Công nghệ - Sản phẩm

Intel trong cơn lốc di động

(PCWorldVN) Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tỏ ra chậm chạp trước cơn lốc di động mạnh mẽ đang cuốn đi quá nhanh.

Từ chuyện CEO Intel Việt Nam

Cuối tháng 11, nhiều tờ báo và trang công nghệ trong nước đưa tin ông Trần Đức Trung (Jay Tran) đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc mới của Intel Việt Nam thay cho ông Mai Sean Cang, người đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2011.

Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, đúng lúc thị trường PC toàn cầu sa sút, tên tuổi ông Mai Sean Cang ít được truyền thông Việt Nam nhắc tới. Chẳng bù cho ông Thân Trọng Phúc “đình đám” một thời, khi PC đang là trung tâm của cuộc cách mạng điện toán cá nhân.

iPad ra đời vào năm 2010 mở ra thị trường máy tính bảng mới, cùng với đó là trào lưu smartphone bắt đầu lên cao khi iPhone đã khẳng định được xu thế tiêu dùng mới và đạo quân Android tràn ra thị trường, tất cả đem lại những trải nghiệm chưa từng có qua tương tác chạm vuốt ngay trên màn hình thiết bị khiến người tiêu dùng chỉ muốn quên đi những chiếc PC cũ kỹ. Hình ảnh Intel bỗng nhiên chìm khuất trong cuộc cách mạng điện toán di động với hạt nhân mới là chip ARM nhỏ bé, tiết kiệm năng lượng, giúp smartphone và máy tính bảng trở nên nhỏ, nhẹ trên tay người dùng, có khả năng hoạt động được cả ngày mà không lo hết pin, tiện cho giải trí, vui chơi và cả làm việc di động.

Cơn lốc di động bùng lên quá nhanh với sự dẫn dắt của những tay chơi mới đầy sáng tạo như Apple, Google tạo ra những cơ hội mới đầy hấp dẫn đã kéo theo đông đảo các nhà sản xuất cùng các nhà phát triển phần mềm, bỏ lại phía sau liên minh Wintel “huyền thoại” còn đang nuối tiếc dĩ vãng cố níu kéo để thời của PC đừng qua mau.

Cuối thế kỷ trước, sang thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là thời cực thịnh của Intel. Ông Thân Trọng Phúc, CEO Intel Việt Nam trong giai đoạn này (2000 – 2009), là cái tên thân quen với làng CNTT trong nước cùng với sự “bành trướng” của Intel Inside khắp nơi. Tên tuổi ông Phúc càng “nổi” khi ông được ghi nhận là có công lớn trong việc đưa nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Intel trị giá 1 tỷ USD vào Việt Nam (nhận giấy phép đầu tư vào tháng 2/2006, khánh thành vào ngày 29/10/2010).

Công lao của ông Phúc được đánh giá cao vì đã góp phần điền tên Việt Nam vào bản đồ các quốc gia có đầu tư công nghệ cao. Dự án của Intel còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam. Người bảo ông Phúc có tài, người bảo ông may mắn gặp thời. Tuy nhiên việc ông giữ chức CEO Intel Việt Nam gần 10 năm trời chắc chắn là một trường hợp đặc biệt. Thường thì mỗi nhiệm kỳ CEO Intel ngoài nước Mỹ chỉ khoảng vài ba năm.

Không được may mắn như ông Thân Trọng Phúc, ông Mai Sean Cang gặp đúng thời thị trường PC toàn cầu đi xuống, còn Intel thì không kịp chuyển mình trước cơn lốc di động cuốn đi quá nhanh. Intel không còn “hot” như thuở nào, thay vào đó truyền thông trong nước những năm gần đây liên tục đưa tin về Samsung với những dự án tỷ đô đầu tư vào Việt Nam. Nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới đang từng bước đưa Việt Nam thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung toàn cầu của mình. Hai tổ hợp nhà máy sản xuất điện thoại và các thiết bị di động khác của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 7,5 tỷ USD, thu hút khoảng 60.000 lao động, đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Intel trong cơn lốc di động, Intel, Bộ xử lý, tin nóng, tin sốc, tạp chí CNTT, Intel Core M thế hệ thứ 5, Samsung, Trần Đức Trung
Intel giới thiệu vi xử lý dòng Core M tại IFA 2014 với kỳ vọng sẽ đem lại sức sống mới cho các thiết bị “lai”

Intel trong cơn lốc di động

Intel thống trị lãnh địa PC một thời gian dài mà không gặp đối thủ nào xứng tầm. Nhưng nay, chip của Intel vốn có thế mạnh đem đến hiệu năng cao cho PC lại thất thế trên chiến trường di động, vì tiêu tốn quá nhiều năng lượng so với chip ARM.

Những năm qua, với nhiều nỗ lực, người khổng lồ chip đã đầu tư hàng tỷ USD cho mảng di động để rồi nhận về khoản lỗ hàng trăm triệu USD mỗi quý. Trong năm 2013, bộ phận di động của Intel lỗ tổng cộng 3,15 tỷ USD. Năm nay tình hình cũng không mấy sáng sủa, chỉ riêng quý 3 mới đây khoản lỗ đã lên tới 1 tỷ USD với doanh thu chỉ vỏn vẹn 1 triệu USD ở mảng di động.

Hồi giữa tháng 5, JP Morgan đã lên tiếng khuyên Intel nên sớm từ bỏ cuộc đua di động, vì đó sẽ là hố chôn tiền của công ty.

Nhìn lại báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2014 của Intel, con số 40 triệu bộ vi xử lý Intel trang bị cho máy tính bảng trong năm 2014 chỉ là kỳ vọng. Đây là mục tiêu của Intel với chương trình trợ giá cho các đối tác sản xuất máy tính bảng giá rẻ Trung Quốc. Các nhà phân tích tài chính tỏ ra nghi ngờ chiến thuật hạ giá chip của Intel, cho rằng dù công ty có bán được nhiều chip thì lợi nhuận thu về cũng chẳng là gì so với Qualcomm đang thống trị phân khúc cao cấp.

Với smartphone, Intel sẽ còn phải cải tiến SoC Atom nhiều hơn nữa, tăng hiệu suất và giảm tiêu hao năng lượng, để đuổi theo Qualcomm, Samsung và nhiều tay chơi khác bên chiến tuyến ARM đã thống trị thị trường nhiều năm nay. Kể cả khi công ty bắt kịp các đối thủ thì với tình cảnh hiện tại, Intel không còn ép buộc được các nhà sản xuất điện thoại hợp tác nếu họ không muốn. Bóng ma độc quyền trên thị trường PC vẫn còn đó, và các nhà sản xuất OEM hẳn sẽ không lấy gì làm vui mừng với viễn cảnh Intel lại thống trị thị trường di động.

Intel đã công bố quyết định sẽ gộp 2 bộ phận sản xuất vi xử lý cho di động và PC làm một, với lý giải ranh giới giữa PC và di động đang bị xóa nhòa. Quá trình hợp nhất dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2015, qua đó Intel kỳ vọng sự đồng nhất giữa các nhóm phát triển sản phẩm sẽ được cải thiện, và công ty sẽ tiếp cận các đối tác sản xuất tốt hơn. Trong cuộc gặp thường niên với các nhà đầu tư hồi tháng 11, Chủ tịch Intel Andy Bryant không ngần ngại thừa nhận công ty đã phải trả giá vì đã thờ ơ trong nhiều năm với lĩnh vực di động, đồng thời khẳng định Intel sẽ trở lại mạnh mẽ.

Tuy nhiên một số nhà phân tích tài chính lại cho rằng đây chỉ là “thủ thuật” nhằm khỏa lấp những khoản lỗ triền miên của mảng di động trong bối cảnh PC thoái trào, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến các cổ đông.

Trong khi đó, theo một số nhà quan sát, việc Intel hợp nhất 2 bộ phận sản xuất vi xử lý hứa hẹn sẽ tạo ra những thế hệ vi xử lý “lai”, phát huy được sức mạnh vốn có của chip Intel lại giải quyết được vấn đề tiêu hao năng lượng. Vi xử lý “lai” có thể dùng chung cho cả PC lẫn thiết bị di động sẽ giúp Intel tiết kiệm được thời gian và tiền bạc so với việc sản xuất riêng cho từng nhóm sản phẩm như trước đây.

Tuy nhiên, vực dậy thị trường PC đang sa sút đồng thời tiến nhanh trên thị trường di động đang bị ARM thống trị, mục tiêu kép này xem ra quá khó cho Intel.

PC World VN, 01/2015

PCWorld

AMD, Arm, bộ xử lý, bộ xử lý di động, Intel, Qualcomm, Samsung, Smartphone, tablet


      © 2021 FAP
        3,411,190       322