Công nghệ - Sản phẩm

Cần tư vấn khoa học công nghệ cho doanh nghiệp mới

(PCWorldVN) Khuyến nghị được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu lên tại buổi tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Như PC World Vietnam có thông tin, vào sáng 6/8, Sở KHCN TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm Phát huy Truyền thống đoàn kết, sáng tạo - Phấn đấu vì Thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng 40 năm ngày thành lập Sở KHCN TP.HCM (5/8/1976 - 5/8/2016).

Buổi tọa đàm là nơi gặp gỡ giữa các thế hệ lãnh đạo và nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), cùng nhau trao đổi, thảo luận mở và tìm ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Thành phố; liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ giữa doanh nghiệp với các trường viện, tổ chức nghiên cứu KHCN và Nhà nước, hướng đến xây dựng Thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Đại diện Trung ương, Thành phố, Bộ KHCN và lãnh đạo Sở KHCN TP.HCM các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm hôm 6/8.

Phát biểu chào mừng buổi tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM trong suốt nhiều năm qua đã và đang thể hiện vai trò tiên phong trong việc phát triển KHCN, gắn kết vai trò của công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn Thành phố, và minh chứng rõ ràng nhất cho thấy KHCN đang được TP.HCM xem như nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội chính là Sở KHCN Thành phố đã chủ động tham mưu cho UBND TP.HCM triển khai 4 chương trình trọng điểm trong giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể là các chương trình: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KHCN; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy phát triển thị trường KHCN; Hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở

Sở KHCN TP.HCM vinh dự nhận cờ thi đua của Chính phủ về những thành tích hoàn thành xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua lao động, sản xuất và công tác của TP.HCM trong năm 2015.

Kể lại quá trình đi cơ sở để nghiên cứu triển khai mô hình Chợ Thiết bị và Công nghệ (tức Techmart hiện nay - PV) cách đây 20 năm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Giám đốc Sở KHCN TP.HCM giai đoạn 1997-2000 cho biết, đã từng có giai đoạn, các doanh nghiệp cũng như nhà khoa học trên địa bàn Thành phố hoàn toàn không có khái niệm "bán công nghệ mà các đề tài khoa học đã nghiên cứu thành công", mà nếu có muốn bán thì cũng "không biết giá bao nhiêu" vì cấp trên chưa cho bán.

Thậm chí trong ngày diễn ra Chợ Thiết bị và Công nghệ, vẫn theo lời giáo sư Nhân, dù trong tài liệu gửi khách mời đã có ghi rõ giá bán của đề tài  Làm phô mai từ cùi dừa, nhưng người nữ chủ nhiệm đề tài ấy vẫn thản nhiên trả lời cho ông lẫn đối tác hỏi mua khi đó rằng vẫn chưa có giá (?).

Tuy nhiên, theo nhận định khách quan của ông Nhân, khi đó thì các quy định về quyền thương mại, sở hữu tài sản trí tuệ đối với các đề tài khoa học do Nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu vẫn chưa đồng nhất, và điều đó cũng ít nhiều gây khó khăn cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân nhà khoa học trong việc "chào bán" sản phẩm giải pháp, sáng chế khoa học công nghệ.

Cường độ kinh tế của TP.HCM rất lớn

Nhận định về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong lĩnh vực KHCN nói riêng của TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các số liệu thống kê cho thấy, mỗi km2 của Thành phố đóng góp giá trị vào GDP quốc gia gấp 46 lần so với con số bình quân của phần km2 còn lại của cả nước.

"Nghĩa là, Thành phố mà làm 2 năm trên mỗi cây số vuông thì bằng bình quân cả nước làm trong 92 năm", ông Nhân nhận định, "Chúng ta có thể hình dung Thành phố này có một cường độ kinh tế rất lớn, và cường độ này kéo theo sự phát triển của vận tải, lao động, các dịch vụ, và đây cũng là sức ép cho Thành phố".

Cũng theo ông Nhân, trước thực tế nợ công và lạm phát đang có xu hướng tăng dần, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nếu muốn thúc đẩy phát triển nhanh mà chỉ trông cậy vào các phần nguồn lực "bị hạn chế" thì rất là khó, thay vào đó phải dựa vào các nguồn lực có nhiều và tăng thêm, cụ thể là lực lượng lao động.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

"Trong khi ở các quốc gia khác ngày càng thiếu lao động, thì Việt Nam ngày càng có nhiều nhiều lao động", ông Nhận khẳng định, "Lao động Việt Nam, con người Việt Nam, với sức lực và trí tuệ, sẽ còn tăng được trong 30 năm nữa".

Và để phát huy nguồn lực con người, theo Chủ tịch Nhân, vai trò của khởi nghiệp là hết sức cần thiết.

"Khởi nghiệp chính là thu hút nguồn nhân lực. Mỗi năm, Việt Nam có thêm gần 1 triệu người đi tìm việc làm", ông Nhân nói, "do đó câu chuyện khởi nghiệp chính là câu chuyện phát huy tiềm năng con người lao động của cả đất nước này với một tốc độ phát triển rất lớn, sau 30 năm đổi mới có nửa triệu doanh nghiệp".

Theo lời ông Nhân, Chính phủ đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, và ông hy vọng TP.HCM cũng sẽ phấn đấu tăng gấp đôi số lượng DN từ con số 260.000 ở thời điểm hiện tại.

Và để làm được cuộc đột phá về số lượng DN này thì có nhiều việc phải làm, trong đó có vai trò của KHCN. Đơn cử, ông Nhân khuyến nghị, cần chủ động tư vấn cho các DN mới này biết quản lý, biết khai thác KHCN vào sản xuất kinh doanh.

"Các DN này phải coi KHCN là cần thiết", ông Nhân nhấn mạnh, "và phải gắn với khởi nghiệp và sáng tạo".

Theo đề xuất của ông Nhân, Sở KHCN TP.HCM cần có chương trình tư vấn về KHCN hơn 240.000 DN mới ra đời trong tương lai, và phát triển hơn nữa hoạt động của chợ công nghệ, đặc biệt là phương thức tham khảo thông tin và giao dịch trực tuyến. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Đại học Quốc gia TP.HCM nói riêng cũng như các đại học, cơ sở nghiên cứu nói chung tăng cường hơn nữa sự gắn kết với Sở KHCN Thành phố.

Ảnh: Kim Hoàn

PCWorld

40 năm Sở KHCN TP.HCM, An Huy, khởi nghiệp công nghệ, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,601,687       1,223