PN - Nhiều bệnh nhi (BN) vừa chào đời được vài ngày, bị bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp tưởng chừng vô phương cứu chữa đã được phẫu thuật cứu sống.
PGS-TS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, 10 năm qua BV đã phẫu thuật cứu sống 3.115 BN tim mạch. Trong đó có 645 ca tim bẩm sinh nặng và 126 BN sơ sinh. Ca phẫu thuật tim hở có cân nặng thấp nhất là 2kg, ca phẫu thuật tim kín có cân nặng thấp nhất là 1,2kg.
TP.HCM có tổng cộng 10 BV có khả năng phẫu thuật tim, nhưng số đơn vị phẫu thuật tim cho trẻ em còn quá ít. Hiện, chỉ có BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 phẫu thuật tim cho BN nặng dưới 10kg.
“Ca phẫu thuật tim hở nhẹ cân nhất gây ấn tượng với tôi là bé Nguyễn Phạm Ngọc H., ngụ tại An Giang. Cháu bé sinh non lúc 35 tuần tuổi, chỉ nặng 2kg, được chuyển đến từ BV Hạnh Phúc trong tình trạng suy hô hấp, tím tái” - bác sĩ (BS) Phúc chia sẻ. Sau khi kiểm tra, thăm khám, các BS của BV Nhi Đồng 1 xác định bé H. bị bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi. H. được mổ khi BN này vừa được 15 ngày tuổi. Bé xuất viện sau đó ba tuần. Sức khỏe của BN hồi phục tốt.
Một trường hợp phẫu thuật khác cũng nhẹ cân, nhỏ tuổi và phức tạp không kém là bé gái tên Nguyễn Thị Phương A.. Khi phẫu thuật bé A. mới hơn một tháng tuổi, chỉ nặng 3kg.
Bé Nguyễn Văn T., ngụ tại Cần Thơ, 10 tuổi, nhưng nặng chỉ 10kg, được đưa tới BV trong tình trạng ho và ói ra máu. PGS-TS Vũ Minh Phúc cho biết, BN bị thông liên thất, không lỗ van động mạch phổi… Để thực hiện ca mổ cứu sống BN, các BS phải hội chẩn khoảng 10 lần.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, BV bắt đầu triển khai chương trình phẫu thuật tim kín từ năm 2004 và phẫu thuật tim hở cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh từ năm 2007. Từ những ca đơn giản ban đầu như thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp eo động mạch chủ, đến nay BV có thể phẫu thuật hầu hết các tật tim bẩm sinh phức tạp như chuyển vị đại động mạch, kênh nhĩ thất toàn phần, thân chung động mạch, bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi, tứ chứng Fallot. Những ca bệnh này trước đây phải ra nước ngoài điều trị.
Dù các phòng mổ đã hoạt động hết công suất, BS phải làm thêm cả thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng không thể đáp ứng kịp nhu cầu phẫu thuật, chữa trị của bệnh nhân. Danh sách trẻ em chờ mổ tim tại BV hiện lên tới 1.300 ca. Theo PGS-TS Vũ Minh Phúc, các BN chờ mổ tim luôn có nguy cơ trở nặng, tử vong bất cứ lúc nào.
Khắc phục tình trạng trên, hiện BV Nhi Đồng 1 đã tăng cường thêm một phòng mổ tim và sắp xếp một phòng đệm có chức năng như phòng hồi sức, với quy mô 30 giường tại khoa Phẫu thuật tim. Ngoài ra, BV Nhi Đồng 1 chuẩn bị thành lập mạng lưới quản lý và điều trị bệnh tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam, giúp BN được chẩn đoán và theo dõi tại địa phương. Các bé sau khi phẫu thuật, xuất viện sẽ về BV địa phương tái khám theo phác đồ của BV Nhi Đồng 1.
Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ sinh ra bị bệnh lý bẩm sinh tim mạch.
TRÂM ANH
mổ tim, bệnh nhi, tim bẩm sinh, cứu sống bệnh nhân, BV Nhi Đồng 1