Công nghệ - Sản phẩm

Những thiết bị và công nghệ hữu ích cho người khiếm thị

Trong một tương lai gần cả người khiếm thị cũng như những người đã mất hoàn toàn thị lực lại có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh mình nhờ các thiết bị hỗ trợ đặc biệt dành riêng cho họ.

Sự phát triển công nghệ ngày nay có thể nói đã mang đến những lợi ích bất ngờ cho không ít người dùng. Alex Blaszczuk một phụ nữ kém may mắn vì chứng liệt phần thân dưới đã lấy lại được sự tự tin và độc lập cho bản thân nhờ cặp kính Google glass. Nhiều “ông lớn” trong làng công nghệ cũng đã nhận thấy và dành một nguồn lực lớn cho việc tìm kiếm các ứng dụng, hướng dẫn và nhiều hơn nữa những nội dung liên quan cho người mù và khiếm thị.

Trong tương lai, với sự trợ giúp của những thiết bị công nghệ, những phần mềm ứng dụng đặc biệt, người khiếm thị cũng sẽ lấy lại được sự tự tin và có thể hoàn toàn cảm nhận được những gì đang xảy ra xung quanh mình như một người bình thường.

Kính thông minh cải thiện tầm nhìn

Sản phẩm kính thông minh của Tiến sỹ Stephen Hicks từ Đại học Oxford được thiết kế nhằm mục đích mang lại cho người dùng có thị lực kém khả năng tự do đi lại giữa những nơi không quen thuộc, khả năng phát hiện vật cản trên lộ trình di chuyển của họ. Một số nghiên cứu cho thấy hầu hết người khiếm thị không hoàn toàn mất khả năng quan sát. Chính vì điều này mà Stephen Hicks cùng nhóm nghiên cứu của ông đã chủ đích thiết kế cặp kính thông minh này để tận dụng tối đa khả năng nhìn còn sót lại.

Kính cải thiện tầm nhìn của Tiến Sỹ Stephen Hicks.

Theo mô tả, cặp kính được cấu thành từ các màn hình OLED, hệ thống 2 camera nhỏ, cảm biến con quay hồi chuyển, la bàn, hệ thống định vị GPS và một bộ headphone. Tất cả các phần cứng kể trên được “đóng gói” trong một bộ khung được thiết kế nhờ công nghệ in ấn 3D của Epson. Các dữ liệu mà kính thông minh này thu nhận được xử lý và được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như độ sáng có thể được dùng để chỉ độ sâu. Vì phần lớn người khiếm thị đều mất khả năng phân biệt ánh sáng và bóng tối, nên cặp kính này được thiết kế để cải thiện khả năng này, giúp người dùng có thể phân biệt giữa người và các vật cản.

Cũng theo như mô tả của Tiến sỹ Stephen Hicks, hệ thống camera trên cũng có thể tương thích tốt với các mô đun tính toán và phần mềm tính toán hỗ trợ để xác định chính xác số của một chuyến xe buýt hay đọc các bảng hiệu trên đường. Hệ thống GPS sẽ có nhiệm vụ tính toán và đưa ra các lộ trình cụ thể khi cần. Con quay hồi chuyển, theo Stephen Hicks được dùng để xác định những thay đổi của cảnh vật xung quanh khi người dùng di chuyển. Tất cả những thông tin mà cặp kính này thu được sẽ được thông báo bằng lời qua hệ thống headphone tích hợp.

Hình ảnh mà người khiếm thị sẽ nhìn thấy khi sử dụng kính cải thiện tầm nhìn của Tiến Sỹ Stephen Hicks.

Tiến sỹ Stephen Hicks vẫn đang tiến hành nghiên cứu và sẽ sớm ứng dụng thêm tính năng “hiểu và phân biệt các loại vật thể khác nhau” cho cặp kính này. Cụ thể hơn, cặp kính thông minh của ổng có thể giúp người khiếm thị xác định rõ cốc cà phê yêu thích của họ một cách dễ dàng cũng như có thể giúp họ chọn đúng lối ra từ bên trong một tòa nhà; hay có thể nắm đúng tay nắm cửa.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn đang nỗ lực phát triển hơn nữa để thu nhỏ kích thước của cặp kính thông minh này. Dự kiến, 100 bộ kính đầu tiên sẽ được đến tay người khiếm thị trước thời điểm kết thúc năm 2014.

Kính thông minh AI Glass

Không chỉ riêng Stephen Hicks, tại CINVESTAV (Trung tâm phát triển và nghiên cứu cao cấp của Viện bách khoa Quốc gia tại Mexico) một nhóm nghiên cứu cũng đang tiến hành phát triển một loại kính thông mính khác dành cho người dùng khiếm thị. Sản phẩm là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình học tính toán, trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật siêu âm cùng những vấn đề liên quan nhằm trợ giúp người khiếm thị trong cuộc sống.

Kính thông minh dành cho người khiếm thị của nhóm nghiên cứu Viện bách khoa Quốc gia tại Mexico có thiết kế gọn nhẹ.

Theo Eduardo José Bayro Corrochano, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho hay, nhóm đã chế tạo thành công một thiết bị thử nghiệm gọn nhẹ, gần giống như một cặp kính mắt thông thường. Mẫu thử nghiệm có thể hoạt động theo thời gian thực khoảng 4 giờ sử dụng liên tục nhờ năng lượng pin tích hợp. Nhóm hy vọng sẽ sớm hoàn thành bản thương mại vào tháng 8/2014 tới đây và sẽ chính thức tung ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh vào đầu năm 2015.

Cũng theo trưởng nhóm nghiên cứu, sản phẩm kính thông minh này có khả năng kết hợp với các cảm biến âm thanh nổi, hệ thống GPS trên một máy tính bảng. Sản phẩm cũng có khả năng cung cấp lộ trình, nhận diện mệnh giá tiền, đọc các bảng hiệu, phân biệt màu sắc. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được trang bị khả năng tự học để nhận diện những địa danh, đối tượng khác nhau. Do được ứng dụng công nghệ siêu âm nên kính thông minh của nhóm còn phân biệt tốt các vật cản trong suốt như cửa kính. Sản phẩm thương mại dự kiến sẽ có giá bán từ 1000 đến 1500 USD.

Máy đọc sách chữ nổi

Ý tưởng thiết kế một chiếc máy đọc sách có khả năng hiển thị chữ nổi (Braille) dành cho người khiếm thị đã từng được hình thành cách đây nhiều năm về trước. Có thể hình dung sản phẩm như là một chiếc Kindle của Amazon. Mặc dù kỹ năng đọc chữ nổi vì ít nhiều lý do đã suy giảm mạnh từ những năm 1960, nhưng những nghiên cứu vẫn chỉ ra cho thấy rằng mối liên hệ giữa kỹ năng đọc chữ Braille với người thuê mướn làm việc vẫn còn tồn tại.

Máy đọc sách chữ nổi.

Theo mô tả của dự án phát triển máy đọc sách chữ nổi này, hệ thống thủy nhiệt vi truyền động mà thiết bị sử dụng có thể tạo thành các chấm của chữ nổi bằng tia bức xạ laser hồng ngoại tác động lên hệ thống quét vi gương. Có thể dễ dàng tưởng tượng như bề mặt màn hình là một loại vật liệu sáp đặc biệt có thể chuyển từ thể rắn sang lỏng bằng nhiệt độ để tạo ra các chấm của ký tự Braille. Không may là khoản tài trợ của EU gần đây đã cạn kiệt. Dự án hiện cần rất nhiều sự quan tâm đầu tư từ các nhà tài trợ để tiếp tục thực hiện.

FingerReader - thiết bị đeo đọc chữ nổi

Nhỏ gọn hơn nhiều lần so với một chiếc máy đọc sách, thiết bị có tên gọi FingerReader mang đến cho người khiếm thị một cách tương tác được cho là tốt hơn nhiều. Xuất phát từ một dự án nghiên cứu của MIT Media Labs, FingerReader là một thiết bị đeo có khả năng “phiên dịch” các ký tự in thông thường khi người dùng di chuyển ngón tay trên chúng. Sở dĩ gọi FingerReader là một máy phiên dịch vì thiết bị có khả năng đọc to các ký tự theo thời gian thực cho người dùng. FingerReader còn được trang bị tính năng cảnh báo rung nhằm báo động cho người dùng biết họ đang di chuyển sai cách.

FingerReader có khả năng đọc các loại sách thông thường.

Tuy mẫu thiết kế hiện tại vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng với những khả năng tương tác trực quan cùng với nội dung phong phú hơn, FingerReader có thể là một công cụ thông dịch hoặc dạy trẻ em khiếm thị về ngôn ngữ. Cũng theo nhóm nghiên cứu, họ đã nghiên cứu áp dụng nhiều ứng dụng có thể nhận dạng ký tự quang học (OCR) trên smartphone, tablet hoạt động với độ tin cậy cao. Song, FingerReader theo nhóm cho hay sẽ mang đến khả năng tương tác tự nhiên nhất cho người dùng thiết bị.

ARIANNA app - Ứng dụng cho người khiếm thị

Ngoài các thiết bị phần cứng chuyên dụng song có vẻ khá đắt đỏ, người khiếm thị vẫn có một cơ hội khác để tự mình đi lại bằng cách kết hợp các thiết bị di động tích hợp camera với các ứng dụng đặc biệt như TapTapSee. TapTapSee cơ bản sẽ hỗ trợ người dùng nhận dạng các vật thể mà họ chụp ảnh sau đó “nói” cho họ biết đó là dạng vật thể gì. Điều khó của TapTapSee là trong số các người dùng khiếm thị, không ít người đã mất hoàn toàn khả năng quan sát; và ứng dụng cũng tồn tại ít nhiều hạn chế trong việc giúp người dùng đi lại.

ARIANNA app có thể nhận diện các vạch màu được dán sẵn dưới đất để hướng dẫn người khiếm thị di chuyển dễ dàng.

May mắn là một nhóm nghiên cứu của Đại học Palermo tại nước Ý đã phát triển một ứng dụng tên gọi ARIANNA app có thể giải quyết linh động các trở ngại mà người dùng gặp phải với các ứng dụng khác. ARIANNA app còn có thể tận dụng các tài nguyên trên smartphone/tablet như GPS để giúp người dùng tự do di chuyển trong một giới hạn cho phép. Theo nhóm nghiên cứu, tên gọi ARIANNA bắt nguồn từ một truyện thần thoại Hy Lạp mà theo đó cũng chính là ý tưởng hình thành cách thức mà ứng dụng hoạt động. Trước khi có thể sử dụng một cách chính xác ARIANNA app, lộ trình cần được chỉ ra trước bằng cách dán các dải băng màu trên sàn nhà như một số bệnh viện vẫn thường làm. Tại những nơi đã được vạch sẵn lộ trình sử dụng các dải băng màu kể trên, người dùng chỉ cần hướng camera xuống dưới đất, nếu phát hiện lộ trình, smartphone sẽ báo rung. Chính vì thế mà mọi người dùng đều có thể sử dụng thiết bị của họ mà không sợ làm phiền lòng ai khác - hay cần mua thêm một bộ tai nghe. ARIANNA app cũng có thể đọc các thông tin từ mã vạch và cung cấp cho người dùng biết những thông tin như những địa điểm xung quanh họ.

Người dùng cũng không cần phải lo ngại về việc các vạch màu sẽ xuất hiện đầy rẫy khắp nơi - vì các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến điều này từ trước. Nhóm nghiên cứu đã đề nghị thiết lập những con đường hồng ngoại để hình thành một hệ thống dẫn đường vô hình vì chúng vốn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng vẫn được camera của smartphone “nhìn thấy” một cách rõ ràng.

PCWorld

khiếm thị, thiết bị đeo, ứng dụng cho người khiếm thị


      © 2021 FAP
        3,449,532       204