Công nghệ - Sản phẩm

Dịch vụ dựa trên vị trí

Việc các thiết bị di động cá nhân tích hợp GPS ngày càng phổ biến tạo điều kiện cho các nhà phát triển nghiên cứu và mở rộng các ứng dụng về dịch vụ dựa trên vị trí.

Dịch vụ dựa trên vị trí - Location-based service (LBS), dịch vụ cung cấp nội dung và khả năng tương tác với người dùng dựa trên vị trí hiện tại. Chẳng hạn như phát hiện máy rút tiền ATM hoặc tìm địa chỉ của nơi cần đến... Dịch vụ  LBS là phần giao của ba công nghệ chính được thể  hiện như trong minh họa trên bao gồm GIS - Hệ thống thông tin địa lý, Internet và thiết bị di động – định vị toàn cầu (GPS). Các ứng dụng dịch vụ LBS được chia thành 4 nhóm, bao gồm dịch vụ thông tin và dẫn đường (Information and navigation services), hỗ trợ khẩn cấp (Emergency), dịch vụ giám sát (Tracking), dịch vụ liên quan mạng (Network related services). LBS có thể dựa trên thiết bị nối mạng mở ra rất nhiều hình thức trong giải pháp ứng dụng dựa trên vị trí khách hàng cho đến dịch vụ thời tiết cá nhân, trò chơi. LBS được xem là một minh chứng về sự hội tụ viễn thông.

Dịch vụ LBS đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng hồi năm 2001 bởi TeliaSonera ở Thụy Điển với các tính năng như FriendFinder, thông tin trang vàng, cuộc gọi khẩn cấp... Tính năng tương tự của dịch vụ LBS này cũng được EMT tại Estonia triển khai. Cả 2 nhà cung cấp đều dựa trên hệ thống định vị di động Ericsson (MPS).

Định vị địa điểm trên Goolge Places
 

Vào tháng 5/2002, go2 và AT&T Mobility ra mắt ứng dụng LBS trên điện thoại di động đầu tiên với chức năng tìm kiếm địa phương sử dụng công nghệ Automatic Location Identification (ALI) của FCC. Các ứng dụng này có thể xác định vị trí người dùng và tìm kiếm xung quanh đó các địa điểm theo yêu cầu.

Dịch vụ dựa trên vị trí phổ biến nhất thuộc về lĩnh vực thông tin và dẫn đường: Google Places, Facebook Places, Urbanspoon, Yelp Foursquare. Tại thị trường Việt Nam thì còn cần nhắc đến một số ứng dụng địa phương như Nha Nha, Foody hay Zalo...

Dịch vụ dựa trên vị trí đơn giản (như Google Places) cung cấp danh sách các vị trí phù hợp với điều kiện tìm kiếm của người dùng, cùng với thông tin cơ bản về các vị trí đó. Dịch vụ dựa trên vị trí phức tạp hơn (như Foursquare hay Nha Nha, Foody) thường đi vào chi tiết mang tính địa phương cao. Người dùng check-in tại một địa điểm cụ thể và các dịch vụ này cung cấp những thông tin xung quanh vị trí đó, có thể là cửa hàng, quán ăn ngon hay các dịch vụ giảm giá...

Từ năm 2012 thì một nửa số lượng tìm kiếm trên Internet đã được thực hiện trên di động và đã vượt máy tính để bàn trong năm 2014. Thành viên của dịch vụ dựa trên vị trí cũng đang phát triển nhanh chóng. Ví dụ như Foursquare (thành lập năm 2009) là dịch vụ dựa trên vị trí chuyên dụng đầu tiên. Vào hồi 2013, công ty này đã có hơn 30 triệu người dùng trên toàn thế giới với khoảng 3 tỷ check-in với hàng triệu người sử dụng mỗi ngày. Số lượng các doanh nghiệp sử dụng tiếp thị dựa trên địa điểm là tương đối nhỏ nhưng đang phát triển. Ví dụ vào năm 2013, Foursquare báo cáo rằng có hơn 1 triệu doanh nghiệp sử dụng các trang web như một công cụ tiếp thị. Yelp thì có khoảng 606.000 tài khoản doanh nghiệp vào đầu năm 2012, với khoảng 24.000 người tham gia quảng cáo trả tiền. Số liệu của Google với cùng kỳ cho thấy khoảng 8 triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới (16%) đã xác nhận mình trên Google Place ( khoảng 50 triệu hồ sơ).

Foursquare- Một trong ứng dụng địa điểm nổi bật nhất hiện nay



Những ứng dụng trong thực tế
Ứng dụng địa điểm du lịch: đây là loạt ứng dụng di động được sử dụng nhiều nhất khi du khách đến một thành phố mới. Người dùng chỉ cần vào kho ứng dụng và gõ tên thành phố mình đến là xuất hiện khá nhiều chương trình cho mình lựa chọn.

Tìm kiếm dịch vụ: Ứng dụng này cho phép người dùng xác định vị trí của mình và các dịch vụ của doanh nghiệp sẽ hiện thị xung quanh, ví dụ như  hệ thống máy ATM, cửa hàng xăng hay nhà hàng. Tiêu biểu như : ATM Viet Nam hay Tìm ATM đối với thị trường trong nước tuy nhiên những ứng dụng này còn thiếu sự đầu tư về mọi mặt nhất là trong việc cập nhật dữ liệu. Còn nếu ở nước ngoài thì có thể tìm từ khóa "ATM+ địa điểm". Những ứng dụng nhà hàng đang nổi lên tại Việt Nam như Nha Nha hay Foody, được đầu tư kĩ càng về giao diện cũng như nguồn thông tin..

Ứng dụng địa điểm nhà hàng

Điều hướng: Dịch vụ tìm và dẫn đường là ứng dụng phổ biến nhất, các nền tảng di động đều trang bị cho mình hệ thống bản đồ riêng, Android với Google Maps, iOS với Apple Maps, Windows Phone  với HERE Maps. Một số ứng dụng Việt đáng chú ý như Địa Điểm hay Việt Maps nhưng dường như khó có thể cạnh tranh với các ông lớn.

Hệ thống trợ giúp, chăm sóc sức khoẻ: các thiết bị đeo là dòng sản phẩm được ứng dụng nhiều nhất, đáng kể như Fitbit. Ngoài ra các ứng dụng trên thiết bị di động cũng rất đa dạng như MyFitness-Pal, Runtastic ,MapMyRun, SmartRun ner,  Adidas Micoach ... tất cả những ứng dụng này đều có trên mọi hệ điều hành.

Tìm kiếm bạn bè trên thiết bị di động: ứng dụng Nearby Friends có thể tìm kiếm bạn bè với khu vực định vị bán kính 500 m, các mạng xã hội hay hệ điều hành khác cũng có những tính năng tương tự.

Ứng dụng Internet of Things:  Hệ thống cảnh báo rò rỉ khí ga bao gồm thiết bị cố định và ứng dụng thông báo. Tại Việt Nam, Công ty CP Công nghệ TechPal đã giới thiệu hệ thống TP-Gas Alarm với ứng dụng Mobile Gas Alarm (TP-Gas Alarm v1.0B) - cảnh báo qua mạng điện thoại di động. Thiết bị này ngoài báo động tại nhà còn có chức năng gọi điện đến các số điện thoại đã đăng ký. Các hệ thống an ninh hay nhà thông minh cũng được trang bị các ứng dụng quản lý và cảnh báo riêng biệt tuy nhiên nhu cầu cũng như thị trường Việt Nam tương đối nhỏ.

Quảng cáo di động dựa trên địa điểm: ứng dụng này hay còn có tên gọi chung là Mobile Geofencing, còn được gọi là Geotargeting, dựa trên thông tin địa lý cho phép một thương hiệu đưa ra quyết định hoặc hành động dựa trên địa điểm của một thuê bao SMS. Mobile Geofencing không phải là một công nghệ mới: nhưng khi mạng di động không ngừng phát triển, các nhà phát triển và thương hiệu nhận ra các giá trị gia tăng mà Mobile Geofencing có thể mang lại cho các chiến dịch tiếp thị.

Tìm kiếm tài sản thất lạc: Ứng dụng phổ biến nhất là tìm kiếm smartphone bị thất lạc. Thiết bị Windows Phone được trang bị tính năng Find my Phone, Android với Android Device Manager hay iOS có Find My iPhone... Ngoài ra các ứng dụng bên thứ 3 đáng chú ý như Where’s My Droid, Lookout... Ngoài ra tại Việt Nam còn phổ biến dòng sản phẩm chống mất cắp xe máy với các hệ thống thiết bị gắn trên xe và ứng dụng tìm kiếm thông qua GPS. Những sản phẩm đáng chú ý như của Định vị Việt, VPTech  hay SeTechViet.

Bảo mật thông tin thời dịch vụ định vị

Về cơ bản có 3 đối tượng trong việc sử dụng dịch vụ định vụ: Các nhà cung cấp vị trí (LP-Location Provider); người dùng và LBS (Location- Based Service). Các công ty như Google và Apple sử dụng dữ liệu khách hàng để lập cơ sở dữ liệu lớn thông qua các nhà mạng và Wi-Fi. Dữ liệu vị trí của người dùng được truyền qua mạng di động hoặc Wi-Fi đến các công ty cung cấp dịch vụ. Những dữ liệu vị trí sau đó có thể được chia sẻ với các bên thứ ba cho mục đích sử dụng khác nhau.

Tích lũy dữ liệu về vị trí người dùng theo thời gian cho phép các công ty tạo ra nguồn thông tin cá nhân đa dạng, chi tiết về các hành vi cá nhân, bao gồm cả những thói quen, sở thích, và thông tin cá nhân... Người dùng có thể chỉ cho rằng cung cấp hồ sơ cá nhân của mình cho các nhà dịch vụ để phục vụ nhu cá nhân và không nhìn thấy việc LBS đang sử dụng nhưng thông tin đó một cách có chủ đích khác.

Hacker có thể sử dụng dữ liệu vị trí để đánh cắp tài khoản, đặc biệt khi có thể kết với các thông tin cá nhân khác. Nguy cơ bị đánh cắp nhận dạng có diễn ra bất cứ khi nào, đặc biệt nếu các thông tin như của tên, địa chỉ, sở thích và bạn bè và tên đồng nghiệp không được bảo mật an toàn. Dữ liệu vị trí có thể được dùng để tổng hợp nhằm xác định hoặc suy luận hành vi của người dùng.

Một công ty tư vấn về vấn đề an ninh bảo mật đã chỉ ra rằng có 82% số ứng dụng Android miễn phí  và 49% số ứng dụng Android trả tiền hàng đầu theo dõi vị trí người dùng. Con số ở iOS thấp hơn là 50%  ứng dụng miễn phí  và 24% số ứng dụng trả tiền hàng đầu theo dõi vị trí người dùng

Những dạng ứng dụng địa điểm mà người dùng dễ dàng bị khai thác nhiều nhất:
Hệ thống bản đồ, dẫn đường: Google Maps, Apple Maps hay HERE Maps có thể xác định được vị trí người dùng đang ở đâu, lộ trình quen thuộc, địa điểm thường đến. Trên thực tế, khi người dùng vô hiệu hóa dịch vụ định vị trên thiết bị của mình thì dường như bằng cách nào đó, nó vẫn có thể trở về trạng thái kích hoạt dịch vụ.

Mạng xã hội: Tính năng check-in được yêu thích hầu hết trên các mạng xã hội từ Facebook cho đến Foursquare, ngay cả các đoạn tin nhắn trên đó cũng có thể hiện thị rõ vị trí người dùng.

Chụp ảnh: Tính năng được sử dụng phổ biến trên smartphone,  khá nhiều người dùng ưa thích gắn thẻ vị trị nhằm chia sẻ vị trí chụp hình.
Ứng dụng tích hợp: Đây là những ứng dụng mặc định của hệ điều hành có yêu cầu sử dụng định vị GPS. Các tính năng trên iOS có thể kể đến như Siri, Find My iPhone, Compass... còn trên Android cũng tương tự với Google Now, Android Device Manager...

Đọc thêm bài: Sức mạnh của dịch vụ di động trên nền tảng định vị
 

PC World VN, 09/2014

 

PCWorld

lên đường cùng smartphone, Smartphone


      © 2021 FAP
        3,415,185       247