Công nghệ - Sản phẩm

Ngại gì đường đi! Đã có smartphone

Nhờ smartphone cũng như những thiết bị công nghệ hỗ trợ GPS, việc xem bản đồ, tìm đường trở nên dễ dàng và đơn giản hơn bao giờ hết. Bản đồ giấy cũng dần trở thành quá khứ.

Bản đồ số - ứng dụng “đinh” của mọi nền tảng
Bên cạnh các ứng dụng như thư điện tử, lịch làm việc, ghi chú… thì các ứng dụng chỉ đường, xem bản đồ - Maps được xem là công cụ bắt-buộc-phải-có trên mọi nền tảng. Bất cứ nền tảng nào dù mạnh mẽ đến thế nào đi nữa mà ứng dụng bản đồ tệ, dữ liệu kém thì dần cũng sẽ bị chính người dùng khai tử.

Các đại gia trong làng công nghệ đều nhận thức được điều này, nhưng nguồn lực, khả năng và cách tiếp cận lại khác nhau. Google đã quá nổi tiếng và được xem là người đi đầu về dịch vụ bản đồ số nói chung và trên di động nói riêng. Dịch vụ Google Maps giờ đây đã có mặt trên mọi nền tảng. Người dùng từ khắp thế giới mỗi khi muốn tìm đường, tham khảo thông tin về địa lý… đại đa số tìm đến Google Maps.

Google Maps được khai sinh đúng dịp công cụ tìm kiếm Google cán mốc 1,1 tỷ hình ảnh được lập chỉ mục trong Tìm kiếm hình ảnh (tháng 2/2005). Hai tháng sau đó, Google Maps được phát hành tại Anh, là quốc gia châu Âu đầu tiên được sử dụng dịch vụ này. Cũng vào thời gian này, Google Maps đã bổ sung thêm tính năng xem và chỉ đường qua vệ tinh (chế độ Satellite).

Cho đến nay, bên cạnh phiên bản web với nhiều tính năng mạnh mẽ thì Google Maps đã có mặt trên các nền tảng di động như iOS, Android. Google cũng nhanh chóng phát hành API dành cho Maps để các nhà phát triển có thể nhúng Google Maps vào nhiều loại dịch vụ và trang web bản đồ vào năm 2005 (vài tháng ngay sau khi Google Maps ra đời). Bên cạnh đó, Google cũng có riêng một công cụ Google Maps Maker để mọi người dùng có thể cập nhật những thông tin địa điểm tại các khu vực mình quan tâm. Tầm nhìn về triển vọng của công nghệ bản đồ và cách tiếp cận của Google đã giúp cho dịch vụ bản đồ của hãng trở nên cực kỳ phong phú, từ thông tin địa điểm đến khả năng chỉ đường, hướng dẫn luôn được cập nhật. Địa điểm và đường đi tại Việt Nam cũng được cập nhật liên tục theo sự thay đổi thực tế.

Google Maps được xem là “người đi đầu” về bản đồ trên di động.
 

Bên cạnh Google Maps, các sản phẩm khác tuổi khác như Bing Maps của Microsoft, HERE Maps của Nokia, Apple Maps của Apple và BlackBerry Maps của BlackBerry. Tuy nhiên, ngoài Apple Maps và HERE Maps thì những dịch vụ còn lại dữ liệu dành cho Việt Nam khá sơ sài, thậm chí tên đường sai. Trong khi đó, những địa điểm tại Bắc Mỹ hay Châu Âu lại khá phong phú và chính xác.

Dịch vụ Apple Maps được xem là có tiềm năng nhất dù “sinh sau đẻ muộn”. Chính thức ra đời vào tháng 9/2012, thời điểm Apple chính thức không dùng Google Maps làm ứng dụng mặc định trên iOS nữa mà chuyển sang một ứng dụng riêng do chính mình phát triển. Lúc mới xuất hiện trên iOS 6, Apple Maps nhận được rất nhiều phàn nàn về chất lượng cũng như dữ liệu của ứng dụng chỉ đường này. Thậm chí, CEO Tim Cook phải lên tiếng xin lỗi người dùng vì điều này. Tuy nhiên, Apple đã liên tục cải tiến sau đó và hiện nay Apple Maps dường như đã khá ổn và phong phú cả về địa điểm lẫn chức năng. Đến tháng 9 năm ngoái, đã có 35 triệu người dùng iPhone tại Mỹ quay sang sử dụng Apple Maps so với con số 58,7 triệu người sử dụng Google Maps trên cả hai thiết bị iPhone và Android. Con số này đã và đang tăng và hứa hẹn đây là đối thủ đáng gờm của Google Maps.

Trong khi đó, sau thương vụ với Microsoft, Nokia vẫn còn mảng dịch vụ khá rộng lớn, trong đó có HERE Maps. Với người dùng Việt Nam, có thể nói HERE Maps (trước đây có tên là Nokia Maps) khá nổi tiếng vì khả năng hỗ trợ tìm đường ngoại tuyến (offline), bằng giọng nói và cơ sở dữ liệu bản đồ phong phú. Không hề thua kém Google Maps hay Apple Maps, HERE Maps hiện cũng hỗ trợ chức năng dẫn đường, xem ảnh vệ tinh, bản đồ 3D, xem thông tin các điểm tham quan, hỗ trợ tìm kiếm… Hiện tại, bên cạnh phiên bản nền web thì HERE Maps chỉ có ứng dụng dành cho Windows Phone. Trước đó vào tháng 11/2012, ứng dụng dành cho iOS đã có mặt trên iOS nhưng sau đó, cuối tháng 12/2013, Nokia tuyên bố gỡ ứng dụng khỏi App Store vì cho rằng iOS 7 làm ảnh hưởng đến những trải nghiệm của HERE Maps. Vào giữa năm nay, nhiều thông tin cho rằng HERE Maps sẽ quay trở lại iOS và các nền tảng khác. Điều này càng thuyết phục hơn vì Nokia sẽ dốc toàn lực cho dịch vụ chủ đạo của mình sau khi mảng thiết bị đã thuộc về Microsoft.

Có thể thời gian tới, HERE Maps sẽ có mặt trên mọi nền tảng di động.
 

Nói bản đồ là ứng dụng đinh của các nền tảng di động, có thể quyết định đến sự thành bại của nền tảng đó. Hầu như hiện nay, người dùng đều thực hiện các yêu cầu của mình ngay trên di động, ví dụ như tìm đường bằng bản đồ giấy có vẻ không còn được ưa chuộng. Chỉ với một ứng dụng bản đồ trên smartphone, người dùng có thể tìm địa điểm, xác định vị trí cần đến và có được lộ trình chính xác, ngắn nhất chỉ với một thao tác chạm. Lấy thêm một ví dụ của BlackBerry tại Việt Nam. Dù số lượng người dùng yêu thích thương hiệu BlackBerry tại Việt Nam khá đông đảo, nhưng khi BlackBerry 10 ra đời cùng với hai sản phẩm BlackBerry Q10 và Z10 thì đại đa số phàn nàn về ứng dụng BlackBerry Maps. Dữ liệu sơ sài, ít chức năng, thông tin đường xá không được cập nhật tại bản địa (và nhiều nước khác). Nhiều người sẽ đem so sánh với iPhone hay những thiết bị Android khác có ứng dụng bản đồ mạnh mẽ hơn. Từ đó, BlackBerry 10 dần trở thành một nền tảng kém ưa chuộng hơn vì chức năng tìm và dẫn đường kém. Có thể vì nhiều lý do khác nữa khiến BlackBerry 10 OS không thành công, nhưng một lý do khá rõ ràng là ứng dụng bản đồ chưa được đầu tư kỹ càng.

Tóm lại, cục diện cuộc chiến ứng dụng bản đồ dường như đã rõ ràng, “thế chân vạc” Google Maps, Apple Maps và Nokia HERE Maps với ba đại gia có nhiều kinh nghiệm cũng như nguồn lực. Người dùng đã, đang và sẽ có được những trải nghiệm tiện lợi về việc dẫn đường nhờ những ứng dụng bản đồ từ các nền tảng di động iOS, Android, Windows Phone và bản đồ nền web.

Bản đồ trên di động - cuộc chiến tính năng
Như đã đề cập sơ lược ở trên, ứng dụng bản đồ là bắt buộc phải có trên một thiết bị di động. Mặc dù mỗi hãng có những cách tiếp cận riêng nhằm lôi kéo người dùng về phía mình, nhưng nhìn chung đều có 3 hướng phát triển cho ứng dụng bản đồ: giao diện dễ dùng, chức năng hữu dụng và luôn tìm cách đón đầu xu hướng.

Apple Maps đang dần hoàn thiện và sẽ là đối thủ đáng gờm của Google Maps.
 

Có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực bản đồ số, ứng dụng Google Maps được đánh giá là sản phẩm có thiết kế tốt, tối ưu cho cả smartphone và máy tính bảng. Trước đây, trên những phiên bản iOS từ 5.X trở về trước, Apple đã sử dụng dữ liệu của Google để làm nên ứng dụng Maps cho iPhone OS (sau này là iOS). Và giao diện của Maps trên iOS đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho những ứng dụng bản đồ, chỉ đường sau này. Hiện tại, sau khi không được Apple sử dụng làm ứng dụng bản đồ mặc định, Google cũng có một phiên bản Google Maps cho iOS với tính năng thậm chí hơn rất nhiều so với Maps của Apple trước đó. Trên Android thì không phải bàn cãi nhiều vì Google Maps là ứng dụng mặc định xuất sắc cho chức năng xem, tìm và chỉ đường trên di động. Cả hai phiên bản Google Maps cho iOS, Android đều có được những tính năng ưu việt của phiên bản desktop nền web. Người dùng có thể tìm được vị trí khá chính xác, thậm chí cả số nhà và đường hẻm tại Việt Nam.

Google Maps hiện tại có cơ sở dữ liệu bản đồ khổng lồ với số quốc gia và lãnh thổ lên đến 220 và dữ liệu chuyên sâu được cập nhật đến hơn 15.000 thị trấn - thành phố và hơn 100 triệu địa điểm. Ứng dụng có thể hỗ trợ điều hướng nhờ GPS, tuỳ chọn điều hướng và tìm đường bằng giọng nói, hỗ trợ cho người dùng đi ô-tô, xe đạp hay đi bộ. Ngoài ra, ứng dụng trên di động giờ đây cũng đã có chế độ xem đường phố (Street View), hình ảnh trong nhà tại các nhà hàng, bảo tàng và các địa điểm quan trọng (Hotel View).

Apple Maps hiện chưa hỗ trợ chức năng xem bản đồ ngoại tuyến không cần kết nối Internet (offline). Trong khi đó, Google thì chỉ hỗ trợ một phần ở một khu vực do người dùng chỉ định. Riêng HERE Maps thì đây là một ưu điểm. Người dùng có thể tải trước gói dữ liệu bản đồ của một quốc gia và lưu trên bộ nhớ máy hoặc thẻ nhớ. Sau đó có thể sử dụng mọi chức năng tìm đường, định vị, dẫn đường… mà không cần kết nối Internet. Bên cạnh đó, HERE Maps còn có chức năng dẫn đường bằng giọng nói hỗ trợ cả tiếng Việt. Người dùng cũng phải tải về gói dữ liệu ngôn ngữ âm thanh để sử dụng chức năng này.

Xét về giao diện thì Apple Maps có vẻ như đơn giản và dễ dùng hơn so với Google Maps, HERE Maps thì tương đối phức tạp. Hình ảnh thiết kế (đường xá, biểu tượng…) trên ứng dụng của Apple Maps và Google Maps trực quan và sinh động. Giao diện người dùng của Apple Maps sẽ được tùy chỉnh để trông gọn gàng hơn, các tuyến đường trên bản đồ cũng rõ nét hơn. Một số địa điểm phổ biến được nhiều người quan tâm như sân bay, công viên, trạm xe buýt, đường cao tốc sẽ nằm trong danh sách lựa chọn có sẵn nhằm giúp người dùng dễ tìm thấy hơn. Trong khi đó, cách thiết kế bản đồ của HERE Maps khá rối và không hấp dẫn.

Chức năng dẫn đường trên Google Maps và HERE Maps có thể nói rất tốt ở thời điểm hiện tại ở Việt Nam. Trong khi đó, Apple Maps có vẻ chưa hoàn thiện ở chức năng này. Hiện tại, người dùng iOS vẫn phải dựa vào ứng dụng từ bên thứ 3 để nhận được hướng dẫn tốt nhất về các phương tiện giao thông công cộng. Có thể trên iOS 8, chức năng này sẽ hoàn thiện hơn. Theo một số nguồn tin thân thiết với dự án phát triển bản đồ của Apple, hãng này đã bổ sung hệ thống chỉ dẫn giao thông công cộng của các tuyến tàu, tàu ngầm, và xe buýt lên hệ thống của Apple Maps. Bên cạnh đó, Apple cũng sẽ thử nghiệm tính năng này tại một số thành phố lớn của Mỹ, sau đó mở rộng ra cả nước và một số quốc gia khác. Điều đáng ngạc nhiên là Apple sẽ tích hợp tính năng này lên cả Apple Maps và ứng dụng từ bên thứ 3. Do đó, một khi Apple Maps chưa đáp ứng được nhu cầu, người dùng hoàn toàn có thể tìm đến hướng dẫn từ các ứng dụng khác.

Khai thác công nghệ thực tế ảo trong ứng dụng bản đồ sẽ là xu hướng trong tương lai, hy vọng Apple sẽ bắt đầu xu hướng này với cách của mình.

Về khả năng đón đầu và khởi động xu hướng mới thì Apple thường tiên phong. Với ứng dụng dẫn đường trên di động cũng vậy. Nếu ứng dụng Maps trên iOS trước đây được xem là khởi đầu thành công thì hiện Apple Maps có thể sẽ tiếp tục làm được điều này, dù ra đời khá muộn so với Google. Nhiều nguồn tin cho rằng, niều khả năng Apple sẽ tích hợp công nghệ thực tế ảo (Augmented Reality - AR) vào trong Apple Maps trên iOS 8.

Bản đồ số đang dần thay thế cho bản đồ giấy truyền thống.

Chức năng bản đồ offline và dẫn đường bằng giọng nói rất hữu ích trên HERE Maps.

Không phải đến tận bây giờ AR mới được chú ý đến tiềm năng trong ứng dụng bản đồ hay dẫn đường, vì hiện cũng đã có những ứng dụng làm được điều này nhưng chưa thực sự đột phá. Hy vọng với công nghệ đã được Apple đăng ký bằng sáng chế vào năm 2011, Augumented Reality sẽ giúp tăng khả năng tương tác của người dùng di động với môi trường xung quanh, đồng thời cung cấp được nhiều thông tin hơn về địa điểm cho người dùng. Tính năng thực tế ảo này được dự đoán sẽ trở thành xu hướng của các ứng dụng dẫn đường trong tương lai và dường như Apple muốn mình là kẻ đi đầu.

Nở rộ ứng dụng bản đồ trên di động
Ứng dụng bản đồ, dẫn đường hay các ứng dụng dựa trên địa điểm, định vị đã và đang phát triển cả số lượng và chất lượng trên các kho ứng dụng. Phần lớn các ứng dụng tìm được, định vị cơ bản đều miễn phí nhưng với các ứng dụng chuyên biệt hỗ trợ các tính năng cao cấp thường có phí.

Khai thác công nghệ thực tế ảo trong ứng dụng bản đồ sẽ là xu hướng trong tương lai, hy vọng Apple sẽ bắt đầu xu hướng này với cách của mình.

Đa phần các tiện ích bản đồ trên Play Store, Apple App Store, BlackBerry World hay Windows Phone Store sử dụng API của Google Maps hay Bing Maps, một số rất ít sử dụng dữ liệu từ OpenStreet Maps. Tuy vậy, cũng có nhiều ứng dụng khai thác được những dữ liệu của các dịch vụ bản đồ trên để phục vụ cho những tính năng chuyên biệt trên ứng dụng của mình. Bạn có thể tìm và tải về các ứng dụng chỉ đường, bản đồ từ mục Navigation (đối với iOS) hay Travel and Local (Du lịch và Địa phương) đối với Android.

Ứng dụng bản đồ, định hướng tràn ngập trên kho ứng dụng.

Một lưu ý nhỏ là hiện có một số ứng dụng hỗ trợ xem bản đồ offline như HERE Maps. Tuy nhiên, không phải tiện ích nào cũng hỗ trợ dữ liệu bản đồ tại Việt Nam. Do đó, với những tiện ích có phí, người dùng cần xem kỹ thông tin mô tả trước khi nhấn nút “Mua” để không phải mất tiền trong khi ứng dụng lại không phục vụ mục đích của mình.

Tóm lại, bên cạnh sự chú trọng rất lớn của các hãng công nghệ lớn nhằm đưa ứng dụng dẫn đường mặc định tốt nhất lên nền tảng của mình, thì người dùng hiện có rất nhiều lựa chọn ứng dụng tương tự của bên thứ ba. Giờ đây, với sự hỗ trợ của smartphone hay tablet, bạn sẽ tiết kiệm thời gian hơn để đi đến đích và sẽ không còn sợ lạc đường.

 

Google Street View tại Việt Nam

Vào tháng 4, nhiều nguồn tin cho rằng Google đang thử nghiệm dịch vụ Google Street View (chế độ xem đường phố) tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì không hoàn toàn như vậy. Những hình ảnh này do một số nhóm hoạt động trong lĩnh vực du lịch trực tuyến thực hiện bằng cách ghép những bức ảnh được chụp liên tục trên xe máy. Người dùng cũng có thể đóng góp hình ảnh 360 độ tương tự cho các thành phố lớn tại địa phương của mình. Tại Việt Nam, người dùng có thể đóng góp ảnh toàn cảnh cho các thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh, Vũng Tàu, Phan Thiết, Cam Ranh - Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và một vài địa phương khác.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hà Nội qua chế độ xem phố 360 độ.

Ảnh chụp Dinh Thống Nhất – TP.HCM qua chế độ xem phố 360 độ.

Ảnh chụp nhà thờ Đức Bà – TP.HCM qua chế độ xem phố 360 độ.

PC World VN, 09/2014
 

PCWorld

lên đường cùng smartphone, Smartphone


      © 2021 FAP
        3,415,162       251