PN - Thai phụ bị ung thư cổ tử cung, bệnh tiến triển nhanh
Ung thư cổ tử cung (UT CTC) là một bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong thai kỳ với tỷ lệ mắc phải từ 0,8-1,5/10.000 ca sinh. Nguy hiểm hơn, phần lớn những phụ nữ bị UT CTC khi có thai thường được chẩn đoán bệnh vào giai đoạn trễ. Lý do chủ yếu là không khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát UT CTC, đặc biệt trước khi mang thai.
Phát hiện sớm, chữa trị hiệu quả
Theo BS Lê Thị Kiều Dung - Khoa Ung bướu phụ khoa Bệnh viện Từ Dũ, UT CTC có thể được chẩn đoán từ giai đoạn tiền UT và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Ở giai đoạn tiền UT và cả giai đoạn UT xâm lấn sớm, bệnh nhân sẽ không thấy bất kỳ triệu chứng báo hiệu nào, ngay cả khi đi khám phụ khoa mà không được làm xét nghiệm tầm soát UT thì cũng không thể phát hiện được bệnh. Đến khi chị em thấy có những triệu chứng bất thường như ra huyết, chảy dịch hôi, hay đau thì bệnh thường đã ở giai đoạn trễ.
Từ giai đoạn tiền UT đến UT xâm lấn thực sự là một quãng thời gian dài (5-10 năm). Chỉ cần khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm tầm soát đúng lịch là chị em sẽ được phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm, khả năng chữa khỏi cao. Hơn nữa, trong ba tháng đầu thai kỳ, nếu trước đó chưa được làm xét nghiệm tầm soát UT CTC, khi đi khám thai, chị em nên đề nghị làm xét nghiệm tầm soát UT CTC để không bỏ lỡ thời kỳ “vàng” nhằm phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.
Thêm một điều đáng ngại là trong quá trình mang thai, các tế bào UT dễ bị phát tán với tốc độ nhanh hơn rất nhiều vì khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể thai phụ giảm, mạch máu vùng bộ phận sinh dục tăng sinh nhiều.
Triệu chứng nghèo nàn
Triệu chứng điển hình của UT CTC ở người có thai cũng giống người không có thai, tùy thuộc vào giai đoạn lâm sàng và kích thước tổn thương. Ở giai đoạn sớm (IA), bệnh không có triệu chứng nào báo hiệu. Tổn thương ở giai đoạn này mới chỉ giới hạn ở CTC với kích thước rất nhỏ (mức độ xâm lấn dưới 5mm bề sâu và 7mm bề rộng), chỉ được chẩn đoán xác định bằng sinh thiết. Qua giai đoạn trễ hơn (IB), tổn thương CTC đã nhìn thấy được trên lâm sàng với đường kính trên dưới 4cm, người bệnh sẽ có dấu hiệu xuất huyết, tiết dịch âm đạo bất thường. Khi tiến triển nặng hơn, UT xâm lấn xuống âm đạo hoặc lan ra vùng chậu; bệnh nhân sẽ có cảm giác đau hoặc trằn nặng vùng chậu, đau chân kiểu thần kinh tọa, đau sườn hông, thiếu máu mạn và thở nông.
Khi thai phụ bị UT CTC, vấn đề dưỡng thai cho đến khi đủ trưởng thành hay phải chấm dứt thai kỳ ngay để điều trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tuổi thai. Liệu trình điều trị sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và dựa trên nguyên tắc, luôn cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ cho cả mẹ và thai (thông thường sẽ ưu tiên cứu mẹ).
Lựa chọn đầu tiên trong liệu trình điều trị UT CTC ở giai đoạn sớm là phẫu thuật cắt khối u để loại bỏ tế bào UT, cụ thể là khoét chóp CTC. Ngoài những biến chứng, khi phẫu thuật, người mang thai sẽ phải đối mặt thêm nhiều nguy cơ như: sẩy thai, chảy máu nhiều hơn do các mạch máu tại vùng cơ quan sinh dục tăng sinh, nguy cơ nhiễm trùng cũng cao hơn do đáp ứng miễn dịch giảm. Ở giai đoạn muộn, hướng xử lý sẽ tùy từng trường hợp cụ thể, không có công thức chung.
Có thể tầm soát và phòng ngừa
Cho đến nay, các nhà khoa học đã chứng minh được nguyên nhân hàng đầu của UT CTC là nhiễm HPV, 99,7% các trường hợp UT CTC đều có liên quan tới HPV. Yếu tố di truyền chỉ được coi là “đồng yếu tố” giúp thúc đẩy quá trình diễn tiến từ nhiễm HPV đến UT CTC. HPV lây nhiễm qua da và niêm mạc, loại HPV gây UT CTC chủ yếu được lây nhiễm qua đường tình dục. Tuy tỷ lệ nhiễm HPV trong dân số rất cao, nhưng chỉ khoảng 1% trong đó sẽ phát triển thành UT.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ UT CTC ngày càng giảm (đứng hàng thứ ba trong các UT phụ khoa), nhưng ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) thì tỷ lệ UT CTC vẫn còn đứng hàng thứ nhì, sau UT vú. Nguyên nhân, chị em phụ nữ chưa được hoặc chưa quan tâm đúng mức đến việc tầm soát UT CTC. Hơn nữa, ở các nước phát triển, việc tiêm ngừa HPV để dự phòng UT CTC đã trở nên rất phổ biến, thậm chí còn được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
BS Lê Thị Kiều Dung khuyến cáo, quan trọng là chị em cần có ý thức tự bảo vệ: quan hệ tình dục an toàn và chích ngừa UT CTC sớm. Nếu đã có quan hệ tình dục, nên đi khám phụ khoa định kỳ, nhất là trước khi quyết định mang thai để được tầm soát UT CTC.
Lời khuyên chung cho việc phòng UT là “ăn sạch, đủ chất; ở sạch; sinh hoạt điều độ và sống lành mạnh”.
AN HÀ
Mang thai, thai kỳ, chăm sóc con, ung thư