Sức khỏe

Ngáy khi mang thai - chuyện không nhỏ

PN - Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng ốm nghén, tăng cân và mất ngủ, nhưng bạn có thể chưa lường đến triệu chứng ngáy. Có khoảng 25-30% thai phụ ngủ ngáy.

Tiếng động lạ trong đêm

Ngáy xảy ra khi đường thở trên đóng lại một phần, khiến việc đưa đủ khí qua miệng và mũi trở nên khó khăn. Có nhiều lý do tại sao ngáy xảy ra phổ biến trong thời gian mang thai. Ban đầu, khi tử cung và thai nhi tăng trưởng và đè lên cơ hoành, chắc chắn bạn sẽ khó thở hơn, cho dù bạn ngồi trên tràng kỷ, vận động hay ngủ. Mức hormone cao, đặc biệt là estrogen, cũng khiến màng nhầy và đường mũi phình ra. Bên cạnh đó, khối lượng máu tăng 50%, khiến mạch máu nở rộng và cũng làm cho màng mũi phình ra.

Một lý do khác là nhiều phụ nữ đã ở trong tình trạng thừa cân khi bắt đầu mang thai hoặc tăng cân quá nhiều trong chín tháng. Theo TS Kecia Gaither, chuyên gia y khoa thai nhi thuộc Trường Y Albert Einstein ở New York (Mỹ), mỡ thừa quanh cổ là tác nhân dẫn đến ngáy khi ngủ. Trên thực tế, riêng tại Mỹ có hơn 50% thai phụ thừa cân hoặc béo phì, theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật (CDC).

Một tác nhân khác thường bị xem nhẹ là stress. “Stress tác động đến việc thở và việc thở tác động đến ngáy”, chuyên gia nghiên cứu về thở Úc Tess Graham cho biết. Theo ông, bất kỳ loại stress nào đối với cơ thể, dù là thể chất, tâm thần hay xúc cảm, hoặc thậm chí stress “tiêu hóa” từ việc thưởng thức một bữa ăn “khủng”, có thể làm tăng nhịp thở. Sự gia tăng đó, kết hợp với các cơ cổ họng thư giãn khi bạn ngủ, có thể dẫn đến ngáy.

Nguy cơ cho mẹ và trẻ

Bạn có thể xem việc ngáy ngủ khi mang thai là tạm thời, thậm chí buồn cười, nhưng đây là vấn đề không thể coi thường. Phụ nữ ngáy trong lúc bầu bì có nguy cơ bị huyết áp cao, mệt mỏi, tiền sản giật và sinh con nhẹ cân. Thai phụ vừa bị huyết áp cao vừa ngáy khi ngủ có nguy cơ bị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), vốn tác động đến 1/3 phụ nữ trong những tháng cuối của thai kỳ. Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố trên chuyên san BJOG: An International Journal of Obstetrics & Gynaecology.

Một mối lo ngại khác là bệnh tiểu đường lúc mang thai mà CDC ghi nhận tác động đến 9,2% thai phụ. Theo TS Gaither, đó là vì khi bạn không nạp đủ oxy, sẽ làm thay đổi quá trình biến dưỡng glucose. Việc ngáy khi mang thai còn liên quan đến chứng trầm cảm trong lúc mang thai và sau khi sinh nở.

Cách ngăn ngừa

+ Nhận biết dấu hiệu: Hãy hỏi bạn đời là bạn có ngáy, có ngưng thở tạm thời trong đêm hoặc thở hổn hển hay không. Nếu bạn ngáy hơn ba đêm/tuần, đồng thời bị huyết áp cao, rất có thể bạn bị OSA. Dù phụ nữ thường cảm thấy mệt khi mang thai, nhưng việc buồn ngủ và mệt mỏi cùng cực vào ban ngày là những dấu hiệu chứng tỏ bạn ngáy khi ngủ.

+ Thay đổi cách thở: Ngáy khi ngủ là do bạn thở quá nặng nhọc vào ban ngày. Bên cạnh đó, nếu bạn thở qua đường miệng, việc hít thở sẽ trở nên khó khăn hơn và bạn sẽ nạp khí với tốc độ nhanh hơn. Hãy cố gắng thở bằng mũi, nhưng nếu điều đó khiến bạn cảm thấy hết hơi, hãy thở qua đường miệng nhưng phải chậm và nhẹ nhàng.

+ Giảm cân: Hơn 30% phụ nữ có trọng lượng bình thường trước khi mang thai đã tăng cân quá mức khi bầu bì. Hãy hỏi bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng về cách ăn uống ở mức phù hợp khi mang thai.

+ Thay đổi tư thế: Các chuyên gia khuyên bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái để đảm bảo sự lưu thông máu tối ưu, điều này cũng giúp bạn thở nhẹ nhàng hơn. Bạn cũng có thể nâng đầu cao bằng gối.

+ Cố gắng thư giãn: Lo lắng lúc mang thai là điều thường xảy ra, nhưng việc dành thời gian vận động, thiền và thư giãn có thể giúp bạn giảm stress và giảm khả năng ngáy khi ngủ.

 THẢO QUÂN

(Theo Fox News)

www.phunuonline.com.vn

mang thai, bà bầu, ngủ ngáy


      © 2021 FAP
        161,217       43