Công nghệ - Sản phẩm

Điểm danh các sản phẩm công nghệ Trung Quốc

(PCWorldVN) Không chỉ smartphone, các công ty công nghệ Trung Quốc còn tham gia vào những lĩnh vực khác, đặc biệt là CNTT và viễn thông.

Không chỉ tại Việt Nam, mà cả trên thế giới, đang tràn ngập các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc, trong cả mảng tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Đặc điểm nổi bật của các sản phẩm công nghệ Trung Quốc là giá thấp, mẫu mã đa dạng và liên tục theo sát nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, chất lượng của hầu hết các sản phẩm này còn là vấn đề phải cân nhắc. Bên cạnh đó, không ít nhà sản xuất Trung Quốc, cũng như sản phẩm của họ đang bị những tai tiếng liên quan đến an ninh, bảo mật.

Ngoài smartphone, sản phẩm Trung Quốc còn có mặt ở nhiều lĩnh vực CNTT và viễn thông khác. Hãy cùng PC World VN điểm danh các tên tuổi nổi cộm hiện nay.

Điện thoại Trung Quốc chiếm thị trường

Trong báo cáo mới nhất của IC Insights - nhà nghiên cứu thị trường Mỹ hồi đầu tháng 6 vừa qua thì 8 trong số 12 nhà sản xuất điện thoại di động có doanh số lớn nhất thế giới là của Trung Quốc. Đứng đầu trong danh sách này vẫn là Samsung với 81,5 triệu chiếc di động được bán ra trong, trong khi đó Apple xếp ở vị trí thứ hai với 51,6 triệu chiếc, theo sau là Huawei với 28,9 triệu chiếc. Đây là những số liệu thuộc về Q1/2016.

Bản xếp hạng Q1/2016.

Điều đáng chú ý ở đây là trong 9 cái tên tiếp theo thì có đến 7 công ty sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc. Bao gồm, Oppo xếp ở vị trí thứ 8 năm nay đã nhảy lên vị trí thứ 4. Xiaomi vẫn giữ vững ở vị trí thứ 5. Hãng Vivo nhảy từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 6, trái lại hãng LG lại giảm xuống vị trí thứ 7.

4 hãng sản xuất điện thoại còn lại cũng đến từ Trung Quốc là ZTE, Lenovo, TCL và Meizu. Bản nghiên cứu này cũng ghi nhận sự hụt hơi trong cuộc chiến di động của các tên tuổi lớn khác, ví dụ như doanh số smartphone của Microsoft giảm 2,3 triệu thiết bị, con số này với Sony là 3,4 triệu thiết bị.

Không chỉ smartphone

Những nhà sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc còn có những mảng kinh doanh khác mà không phải ai cũng biết. Dưới đây là điểm danh những lĩnh vực khác mà các hãng công nghệ này có sản phẩm trên thị trường.

Huawei

Trước khi trở thành một trong những hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thì Huawei còn được biết đến như một trong những nhà cung cấp hạ tầng viễn thông giá rẻ trên toàn thế giới.

“Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4-2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này”. Huawei vào thị trường Việt Nam vào khoảng năm 1999 và đến 2013 thì hãng này đã nhanh chóng loại hết những đối thủ sừng sỏ như Ericsson, Alcatel, Nokia-Siemens, Orange-France Telecom, Motorola trong thời gian ngắn nhờ vào chính sách giá rẻ của mình.

Sẽ rà soát lại việc sử dụng thiết bị của Trung Quốc

Hạ tầng viễn thông ở VN trang bị nhiều thiết bị của Trung Quốc, nhất là từ Hãng Huawei, trong khi doanh nghiệp này bị nhiều nước tẩy chay. Bộ có chủ trương gì để đảm bảo an toàn thông tin trước thiết bị Trung Quốc?

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Có nước công khai cáo buộc hãng của Trung Quốc. Cần nhấn mạnh rằng sẽ không thể đảm bảo an toàn thông tin nếu phụ thuộc vào một công nghệ, một doanh nghiệp cụ thể. Không có thiết bị nào đảm bảo tin tưởng hoàn toàn.

Thực trạng hiện nay đúng là có nhà mạng lớn dùng công nghệ Trung Quốc và có khả năng có lỗ hổng. Có nhiều lý do cho việc sử dụng thiết bị Trung Quốc: do hoàn cảnh lịch sử, luật đấu thầu có hạn chế, nhất là cách tiếp cận của Trung Quốc rất linh hoạt... Luật của ta không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ rà soát, có yêu cầu cụ thể đảm bảo an ninh với mua sắm thiết bị quan trọng.

Thậm chí, ngay tại Mỹ,  Huawei cũng đã sự phát triển mạnh trong giai đoạn trước năm 2013 - thời điểm mà Mỹ bắt đầu điều tra về nguy cơ mất an toàn, an ninh từ các thiết bị của hãng đến từ Trung Quốc này. Huawei phục vụ 31 trong số 50 công ty khai thác viễn thông hàng đầu thế giới. Hãng này cũng chiếm 55% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực nối mạng bằng USB 3G di động.

Huawei có 3 mảng kinh doanh cốt lõi bao gồm: Hạ tầng mạng viễn thông (Carrier), Giải pháp doanh nghiệp (Enterprise) và Kinh doanh tiêu dùng (Consumer). Trong đó mảng kinh doanh Hạ tầng mạng viễn thông đạt doanh thu 35,8 tỉ USD nhờ vào việc triển khai hệ thống mạng 4G. Huawei còn được biết đến với việc cung cấp các giải pháp cho ngành thông vận tải, tài chính, năng lượng và thành phố thông minh. Kinh doanh tiêu dùng của Huawei có tốc độ tăng trưởng lớn hơn bao giờ hết khi hãng này đẩy mạnh đầu tư của mình vào các thiết bị di động nhất là smartphone.

Tuy có sự phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên Huawei lại đang bị Mỹ và các nước đồng minh “tẩy chay”. Trong đó điển hình là phải kể đến những thương vụ mua lại các công ty Mỹ như mảng thiết bị không dây của Motorola và hãng cung cấp phần mềm 2Wire hồi năm 2010. Không dừng lại tại Mỹ, hồi năm 2013, Ấn Độ chính thức “cấm cửa” không cho phép sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei. Nước này còn thành lập ủy ban nhằm kiểm tra phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại và phần mềm nghe lén được nghi là có trong thành phần các thiết bị viễn thông Huawei. Cũng trong năm 2013 này, Úc cũng ban hành lệnh cấm ngăn không cho Huawei tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị phục vụ mạng băng rộng của quốc gia này.

OPPO

OPPO Electronics Corp là nhà sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc, có trụ sở đặt tại Đông Hoản, Quảng Đông. Dòng sản phẩm chính của thương hiệu này ban đầu không phải smartphone mà là những chiếc đầu đĩa Blu-ray, máy nghe nhạc MP3, Tivi LCD, eBook…

Oppo

Về thực chất OPPO là một công ty con của BBK Electronics được thành lập vào năm 2004. OPPO chỉ bước vào thị trường điện thoại di động vào năm 2008 nhưng sau 5 năm trở thành công ty có lợi nhuận đứng thứ 2 ở Trung Quốc.

Còn đối với OPPO Digital, đây là một bộ phận hoạt động độc lập với OPPO Electronics và được thành lập tại California, USA. Bộ phận này đã tự xây tự tạo cho mình thương hiệu về những sản phẩm âm thanh Hi-Fi chất lượng cao và các sản phẩm âm thanh cá nhân như tai nghe và bộ khuếch đại tai nghe, chủ yếu phục vụ ở các thị trường mục tiêu như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, USA, châu Âu, Úc, New Zealand và Ấn Độ.

Xiaomi

Chỉ sau hơn 5 năm, từ một công ty không tên tuổi, Xiaomi đã vươn mình trở thành nhà sản xuất smartphone số 5 thế giới. Hãng công nghệ này bắt đầu bằng việc tạo ra bản ROM cho điện thoại Android có tên MIUI, khá được yêu thích tại Trung Quốc. Từ MIUI, hãng này bắt đầu đi vào phát triển ứng dụng, trình chơi nhạc hay lĩnh vực điện toán đám mây.

Cửa hàng Xiaomi có thiết kế tương tự như Apple

Khi bước vào lĩnh vực smartphone, Xiaomi bị giới công nghệ cho rằng đang cố gắng sao chép chiếc điện thoại iPhone và những đặc điểm độc đáo của Apple. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, Xiaomi đã có những bước đi đúng đắn trong việc tạo ra hệ sinh thái kinh doanh của mình để tạo ra công ty trị giá 46 tỷ USD như hiện nay. Sau sự thành công của những chiếc smartphone, Xiaomi đầu từ vào hơn chục danh mục sản phẩm công nghệ từ, phụ kiện di động, IoT cho đến xe đạp. Tại các Mi Home- trung tâm giới thiệu sản phẩm của Xiaomi có Camera hành trình Yi, vòng đeo tay thông minh Mi Band, pin sạc dự phòng Mi Power Bank…

Xiaomi còn tham gia vào mảng thiết bị nghe nhìn khi ra mắt hàng loạt Smart TV với các thiết bị giải trí đi kèm Mi Entertainment hay bộ giải mã/thu phát thông minh Mi Box. Các phụ kiện giải trí đi kèm cũng đáng chú ý như Bluetooth Mi, tai nghe Mi, tay cầm chơi game… Hãng này còn đầu tư hàng loạt danh mục khác như máy lọc không khí Mi, máy lọc nước, nồi cơm điện, bóng đèn LED Yeelight, đèn ngủ, quạt thông minh, ổ cắm, thiết bị làm vườn … Gần đây Xiaomi tiếp tục mở rộng phạm vi sản phẩm ra cả các phương tiện vận chuyển cá nhân mẫu xe điện tự cân bằng Ninebot Mini, máy bay không người lái Mi Drone và xe đạp điện thông minh Qicycle. Chúng ta cũng có thể bắt gặp vali thông minh hay giày thông minh Xiaomi trên thị trường.

Vào hồi 2014, công ty bảo mật F-Secure đã chứng minh được rằng smartphone của Xiaomi đã bí mật ăn cắp và tải dữ liệu người dùng về mà không được sự cho phép. Những chiếc phablet Redmi Note của Xiaomi có thể tự động gửi dữ liệu trên thiết bị về một máy chủ nằm ở Trung Quốc. Phó Chủ tịch Xiaomi Hugo Barra đã xin lỗi vì hành vi thu thập dữ liệu khi chưa được phép của người dùng và khẳng định công ty chỉ thu thập số điện thoại trong danh bạ để xem người dùng đó có online hay không.

Vivo

Một công ty con khác của BBK Electronics, Vivo được thành lập vào năm 2009 tại Quảng Đông, Trung Quốc. Trước khi ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên vào năm 2011, Vivo là một trong những nhà thầu phụ chuyên cung cấp tấm màn hình độ phân giải cao và vi xử lý âm thanh hi-fi cho các thiết bị di động.

ZTE

Cùng với Huawei, ZTE là một trong những nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông bị Mỹ và đồng minh đưa vào danh sách tẩy chay khi bị nghi ngờ là gián điệp.

Câu chuyện đình đám nhất bắt đầu từ những chiếc điện thoại mà chính ZTE sản xuất. Chiếc smartphone Score M chạy Android bán ở thị trường Mỹ của hãng này bị tố là cài backdoor, công cụ cho phép hiếm quyền điều khiển người dùng. Đến năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã ra khuyến cáo với các hãng viễn thông của Mỹ rằng không nên hợp tác với 2 nhà cung cấp thiết bị hạ tầng là Huawei và ZTE.

Đầu năm 2015, Kyle Lovett - một nhà nghiên cứu bảo mật cho biết rằng hàng loạt bộ định tuyến của ZTE chứa lỗi bảo mật cho phép hacker thực hiện các cuộc tấn công từ xa. Câu chuyện của những bộ định tuyến không dừng ở đó khi mà đến tháng 8/2015 đại học Carnegie Mellon cảnh báo một bộ định tuyến khác của ZTE chưa mật khẩu dễ đoán mà có thể được sử dụng để truy cập thiết bị với một tài khoản ẩn.

Lenovo

Lenovo Group là tập đoàn đa quốc gia về công nghệ máy tính có trụ sở chính ở Bắc Kinh, Trung Quốc và Bắc Carolina, Mỹ. Tập đoàn này chuyên đoàn thiết kế, phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm như máy tính cá nhân, máy tính bảng, smartphone, các trạm máy tính, server, thiết bị lưu trữ điện tử, phần mềm quản trị IT và Ti Vi thông minh. Ngoài ra còn có công ty liên doanh với EMC, để bán các giải pháp lưu trữ có kết nối mạng hay cùng với NEC sản xuất máy tính cá nhân cho thị trường Nhật Bản.

Lenovo đã mua lại mảng kinh doanh máy tính của IBM hồi năm 2005 và mua lại bộ phận máy chủ của Intel năm 2014. Lenovo gia nhập thị trường thiết bị di động năm 2012 và trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn trên thế giới.

Cũng giống với nhiều hãng công nghệ khác, Lenovo bị cáo buộc vì đã gắn các phần mềm quảng cáo hay những công cụ đe dọa an ninh hệ thống mạng. Lenovo đã bị một nhóm người dùng tại Mỹ đệ đơn kiện vì đã cài đặt phần mềm quảng cáo Superfish vào máy tính. Mã độc Superfish được cài sẵn trên các laptop mà Lenovo bán ra từ giữa tháng 9/2014 đến tháng 1/2015. Các máy tính xách tay bị ảnh hưởng bởi Superfish bao gồm: G Series, U Series, Y Series, Z Series, S Series, Flex, Miix, Yoga và E Series. Trước đó, năm 2013, Lenovo cũng từng bị các nước lớn như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand cấm cung cấp thiết bị cho các hệ thống mạng quốc gia do lo ngại những hoạt động xâm nhập trái phép.

Tại Việt Nam, hãng công nghệ này đã từng bị phát hiện Lenovo cài đặt sẵn phần mềm có tên “Lenovo Service Engine” vào BIOS của máy trước khi xuất xưởng. Khi kết nối với Internet, LSE sẽ tự động tải về máy tính phần mềm khác có tên “Onkey Optimizer”. Những công cụ mà LSE tải về sẽ được quyền cao nhất, tự động kết nối máy chủ của Lenovo để thu thập một số thông tin cơ bản của máy tính, tự động tải các trình điều khiển và phần mềm khác do Lenovo chỉ định.

Văn bản của Ban chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước TP Hải Phòng hồi năm 2015 cho biết LSE hội đủ các đặc tính của "phần mềm gián điệp" với khả năng hoạt động ngầm ngay từ giai đoạn khởi động máy tính và can thiệp sâu vào các tập tin hệ thống mặc định của hệ điều hành Windows. Phần mềm “Lenovo Service Engine” được đánh giá là có nguy cơ đe dọa an toàn an ninh hệ thống thông tin mạng.
Hồi tháng 5/2015, các nhà nghiên cứu bảo mật tại IOActive (Mỹ) đã tìm ra lỗ hổng bảo mật trên một loạt các dòng máy tính của Lenovo từ ThinkPad, ThinkCenter, ThinkStation cho đến các dòng V, B, K và E. Lỗ hổng này cho phép hacker có thể vượt qua quá trình kiểm tra độ tin cậy của ứng dụng để phát tán mã độc.

TCL

TCL là công ty đa quốc gia đến từ Trung Quốc với ngành nghề chính là thiết kế, phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm điện tử, bao gồm tivi , điện thoại di động , máy điều hòa , máy giặt , tủ lạnh và các thiết bị điện.

Vào năm 2004, tập đoàn viễn thông Alcatel-Lucent (Pháp) cùng với TCL lập nên công ty liên doanh chuyên sản xuất điện thoại. Năm 2005, liên doanh đã giải thể và TCL mua 45 % cổ phần của Alcatel. Kể từ đó, Alcatel đã trở thành một công ty con thuộc sở hữu của TCL. Ngoài ra, Alcatel cũng đã mua lại thương hiệu Palm từ HP hồi năm 2014 và thương hiệu TV Thomson.

Một số thương hiệu Trung quốc và các ngành hàng        

Thương hiệu

Di động

Sản phẩm CNTT

viễn thông

Huawei

Smartphone, Tablet

USB 3G, bộ định tuyến

OPPO

Smartphone

Bộ khuếch đại âm thanh, tai nghe bluetooth

Xiaomi

Smartphone, Tablet

Camera, vòng đeo tay, loa, ổ cắm điện, tivibox, thiết bị định vị GPS 

USB 3G, USB Wi-Fi, router

Vivo

Smartphone 

ZTE

Smartphone

USB 3G, bộ định tuyến

Lenovo

Smartphone, tablet, laptop, PC 

Màn hình , Ổ cứng, bàn  phím,  tai nghe

Máy trạm, server, phần mềm, giải pháp, dịch vụ

TCL

Smartphone, tablet

Tivi, máy lạnh, quạt, bếp hồng ngoại

PCWorld

Alcatel, Huawei, Lenovo, Made in China, Oppo, sản phẩm công nghệ Trung Quốc, TCL, Vivo, ZTE


      © 2021 FAP
        2,606,734       873