Sức khỏe

Tăng sức đề kháng cho cơ thể

PN - Các loại rau xanh dễ bị thất thoát lượng vitamin C khá lớn qua quá trình lưu trữ, ngâm, rửa, đun nấu... Vì vậy, cần thường xuyên ăn một-hai loại trái cây tươi hàng ngày.

Cảm cúm kèm sốt, viêm mũi họng, viêm phế quản, hen suyễn, phát ban, đau mắt đỏ… là những bệnh dễ mắc phải khi thời tiết chuyển mùa. Nhiệt độ thấp làm siêu vi (vi rút) phát triển mạnh hơn so với vi khuẩn. Để “chiến đấu” với vi khuẩn, cơ thể có thể được kháng sinh hỗ trợ. Trong khi đó, chống lại siêu vi thì hầu như chỉ dựa vào sức đề kháng của cơ thể. Như vậy, cách tốt nhất để tránh bị nhiễm bệnh là tăng cường sức đề kháng cơ thể mỗi ngày.

Khi bị lây nhiễm mầm bệnh, những người có sức đề kháng tốt sẽ không bị phát bệnh hoặc bệnh nhẹ và nhanh khỏi. Người có sức đề kháng yếu sẽ bị mầm bệnh tấn công nhanh chóng, đôi khi bị bội nhiễm vi khuẩn hoặc có biến chứng nặng.

Khi bị suy dinh dưỡng, thiếu chất đạm hoặc các vi chất như vitamin A, vitamin C, thiếu sắt, kẽm… cơ thể sẽ bị giảm sức đề kháng. Biểu hiện của việc suy giảm sức đề kháng thường thấy là dễ bị cảm cúm. Những triệu chứng của cảm cúm hay viêm hô hấp do siêu vi có thể bắt đầu bằng những cơn hắt hơi, chảy nước mũi trong, chảy nước mắt, rát cổ, đau cổ, ho khan ít đàm, có thể kèm sốt, ớn lạnh và một biểu hiện khá điển hình là đau mỏi toàn bộ cơ thể. Trẻ em bị cúm, hay quấy khóc, khò khè, biếng ăn, kém chơi… Một số trường hợp sẽ qua cơn rất nhanh trong một vài ngày, cũng có thể kéo dài 7-10 ngày, chậm chí có thể đến ba tuần.

Trẻ nhỏ thường phải tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, siêu vi trong môi trường ở nhà, trường học. Ở môi trường tập thể, khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm rất cao. Đặc biệt khi thời tiết chuyển đổi, sức đề kháng của bé càng bị “thử thách” nhiều hơn. Trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh.

Cần chăm sóc hệ miễn dịch cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động, ngủ đầy đủ, lối sống hợp vệ sinh, chủng ngừa, dùng thuốc hỗ trợ khi cần.

Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong sáu tháng đầu và kéo dài 18-24 tháng để tận hưởng nguồn kháng thể quý giá trong sữa mẹ. Dù trẻ em hay người lớn, chế độ ăn cũng phải đủ năng lượng với các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng như nhóm chất đạm (mỗi bữa ăn chính cần ăn 30-50g thịt hoặc 70-90g cá hay tôm, một-hai quả trứng hay một miếng đậu hủ), chú trọng lượng vitamin C (300g rau và 200g trái cây tươi mỗi ngày), vitamin A (thịt, cá, gan, trứng), chất sắt (thịt, cá, gan, huyết), kẽm (hàu, sò, thịt, cá …).

Cần lưu ý, các loại rau xanh dễ bị thất thoát vitamin C qua quá trình lưu trữ, ngâm, rửa, đun nấu... Vì vậy, cần thường xuyên ăn một-hai loại trái cây tươi hàng ngày. Khi sức đề kháng có dấu hiệu giảm sút, bác sĩ có thể cho bệnh nhân bổ sung các chế phẩm vitamin C như là một giải pháp hữu hiệu và cần thiết để cải thiện tình hình. Nhu cầu vitamin C bình thường là 100mg/ngày. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, nhu cầu vitamin C có thể tăng vài lần. Người bệnh có thể dùng vitamin C liều cao trong thời gian ngắn. Liều tối đa là 1g vitamin C mỗi ngày. Cần biết, ba-năm ngày sau khi uống vitamin C mới giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Vào mùa lạnh, nên tắm nước ấm, cần giữ ấm cơ thể bằng quần áo ấm, khăn vớ, chăn mền, tránh gió lùa… Bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị lây nhiễm siêu vi (cách ly người bệnh, đeo khẩu trang, mắt kính, không dùng chung đồ dùng cá nhân, không gần người bệnh) và rửa tay bằng xà bông trước khi ăn uống cũng cần đặc biệt quan tâm. Thường xuyên tập thể dục 30-45 phút sáng và chiều sẽ giúp ích rất nhiều cho những người viêm xoang, viêm họng mạn… Người chơi thể thao đều đặn sẽ rất ít bị bệnh nhiễm trùng, chưa kể chứng táo bón, mỡ máu, loãng xương, đường huyết cao, béo phì… cũng được kiểm soát tốt. Cần ngủ sớm và ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe khoắn. Thức khuya, chơi đêm làm sức đề kháng sút giảm nghiêm trọng và dễ mắc bệnh nhiễm trùng như viêm họng, lao phổi…

BSCK1 ĐÀO THỊ YẾN THỦY

 (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

Làm sao biết sức đề kháng yếu?

- Bệnh trên bốn-năm lần/năm.

- Thường bị viêm hô hấp, ho, tiêu chảy, nhiễm trùng da…

- Dễ bị lây bệnh.

- Gầy ốm.

- Thường có biểu hiện mệt mỏi.

- Lâu bình phục sau khi bệnh.

www.phunuonline.com.vn

tăng cường đề kháng, đề kháng yếu, bổ sung vitamin C, phòng bệnh chuyển mùa


      © 2021 FAP
        194,245       637