Công nghệ - Sản phẩm

Microsoft và chiến lược cho Azure

(PCWorldVN) Không còn kín cổng cao tường như trước, Microsoft cho thấy cũng "mến" Linux và cộng đồng nguồn mở khi họ chuyển hướng sang điện toán đám mây.

Một trong những thay đổi mạnh tay mà CEO Microsoft Satya Nadella muốn cho cả thế giới thấy được là Microsoft đang tập trung vào điện toán đám mây và nguồn mở. Nhưng khi Microsoft đang tìm đường tái định vị chính họ để đến với mảng thị trường thiết bị di động và dịch vụ điện toán đám mây vô cùng rộng lớn thì Microsoft cũng cần đảm bảo được vị thế của họ đối với những công ty cạnh tranh và công nghệ mới.

Đối với một gã khổng lồ công nghệ từ lâu luôn tự mình phát triển mọi thứ trong nhà thì việc phát triển phần mềm, dịch vụ ở ngoài công ty có thể xem là động thái rất đáng chú ý. Và đó chính là thứ mà Microsoft lúc này đang cần.

Từ khi Nadella lên giữ chức CEO của Microsoft hồi đầu năm nay, ông đã tạo ra nhiều thay đổi quan trọng về chiến lược và định hướng sản phẩm cho tập đoàn này.

Hồi giữa năm 2014, Microsoft bỗng tập trung đầu tư vào Kubernetes, là công cụ cải thiện tính thuận tiện và hiệu quả cho các dịch vụ điện toán đám mây. Điều này quan trọng không chỉ vì đây là công cụ nguồn mở, lại do Google phát triển, là đối thủ trực tiếp của Microsoft, mà còn vì Kubernetes chỉ chạy với hệ điều hành Linux nguồn mở, cũng là hệ điều hành đối thủ của Windows.

Động thái này chứng tỏ Microsoft nhìn thấy được điều gì đó trong tương lai của điện toán đám mây và họ nhận ra họ chỉ đạt được thành công chỉ khi kết hợp được với những công ty và cộng đồng phát triển điện toán đám mây và dự án phần mềm chung, không phải là đi theo hướng ngược lại để cạnh tranh.

Với cách nhìn này, Microsoft muốn các nhà phát triển cảm thấy thoải mái và thuận tiện khi dùng nền tảng đám mây  Azure của mình. Microsoft không ràng buộc người dùng phải chạy nền tảng Windows trên đám mây Azure, mà người dùng có thể chạy bất kỳ nền tảng nào, ngôn ngữ nào tùy theo sở thích.

Thực sự, Microsoft đã nhìn ra hướng này từ cách nay hơn hai năm, vì lúc ấy, họ đưa ra 2 tuỳ chọn nền tảng trên Azure là Windows và Linux. Giống như Computer Engine của Google, Elastic Compute Cloud của Amazon hay Cloud Servers của Rackspace, Azure cho doanh nghiệp thuê nhiều máy chủ ảo để chạy website và phần mềm, cho doanh nghiệp tự chọn nền tảng hệ điều hành.

Tuy vậy, Microsoft không công bố chi tiết tỷ lệ nền tảng mà người dùng sử dụng trong điện toán đám mây Azure. Nhưng việc hậu thuẫn hết mình cho công cụ Kubernetes cho thấy Microsoft thực sự muốn hỗ trợ doanh nghiệp đang sử dụng Azure nền Linux có thể tận dụng hết tính năng của hệ điều hành nguồn mở, có thể xem là "đối thủ truyền kiếp" của họ bấy lâu.

Kubernetes là công cụ sẵn có trong bộ chứa Docker, là bộ chứa phần mềm giúp nhà quản trị dễ dàng di chuyển một loạt phần mềm từ máy này sang máy khác hoặc từ dịch vụ đám mây này sang dịch vụ đám mây khác. Nhờ có Kubernetes, những phần mềm trong bộ chứa Docker sẽ chạy tốt hơn trên nhiều máy tính. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây sử dụng công nghệ Docker, xem đây là kiến trúc điện toán trực tuyến quan trọng. Ví dụ IBM và Red Hat đang hậu thuẫn cho Kubernetes. Nhưng rõ ràng Microsoft không phải là IBM hay Red Hat.

Microsoft dưới thời Nadella chỉ xem Docker như là bộ chứa dành riêng cho Linux mà thôi. Thực chất, trên nền tảng  Windows vẫn chưa có công nghệ nào tương đương như Docker cho Linux. Dù vậy, Microsoft đang nỗ lực chỉnh sửa Kubernetes sao cho chạy được tốt nhất trên Azure và họ đóng góp mã nguồn vào dự án nguồn mở Kubernetes này để nó được sử dụng rộng hơn. Làm như vậy, có thể thấy Microsoft đang tự làm nhỏ đi chiếc bánh thị phần Windows nhưng tương lai của Microsoft, cũng có thể tương lai của ngành công nghiệp, phải lớn hơn tầm phủ của Windows.

Tương lai là điện toán đám mây, là thế giới mà doanh nghiệp có thể chạy ứng dụng không chỉ trên máy chủ và trung tâm dữ liệu riêng của họ nhưng còn trên nhiều máy ảo từ nhiều dịch vụ khác nhau, từ Azure cho đến Google Compute Engine hay Amazon EC2.

Không dừng lại ở đó, song song với Docker và Kubernetes, Microsoft cũng ấp ủ phát triển công cụ nào đó tương tự 2 công nghệ này cho hàng ngàn máy tính nền Windows chạy trên kiến trúc đám mây của họ.

Nói cách khác, Microsoft đang tạo ra công nghệ riêng, đồng thời vẫn hợp tác với bên ngoài để củng cố những công nghệ điện toán đám mây hiện có. Đó là yếu tố mang lại thành công cho kỷ nguyên điện toán thế hệ mới.

PCWorld

Azure, điện toán đám mây, Điện toán mây, Microsoft, Satya Nadella


      © 2021 FAP
        3,373,512       745