Sức khỏe

Ung thư vú: sinh con muộn, nguy cơ cao

PN - Ung thư (UT) vú là loại UT đứng hàng thứ nhì ở thai phụ (sau UT cổ tử cung). Tỷ lệ mắc là 1/10.000 thai phụ. Đáng lưu ý, phụ nữ sinh con đầu lòng sau 30 tuổi có nguy cơ UT vú cao

Chẩn đoán khó

Theo BS Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, đa số phụ nữ bị mắc UT vú trong thai kỳ, khi phát hiện, UT thường đã rơi vào giai đoạn nặng. Nguyên nhân, không được chẩn đoán sớm và đặc biệt là không có sự tầm soát trước sinh. Hơn nữa, việc chẩn đoán UT vú trong thời kỳ mang thai, cho con bú cực kỳ khó khăn, bởi trong thời kỳ này, những thay đổi về sinh lý ở tuyến vú của thai phụ dễ “che” đi các dấu hiệu nghi ngờ bệnh UT, có thể khiến việc chẩn đoán UT chậm trễ hơn. Biểu hiện cụ thể của những biến đổi này: phì đại, sung huyết, nhiều cục nhỏ, xuất tiết… có thể nhầm lẫn với các biểu hiện bệnh lành tính khác như thay đổi sợi bọc, nang sữa, bướu tuyến sữa áp xe, bướu mỡ…

Mức độ nguy hiểm của UT vú ngày càng tăng lên do độ tuổi bị UT đang có xu hướng trẻ hóa (trước đây thường bắt đầu từ trung niên trở lên). Bản chất của bướu khi phân tích về mặt sinh học cũng cho kết quả xấu hơn với chỉ số tăng sinh tế bào cao nên rất dễ di căn. Riêng với UT vú thai kỳ thì nguy hiểm hơn là do khó chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn sớm.

“Điều quan trọng là thai phụ cần thường xuyên quan sát tuyến vú. Nếu sờ thấy cục u bướu bất thường vùng vú thì nên liên tục theo dõi, để ý. Trường hợp kéo dài hơn hai tuần mà cục u bướu vẫn không mất, nên đi khám để được siêu âm. Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho sinh thiết, thậm chí, thai phụ có thể được chụp nhũ ảnh với tấm chắn bụng giúp giảm nguy cơ cho thai nhi. Nếu thai phụ đã từng đặt túi ngực, chụp nhũ ảnh thường không đủ dữ liệu để kết luận nên có thể sẽ phải cân nhắc chụp cộng hưởng từ” - BS Trần Nguyên Hà cho biết.

Khi xác định bị UT vú, thai phụ còn có thể cần thực hiện thêm một số bước như siêu âm bụng, X-quang phổi với tấm chắn bụng, MRI cột sống không cản từ để đánh giá xương…

Nên tầm soát mỗi năm

Các bước điều trị tiếp theo (sau khi chẩn đoán) sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, không có công thức chung, nhưng nguyên tắc là luôn cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ cho cả mẹ và thai, đồng thời cần có sự phối hợp đa chuyên khoa.

Phẫu trị thường sẽ là lựa chọn đầu tiên, trừ khi bướu quá lớn. Nếu tuổi thai dưới 12-14 tuần, chỉ có thể thực hiện phương thức phẫu trị, tuyệt đối không áp dụng hóa trị. Nếu bướu lớn, cần hóa trị cho nhỏ bớt trước khi phẫu trị thì chỉ thực hiện trong những tháng giữa thai kỳ. Ba-bốn tuần cuối thai kỳ cũng không thể hóa trị vì sẽ gây tích lũy thuốc cho thai nhi.

Ngay sau khi sinh thường hoặc một tuần sau khi sinh mổ (không có biến chứng), người bệnh cần được thực hiện tiếp các bước điều trị như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nội tiết hoặc liệu pháp sinh học trúng đích. Vì nếu chần chừ, kéo dài thời gian sẽ làm mất ý nghĩa của các phương pháp hỗ trợ, tăng khả năng di căn của tế bào UT. Do đó, đa số các trường hợp, người mẹ sẽ không được nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo BS Trần Nguyên Hà, nếu được phát hiện sớm, khi bướu chỉ khoảng 0,5cm, người bệnh chỉ cần phẫu trị, không cần phải trải qua các liệu pháp hóa, xạ… Khi đó, việc điều trị có hiệu quả cao và có thể khỏi hoàn toàn. Do vậy, tầm soát UT nói chung và trước khi mang thai nói riêng là điều cực kỳ cần thiết để hạn chế nguy cơ bị rơi vào giai đoạn muộn. Phụ nữ sinh con đầu lòng thời điểm trên 30 tuổi cần đặc biệt lưu ý.

Những đối tượng sau cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị UT vú, cần phải tầm soát thường xuyên: trong gia đình, quan hệ huyết thống cấp 1 như mẹ, chị, có người đã bị UT (có khoảng 5% phụ nữ sẽ bị UT vú nếu trong gia đình có người đã bị UT); phụ nữ sinh con sau 30 tuổi; có kinh sớm; cơ địa béo phì.

Để phòng tránh UT, chị em nên thay đổi về chế độ dinh dưỡng và lối sống. Hạn chế ăn thức ăn nhanh, thịt đỏ, chất béo. Tăng cường sức khỏe bằng việc thường xuyên vận động, tập thể dục, thể thao.

 Gia Nghĩa

www.phunuonline.com.vn

ung thư vú, bà bầu, mang thai


      © 2021 FAP
        194,222       248