Công nghệ - Sản phẩm

10 siêu máy tính phản diện trong tác phẩm khoa học viễn tưởng

Các tác phẩm khoa học viễn tưởng sau đều xuất hiện một loại nhân vật "đóng vai ác" là những người máy và thường đối nghịch với con người bằng những động cơ vô nhân đạo, chương trình nham hiểm.

Bất cứ ai làm việc trong ngành công nghệ đều biết rằng tất cả máy tính đều được tạo ra và hoạt động để phục vụ con người. Nhưng trong những bộ phim khoa học viễn tưởng sau, những mẫu siêu máy tính - là sự kết hợp giữa người và máy - thường đối nghịch với con người bằng những động cơ vô nhân đạo và chương trình nham hiểm. Ở đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng quan về một số các siêu máy tính vai ác nổi tiếng trong lịch sử những cuốn sách khoa học viễn tưởng, truyện tiểu thuyết, phim ảnh, truyền hình và các trò chơi video.

1. HAL 9000 - Phim "2001: A Space Odyssey"

Không có mẫu máy tính độc hại nào nổi tiếng hơn HAL 9000, một nhân vật phản diện đáng lo ngại trong bộ phim khoa học viễn tưởng "2001: A Space Odyssey" của đạo diễn kỳ cựu Stanley Kubrick. Trong phim, dựa trên câu chuyện của Arthur C. Clarke, HAL là một cỗ máy tính điều khiển tàu vũ trụ Discovery One trên đường tới sao Mộc. Sau đó HAL đã làm phản và cố gắng giết các phi hành gia đang làm nhiệm vụ. Phi công Dave Bowman sống sót và đã tháo một khớp thần kinh điện tử của HAL trong một cảnh lạnh nhất của bộ phim. Điều thú vị là đạo diễn Kubrick đã quyết định tập trung nhiều vào tâm trạng của HAL như một tình thế khó khăn về đạo đức cho cỗ máy, mâu thuẫn về chỉ thị nhiệm vụ của mình và quyết định giết chết phi hành đoàn thực sự là điều phải làm.

2. Mother - Phim "Alien"

Lấy cảm hứng rõ ràng từ HAL 9000, Mother là một máy tính trên tàu không gian Nostromo trong bộ phim kiệt tác khoa học viễn tưởng "Alien" của Ridley Scott vào năm 1979. Tương tự như HAL, Mother (hay còn gọi là MU-TH-UR 6000) cũng có một chương trình bí mật mặc dù cô đã chia sẻ với một đồng nghiệp trí tuệ nhân tạo khác trên tàu là Ash. Mother không thực hiện bất cứ hành động nào làm tổn hại cho phi hành đoàn và cũng không bao giờ có hành động trực tiếp chống lại phi hành đoàn của Nostromo. Nhưng với thiết kế một máy tính không biết suy nghĩ, được lập trình để tự động đồng lõa với quái vật ngoài không gian đã khiến cô trở thành một cỗ máy giết người lạnh lùng, trở thành một nhân vật phản diện đối với con người.

3. The Thing - Truyện "A Wrinkle in Time"

Trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "A Wrinkle in Time" của Madeleine L'Engle xuất bản năm 1962, tác giả có ý tưởng về siêu máy tính phản diện theo một chiều hướng hơi khác. Khi những người anh hùng đến hành tinh lu mờ của Camazotz, họ tìm thấy một thế giới mà xã hội đã được cứng nhắc thực hiện theo lệnh và máy móc hóa. Mọi công dân phải báo cáo với những chiếc máy tính kích thước khổng lồ tại trụ sở của hành tinh, hay còn gọi là CENTRAL Central Intelligence, trong đó xuất hiện với chức năng như một máy chủ trang trại. Kết quả là các cỗ máy này được lần lượt điều khiển bởi một hệ thống quản trị đóng vai ác gọi là IT, một bộ não thần giao cách cảm, quái gở trong liên minh với sức mạnh bóng tối của vũ trụ.

4. Joshua - Phim "WarGames"

Trẻ em của những năm 1980 chắc hẳn sẽ nhớ đến bộ phim kinh dị "WarGames" với sự tham gia kỹ thuật của ngôi sao Matthew Broderick như một hacker tuổi teen gần như bắt đầu chiến tranh thế giới thứ III. Trong phim, nhân vật của Broderick gặp siêu máy tính NORAD có tên gọi là WOPR (War Operation Plan Response), được thiết kế để tự động thực hiện một cuộc tấn công vũ khí hạt nhân chống lại Liên Xô. WOPR là tàn dư của một cuộc thử nghiệm sớm trong trí tuệ nhân tạo có tên là "Joshua", được lập trình để giành chiến thắng trong các loại trò chơi khác nhau như cờ vua, cờ backgammon, chiến tranh nhiệt hạch... May mắn thay, Joshua cũng có khả năng học tập và đã không khởi động một cuộc chiến tranh toàn thế giới khi nó hiểu ra rằng "cách chiến thắng duy nhất không phải là chơi".

5. The Red Queen - Game "Resident Evil"

Giờ đây "Resident Evil" đã là một thương hiệu truyền thông quốc tế đặc trưng về sách, phim ảnh và truyện tranh. Ban đầu nó bắt đầu như một trò chơi video ở Nhật Bản vào năm 1996, được gọi là "Bio Hazard". Tập đoàn bất chính Umbrella Corporation đã tung ra T-virus, một loại vũ khí sinh học làm con người và động vật đột biến thành những xác chết zombie khổng lồ. Siêu máy tính Red Queen được giới thiệu trong các trò chơi và những bộ phim tương ứng sau đó là một máy tính để bảo vệ lợi ích nghiên cứu của Umbrella. Trong phần tiếp theo "Resident Evil: Retribution" năm 2012, những cỗ máy trí tuệ nhân tạo ác độc đã chiếm Umbrella hoàn toàn và tuyên chiến với loài người. Red Queen chỉ là một trong hàng chục siêu máy tính ác độc đã xuất hiện như là nhân vật phản diện trong trò chơi video, nhưng đây có thể là nhân vật nữ duy nhất làm cho người chơi sởn gai ốc khi nhắc đến.

6. The Borg - Phim "Star Trek"

Như một biến thể lấy cảm hứng từ siêu máy tính trên khái niệm ác, Borg là một chủng tộc người ngoài hành tinh được giới thiệu trong bộ phim truyền hình "Star Trek: The Next Generation". Borg là một nền văn minh thần thoại của những sinh vật có thể hoán đổi cho nhau và không biết đến khái niệm mệt mỏi. Những sinh vật này tập hợp thành một khối thống nhất, nhận lệnh từ bộ não trung ương qua một phần cứng gắn trong não chúng. Borg thích bay vòng quanh vũ trụ trong các con tàu hình khối khổng lồ không thể xuyên thủng, tiêu diệt tất cả những gì nằm trên đường đi của nó. Như một thiết bị âm mưu, Borg về cơ bản hoạt động như một tập hợp siêu máy tính ác độc: gây chết người, hiệu quả và tàn nhẫn hợp lý. Phương châm của Borg là: "Hạ khiên xuống! Nộp tàu đi! Kháng cự vô ích!".

7. Master Control Program - Phim "Tron"

Một chuẩn mực khác của năm 1980, "Tron" là nỗ lực của hãng Disney nhằm tạo ra một bộ phim gây sốt từ những trò chơi video máy tính. Jeff Bridges vào vai một nhà thiết kế game bị mắc kẹt bên trong thế giới ảo của một cỗ máy tính lớn bằng cách thử nghiệm tia laser số hóa. Trong mọi trường hợp, anh phải chống lại MCP (Master Control Program), một nhân vật phản diện chính trong Tron. MCP là một trí thông minh nhân tạo, buộc các chương trình phần mềm nô lệ khác phải chiến đấu như các võ sĩ giác đấu hoặc đối mặt với nguy hiểm. Tron là một bộ phim thành công rực rỡ về phần hình ảnh và cung cấp các khái niệm đầu tiên về thực tế ảo.

8. Wintermute - Truyện "Neuromancer"

Năm 1984, quyển tiểu thuyết "Neuromancer" của tác giả William Gibson ra đời đã đánh dấu sự tiên phong của thể loại truyện khoa học viễn tưởng, thay thế những mối quan tâm giả thiết câu chuyện người và máy trước đó với chủ nghĩa hiện thực đen tối và tuyệt vọng. Siêu máy tính của Gibson thực sự là hai thực thể - Wintermute và Neuromancer. Xuyên suốt trong cuốn sách, Wintermute điều khiển các nhân vật con người theo mục đích riêng của mình, nhưng không thể giao tiếp trực tiếp. Đây là một siêu máy tính phản diện phát triển đến một trạng thái gần giống như Thần.

9. Skynet - Phim "Terminator"

Giống như thể loại Joshua trong "WarGames", Skynet trong phim "The Terminator" là các hệ thống máy tính đã thực sự bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới III. Được xây dựng bởi các nhà thầu quốc phòng hư cấu Cyberdyne Systems, Skynet được dự định là một hệ thống phản ứng tự động của quân đội Mỹ. Nhưng mạng lưới này đã đạt được sự tự nhận thức và khiêu khích Liên Xô vào một cuộc chiến tranh hạt nhân, có ý định quét sạch các mối đe dọa thực duy nhất đối với sự tồn tại của nó. Skynet được mô tả là rõ ràng thù địch với nhân loại, giống như Windows Vista.

10. The Matrix - Phim "The Matrix"

Năm 1999, hai anh em nhà Wachowski phát hành một bộ phim "The Matrix" mà sau này đã làm thay đổi cuộc chơi của họ. Bộ phim đạt hiệu quả pha trộn một số yếu tố từ những câu chuyện siêu máy tính phản diện trước đó. Nhiều phong cách của bộ phim này (và cả tiêu đề của nó) được vay mượn trực tiếp từ bộ ba quyển sách đầu tiên của tác giả William Gibson, cuộc chiến tranh thần thoại giữa người và máy "The Terminator", và một vài chi tiết trong "Tron". Nhưng các nhà làm phim đã thêm khái niệm mới lạ về tính siêu việt và nhận thức luận, tạo ra một thế giới mà các siêu máy tính vai ác không chỉ là một lực lượng phản diện mà còn là thực tại.

PCWorld

khoa học viễn tưởng, siêu máy tính


      © 2021 FAP
        3,449,626       402