọn bất kỳ trình duyệt mà họ muốn.

Windows 7

Đối với nhiều người, Windows 7 chính là đỉnh cao của hệ điều hành Windows . Hệ điều hành này thống trị thế giới với 61% thị phần hồi tháng 6/2015 và tính đến nửa đầu năm 2016 là 47%.

Windows 7

Trong nhiều lý do để tạo nên thành công của Windows 7, giao diện người dùng thân thuộc là yếu tố hàng đầu. Phiên bản này được phát triển trên cùng mã lõi với Windows Vista và Windows Server 2008.

Windows 7 đã có những thay đổi đáng kể so với phiên bản thất bại là Windows Vista , trong đó hệ điều hành này có khả năng tương thích tốt hơn hơn với phần cứng và phần mềm cũ, và thậm chí có cho phép chạy các ứng dụng thời XP.

Ngoài ra, Windows 7 có một vài thay đổi giao diện nhỏ nhưng khá thú vị, ví dụ như Sidebar được loại bỏ và người dùng có thể đặt các gadget ngay trên desktop, chế độ Aero Peek mới cho phép bạn nhìn “phía sau” tất cả cửa sổ đang mở, cũng như các tác vụ Aero Snap mới cho phép bạn dễ dàng di chuyển và phóng to tối đa các cửa sổ.

Thay đổi lớn nhất là ở thanh tác vụ - vùng trên màn hình được giới thiệu đầu tiên trong Windows 95. Thanh tác vụ mới trong Windows 7 cho phép bạn đặt cả các cửa sổ đang mở cùng với ứng dụng và tài liệu.

Chiến dịch quảng cáo Laptop Hunters

Hồi năm 2009, Microsoft tung ra một chiến dịch quảng cáo vừa là chương trình thực tế mang tên “Laptop Hunter”.

Nhân vật trong quảng cáo Laptop Hunters

Nội dung của “Laptop Hunter” là câu chuyện xoay quanh nhân vật nữ Lauren đang muốn chọn mua cho mình một chiếc laptop với màn hình 17 inch có giá dưới 1.000USD. Cửa hàng đầu tiên Lauren lựa chọn là Apple Store nhưng cô không hài lòng khi những chiếc Macbook 13 inch đã có giá trên 1.000USD. Nhân vật này cho rằng chi phí bỏ ra cho một chiếc Macbook là quá nhiều và không phù hợp với bản thân. Tiếp theo đó là việc Laurent cảm thấy hạnh phúc khi chọn cho minh chiếc HP với giá chưa tới 700USD.

Trước đó Microsoft đã từng tung ra chiến dịch “I’m a PC” nhằm làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng thì với chiến dịch Laptop Hunter nhắm vào cuộc chiến giá cả khi cho rằng một Apple quá đắt đỏ, không phù hợp với thời buổi kinh tế khó khăn, nằm ngoài khả năng mua sắm của những khách hàng bình dân.

Windows 8.1

Thảm họa Windows 8.1

Khi Windows 8.1 ra đời, Microsoft đã đối xử với phiên bản hệ điều hành này giống như Windows Vista ra mắt năm 2007. Cách Windows 8.1 xuất hiện với vô số chỉ trích khiến hệ điều hành này trở thành một “thảm họa” không bao giờ khôi phục được danh tiếng giống như Vista.

Windows 8 cũng không xuất hiện trong các bài diễn văn của CEO Nadella và các quan chức lãnh đạo khác của Microsoft trong suốt nhiều tuần sau khi hệ điều hành này trình làng. Bản cập nhật Windows 8.1 Update 2 vô nghĩa, không có điểm nhấn cho thấy Microsoft đánh dấu sự từ bỏ của hãng phần mềm này đối với hệ điều hành Windows 8.1.

Sự trỗi dậy của Android và cú ngã ngựa mang tên Windows Mobile

Tháng 2/2007, Microsoft ra mắt hệ điều hành di động đầu tiên của mình cho điện thoại thông minh là Windows Mobile 6 và được kỳ vọng như một nền tảng mới của thiết bị di động cho doanh nghiệp.

Windows Phone và thương vụ Nokia bị nhấn chìm.

Cùng năm đó, hệ điều hành miễn phí Android ra đời và không bao lâu sau HTC ra mắt điện thoại thông minh Android đầu tiên: HTC Dream.

Kể từ thời điểm đó, Microsoft tụt dốc không phanh với Windows Phone cũng như thiết bị di động. Microsoft thay đổi chiến lược khi chuyển nền tảng di động sang Windows Phone nhắm vào người tiêu dùng vào năm 2010.

Hãng đã nổ lực cứu vớt thị phần di động của mình khi mua lại mang kinh doanh thiết bị của Nokia hồi năm 2013 với giá 7,8 tỷ USD.

Quý I/2016 vừa qua, Microsoft chỉ bán được 2,3 triệu smartphone Lumia và 15,7 triệu chiếc điện thoại thường, giảm tương ứng 73% và 36% so với quý cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh số smartphone chạy Windows đang rớt tới mức thê thảm, chỉ còn 0,7% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu trong quý đầu năm 2016, so với 2,5% thị phần của năm ngoái, theo Gartner.

Windows 10: Phiên bản Windows cuối cùng

Windows vẫn là con bài chiến lược của Microsoft, và công ty đang đặt cược vào Windows 10, hệ điều hành được xem là nền tảng hợp nhất cho mọi thiết bị.

Windows 10

Microsoft giới thiệu phiên bản beta của hệ điều hành cho những người đam mê qua Chương trình Windows Insider.

Chương trình này cho phép dùng thử và đánh giá cũng như góp ý kiến để hoàn thiện hệ điều hành Windows 10. Từ động thái của Microsoft, Windows 10 là tên gọi cuối cùng hoặc người dùng sẽ dần quen với tên gọi Windows không có số hiệu phiên bản.

Microsoft không muốn thị trường Windows tiếp tục bị phân mảnh thành nhiều phiên bản. Windows 10 cũng giới thiệu một số tính năng đáng chú ý như menu Start cách tân, thông báo tốt hơn, hệ thống Desktop ảo mới được gọi là "Task View".

Windows 10 cũng ra mắt trình duyệt web mới mang tên Microsoft Edge để thay thế cho Internet Explorer. Hệ điều hành cũng giới thiệu trợ lý kỹ thuật số Cortana với kỳ vọng loại bỏ các khó khăn trong việc thiết lập, nhắc nhở và gửi email hay văn bản một cách nhanh chóng.

PCWorld

cài đặt Windows 8, nâng cấp Windows 10, Thạch An, Thủ thuật windows, thủ thuật Windows 10, windows, Windows 10


      © 2021 FAP
        2,581,017       923