Công nghệ - Sản phẩm

Sergey Brin - Người đàn ông giác ngộ

Sự đam mê khoa học máy tính và đặc biệt là lĩnh vực khai thác dữ liệu đã trở thành nền tảng của Sergey, và cũng là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của Google

Trước khi nhập học tại Stanford vào mùa xuân năm 1995, Larry Page được tham gia một chuyến đi đến San Francisco cùng với các thí sinh trúng tuyển. Người hướng dẫn chuyến đi này là một sinh viên đã tốt nghiệp cùng tuổi với Page.  “Hồi đó tôi nghĩ anh ta khá là đáng ghét” đó là suy nghĩ của ông chủ Google nói về cộng sự của mình - Sergey Brin, người cùng anh thành lập ra hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới. Cả Larry và Sergey đã có những cuộc nói chuyện và tranh luận trong 2 ngày để khẳng định tư duy và sự kiêu ngạo của mình.

Cuộc gặp gỡ định mệnh đấy ban đầu có vẻ không thực sự thoải mái nhưng bất chấp sự trái ngược về bề ngoài thì phần còn lại của Grin và Page lại giống y hệt nhau. Bướng bỉnh, kì quặc, quậy phá nhưng lại cực kì coi trọng tính hàn lâm, sức mạnh của trí tuệ hay tính ưu việt của con số. Không bao lâu thì họ đã trở thành bạn thân và trở thành bộ đôi thay đổi nền công nghệ thế giới: Larry Page – Sergey Brin.

Grin là một người Do Thái gốc Nga nhưng từ năm 4 tuổi anh đã đến với nước Mỹ. Giọng nói của anh vẫn còn phảng phất ngữ âm của người Nga, thú vui của anh vẫn còn đó văn hóa truyền thống gia đình. Ngay cả tính cách mình cũng bị ảnh hưởng bởi nước Nga, Sergey cho rằng sự nổi loạn trong anh là bởi vì đã sinh ra tại Moscow. Mùa hè năm 1977, Sergey vẫn còn quá nhỏ để nhớ được việc gia đình của mình phải di cư, anh chỉ có một nhận thức mơ hồ về lý do tại sao gia đình anh muốn rời khỏi quê hương.

Bố của Sergey là Michael Grin giáo sư toán học tại Đại học Maryland, và mẹ của anh, Eugenia - nhà khoa học nghiên cứu tại Goddard Space Flight Center của NASA đã thực sự rất ngạc nhiên về sự thành công của Google và đứa con trai mình. “Thật khó để hiểu được, Sergey là đứa trẻ rất có khả năng trong toán học và máy tính nhưng chúng tôi không tưởng tượng được đến mức độ này”. Nếu đi đúng hướng truyền thống khoa cử của gia đình thì Sergey có lẽ đã trở thành một giáo sư giảng dạy đâu đó ở trường đại học.

Sergey đến Stanford vào năm 19 tuổi khi dành được học bổng National Science Foundation (trước đó anh đã bị MIT từ chối nhập học) và là một trong những người trẻ nhất  từ trước tới nay học chương trình tiến sĩ tại đây. Đến đây học, anh vẫn chưa có một mơ hồ về thành lập công ty công nghệ hay bắt đầu khởi nghiệp mà tập trung học xong bằng tiến sĩ. Bởi vì quá trẻ tuổi nên trong con mắt mọi người chàng thanh niên mới lớn tương đối bốc đồng và quậy phá. Một trong những giáo sư hướng dẫn là Rajeev Motwani, nhớ lại: “Anh ấy là một người nóng nảy nhưng rất thông minh, dễ gần nhưng đôi lúc tràn đầy sự kiêu ngạo”. Sự đam mê khoa học máy tính và đặc biệt là lĩnh vực "khai thác dữ liệu" là nền tảng của Sergey cho đến mãi sau này. Tuy nhiên ở Stanford thì anh dành nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống, thích lướt ván trượt vèo vèo qua các hành lang, yêu thích các môn thể thao đặc biệt là đu xà đến mức cha của Sergey đã tuyệt vọng hỏi con mình rằng liệu anh có kế hoạch học các khóa cao cấp không. Đáp lại lời ông, câu trả lời của Sergey là môn bơi lội. Nhưng trên tất cả, các giáo sư, giảng viên đều hiểu rằng đằng sau vẻ ngoài ngốc nghếch là một tư duy toán học đáng nể.

Một trong những nhiệm vụ tại trường học là Sergey tạo ra hệ thống đánh số cho tòa nhà khoa học máy tính Gates. Tòa nhà này được đặt theo William Henry Gates III nhưng lại được biết đến nhiều hơn bởi việc tài trợ của nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates. Và Gates cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng một trong số tòa nhà đó đã nuôi dưỡng một đối thủ có khả năng hủy diệt Microsoft.

Sergey Brin -Larry Page và Google

Hiện nay, Brin và Page vẫn luôn đi cạnh nhau, họ có chung một văn phòng tại Googleplex - trụ sở chính của hãng tìm kiếm. Bao nhiêu năm qua họ cũng không có nhiều thay đổi về cách mình sống, từ thời gian đầu là ở gara ô tô cho đến nay là văn phòng trang trí sặc sỡ và trông giống như ký túc xá sinh viên.

Bộ đôi Sergrey và Larry

Vào thập niên 90, World Wide Web đã có khoảng 10 triệu trang khác nhau, và mạng toàn cầu là một phần không thể thiếu của các dự án được tạo nên từ sinh viên. Sergey và Larry thực sự bắt đầu làm việc với nhau khi cùng thực hiện chung một đề tài luận văn. Sergey tập trung chủ yếu vào thế mạnh của mình là "khai thác dữ liệu",  và anh đã bắt đầu với một nhóm nghiên cứu gọi là MIDAS (Minning Data At Stanford).

Dự án này có khả năng phát hiện việc vi phạm bản quyền phim ảnh bằng cách tự động tìm kiếm các bản sao. Thời điểm đó Larry cũng đang đau đầu với việc tìm đề tài luận án và anh đã tìm đến Sergey với một ý tưởng lớn hơn rất nhiều: tạo ra hệ thống để người dùng có thể để lại lời nhắn và bình luận trên các website.

Nhưng ý tưởng này khi đi vào thực hiện thì gặp khá nhiều rắc rối về phương thức hoạt động, nhưng rồi hệ thống xếp hạng website cũng ra đời. Đối với 2 người thì hệ thống này được quyết định khách quan bằng các thuật toán thông qua các kết nối mạng. Hệ thống có tên là BackRup và chương trình xếp hạng này có tên gọi là PageRank. Sergey với sự nổi trội của mình được giao trách nhiệm tạo ra các thuật toán và chính anh là người viết nên phiên bản đầu tiên của công cụ tìm kiếm. Nhưng đến đây thì cả 2 người bạn lại chưa thực sự có lối tư duy kiểu kinh doanh nên họ đã thất bại trước việc thuyết phục các nhà đầu tư. Dù vậy, Larry và Sergey vẫn muốn dừng chân tại Stanford để hoàn thành khóa học tiến sĩ.

Tháng 9/1997, Larry và Sergey đặt lại tên cho BlackRub từ gợi ý “googlol” của một người bạn cùng kí túc xá. Larry đã đánh vần nhầm từ đó và đã tạo ra Google, còn Sergey thì thiết kế trang chủ bằng chương trình đồ họa miễn phí. Logo đầu tiên được thiết kế với nhiều màu sắc khác nhau  giống như chữ của những đứa trẻ học tô màu. Trong sự bùng nổ công nghệ của những năm cuối thập niên 1990, suy nghĩ thông thường về Internet là các cổng thông tin như Yahoo và AOL, trong đó cung cấp email, tin tức, thời tiết... và không ai quan tâm đến tìm kiếm. Sergey và Larry quyết định tạm dừng khóa học tiến sỹ và rời bỏ Stanford.  Bố mẹ của Sergey tỏ ra nghi ngờ và tỏ ra khó chịu khi đứa con của mình không thể trở thành tiến sỹ, không đi theo truyền thống của gia đình.

Sergey Brin - Những điều thú vị

  • Tháng 1/2005 đã được đề cử vào một trong số “Những nhà trẻ lãnh đạo toàn cầu” ở diễn đàn Kinh Tế Thế Giới.
  • Vào năm 2007, cùng với Larry Page và Schmidt, Sergey Brin được tạp chí PC World bình chọn là nhân vật quan trọng số 1 trong số 50 người quan trọng nhất của thế giới web.
  • Tạp chí Economist gọi Sergey là "người đàn ông giác ngộ" nhằm tôn vinh niềm tin vào tầm quan trọng và tính ưu việt của tri thức.
  • Thành lập quỹ từ thiện Brin Wojcicki Foundation, tặng 132 triệu USD cho linh vực y khoa
  • Thành lập tổ chức Google.org nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến thế giới như năng lượng, nghèo đói, bệnh tật, khí hậu và môi trường.
  • Nhà sản xuất phim "Broken Arrows" vào năm 2007
  • Tài sản của Sergey là 30 tỷ USD, đứng thứ 20 trong những người giàu nhất thế giới tính đến tháng 6/2014
  • Sergey Brin sở hữu một máy bay phản lực chiến đấu Dornier Alpha

Hai người bạn đã thành lập Google vào năm 1998 và đã sử dụng gara ôtô của Susan Wojcicki- chị gái người yêu của Sergey.

Sergey và Larry đặc biệt rất giống nhau trong lối suy nghĩ công việc nhưng đời sống riêng lại là một thái cực. Sergey được coi là anh chàng lập di đáng yêu không giống như Larry Page và Eric Schmidt, anh là người thổi hồn vào Google với những điều mới mẻ. Đầu những năm 2000, khi Google đã bắt đầu thành công thì họ bắt đầu gặp các vấn đề về quản lý. Google muốn có một giám đốc điều hành và người có thể thỏa mãn Sergrey và Larry chỉ có thể là Steve Jobs.

Nhưng Jobs mãi mãi là Jobs vĩ đại nên cả 2 người đành tìm đến Eric Schmidt vào năm 2001. Đối với Eric Schmidt thì ban đầu Sergey tương đối lo lắng bởi vì anh ấy đang thuê ông chủ cho mình trong khi chính bản thân đang là chủ của Google. Đến năm 2002, Segrey vẫn còn cay đắng khi giải thích vì sao thuê Eric Schmidt: “Về cơ bản chúng tôi cần một người lớn tuổi để giám sát và các nhà đầu tư sẽ hài lòng khi có người giám sát 2 kẻ du côn cầm trong tay hàng triệu đô la”. Cuộc chuyển giao không hề yên ả và mãi về sau này cả 2 kẻ du côn đó đã thực sự biết ơn vì những đóng góp của Eric Schmidt cho Google.

Khó để xác định thời điểm mà Google trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới. Nhưng cột mốc quan trọng nhất có lẽ là ngày 29/4/2004 khi Google chính thức nộp đơn để phát hành cổ phiếu. 16/8/2014 - Ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu của Google tăng từ 85USD lên đến 100 USD/cổ phiếu. Cuối tháng 11, giá cổ phiếu vượt qua mốc 500 tạo nên hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử chứng khoán đồng thời vượt xa các đối thủ Microsoft và Yahoo. Lúc này Sergey và Larry, mỗi người nắm giữ tài sản ước tính trị giá 15 tỷ USD thời điểm đó. Sergey làm gì khi có từng đó tài sản? Đầu tiên anh đi mua một ngôi nhà mới trên bán đảo phía nam của San Francisco, kiếm chiếc xe Toyota Prius... Sergey cho rằng, anh học được tính tiết kiệm của bố mẹ của mình và rất ít khi tiêu hoang.

Bộ ba Eric Schimidt, Larry Page – Sergey Brin

Nhưng Sergey cũng không hẳn vượt qua được những cạm bẫy của sự giàu có. Năm 2005, anh và Larry cùng mua một chiếc máy bay Boeing 767 và tân trang lại  để sử dụngchung. Trong quá trình thiết kế, những người sáng lập Google đã nảy ra cuộc tranh cãi trẻ con về một chiếc giường California. Và người đứng ra hòa giải là giám đốc điều hành Schmidt

Thời gian gần đây, tình trạng mối quan hệ bạn bè cũng như cộng sự giữa Sergey và Page đang có dấu hiệu rạn nứt. Larry Page đã ngừng nói chuyện với đồng sáng lập Sergey sau khi cuộc hôn nhân của bạn mình đổ vỡ bởi mối quan hệ ngoài luồng. Sergey Grin đã chia tay vợ mình và bắt đầu chính thức mối quan hệ với Amanda Rosenberg - một chuyên viên Marketing của Google Glass. Amanda Rosenberg được biết đến với “OK, Glass” - ý tưởng điều khiển bằng giọng nói trên Google Glass.

Larry Page với tuổi thơ khá buồn khi gia đình đổ vỡ,  bố mẹ chia tay nên trong đời sống của mình anh khá chỉnh chu và nghiêm ngặt về đạo đức. Việc bê bối trong đời sống riêng của Sergey khiến Larry thực sự thất vọng về người bạn của mình.

Dự án xe tự lái

Con người của công nghệ

Sergey tại Google đảm nhận chức vụ giám đốc công nghệ, anh còn là người đứng đầu của Google X hay còn gọi là Google X Lab - bộ phận nghiên cứu bí mật của hãng tìm kiếm này. Tại trung tâm nghiên cứu này, Sergey Brin đã biến hơn 100 ý tưởng táo bạo thành những sản phẩm thực nghiệm trong đó đáng kể phải nhắc đến Google Glass, Oto không người lái, Trí tuệ nhân tạo, Web of Things, Điều khiển giọng nói hay thang máy 35km ra ngoài không gian...

Sergey thường tham gia khá ít các dự án kiếm tiền của Google mà thay vào đó tập trung vào những nghiên cứu có tầm viển vông. Vào hồi năm 2005, khi Android được mua lại bởi Google thì Sergey không tham gia nhiều vào dự án di động này bởi anh chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng điều mà And Rubin - giám đốc của Android thời đó khiến Sergey cảm thấy thú vị bởi cùng chung niềm đam mê về Robot. Đối với Sergey và Larry thì cả 2 người từ ngày đầu đã xác định biến Google trở thành trí thông minh nhân tạo, trở thành bán cầu não thứ 3 của người sử dụng. 

Ngoài Google, Sergey Brin còn tham gia nhiều hoạt động công nghệ khác. Trước khi chia tay Sergey đã cùng vợ mình là nhà phân tích công nghệ sinh học Anne Wojcicki đồng đồng sáng lập của 23andMe  - công ty sinh học chuyên về hệ Gen người ở California. Trớ trêu thay, 23andMe  khi đạt được giải phát minh của năm 2008 đã có phát hiện gây sốc cho Sergey, anh và mẹ của mình đều có đột biến gen tăng khả năng mang bệnh Parkinson.

PC World VN, 07/2014

PCWorld

CEO Google, Google, Sergey Brin


      © 2021 FAP
        3,446,194       395