PN - Người nhà của tôi vừa trải qua một cơn tai biến mạch máu não, đang dần hồi phục. Mong bác sĩ tư vấn cách chăm sóc người bệnh, xin cảm ơn.
Hoàng Long (P.9, Q.3, TP.HCM)
- Việc chăm sóc người bệnh đột quỵ đòi hỏi gia đình và người bệnh phải hiểu rõ quá trình chăm sóc đồng thời kiên trì mới có hiệu quả cao. Cụ thể:
- Hệ tuần hoàn: Sau đột quỵ, người bệnh có nguy cơ thuyên tắc mạch máu do bị liệt gây ra tình trạng bất động của chân tay, dẫn đến tuần hoàn kém hiệu quả. Cần hướng dẫn người bệnh tập vận động chi lành và chi bệnh; mang vớ co giãn; tuân thủ sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông. Cách phát hiện sớm dấu hiệu thuyên tắc mạch chi: đo kích thước vòng chi bắp chân và bắp đùi hằng ngày, quan sát tình trạng sưng hay phù chi dưới, độ ấm bất thường của chi và cảm giác đau cơ vùng bắp chân.
- Hệ xương khớp: Mục đích điều trị là duy trì tầm vận động của cơ, phòng ngừa teo cơ và co rút khớp. Cần tập vận động và cho người bệnh nằm, ngồi ở các tư thế đúng là biện pháp cần thiết giúp người bệnh phục hồi vận động.
- Hệ da: Da rất dễ bị tổn thương do tình trạng mất cảm giác, giảm tuần hoàn và bất động, nếu kết hợp với các yếu tố khác như cao tuổi, dinh dưỡng kém, mất nước, phù, tiêu tiểu không tự chủ… sẽ dẫn đến tình trạng viêm da, loét, thậm chí gây tổn thương không hồi phục ở da. Vì thế, cần phòng ngừa tổn thương da bằng cách xoay trở người bệnh thường xuyên hai giờ/lần để giúp giảm chèn ép. Thường xuyên vệ sinh sạch da, thoa chất làm mềm da, tập vận động sớm.
- Hệ tiêu hóa: Bón là vấn đề thường gặp ở người bệnh đột quỵ, do đó cần cung cấp từ 1,5 - 2 lít nước/ngày, cho người bệnh ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, vitamin. Chỉ sử dụng thuốc nhuận trường khi thật cần thiết, hạn chế thụt tháo. Tập cho người bệnh có thói quen đi vệ sinh mỗi ngày bằng cách cho họ ngồi trên bồn cầu theo một thời gian nhất định trong ngày, tốt nhất là sau khi ăn sáng 30 phút. Vì sau khi ăn, thức ăn sẽ kích thích dạ dày, tạo nhu động ruột nên được xem là thời điểm tốt nhất để điều chỉnh thói quen đi cầu.
- Hệ tiết niệu: Trong giai đoạn cấp tính, việc kiểm soát tiểu ở người bệnh đột quỵ rất kém. Hạn chế đặt thông tiểu, nhận định tình trạng cầu bàng quang, quan sát dấu hiệu bứt rứt và chỉ thực hiện đặt thông tiểu khi người bệnh thật sự bí tiểu. Nên khuyến khích người bệnh uống đều và đủ nước từ 7g sáng đến 7g tối với lượng nước từ 1,5 - 2 lít/ngày; cho người bệnh đi tiểu hai giờ/lần trong bồn tiểu với tư thế đúng.
- Dinh dưỡng: Ở giai đoạn đầu, người bệnh được nuôi dưỡng bằng đường truyền. Để nhận định khả năng nuốt, hãy nâng đầu người bệnh cao (nếu không có chống chỉ định) và cho một lượng nhỏ nước đá lạnh để thử khả năng nuốt của người bệnh. Nếu người bệnh có phản xạ nuốt và nuốt an toàn thì tiếp tục cho người bệnh ăn bằng đường miệng, nhưng phải cho ăn ở tư thế Fowler và duy trì tư thế này 30 phút sau khi ăn.
- Giao tiếp: Thực hiện giao tiếp thường xuyên với người bệnh, cho họ thời gian trả lời. Nhân viên y tế và người thân nên sử dụng những câu ngắn và đơn giản, nếu cần, hãy sử dụng dấu hiệu, ký hiệu, giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể… và điều quan trọng là phải giúp người bệnh tự tin sẽ chiến thắng bệnh.
ThS-ĐD NGUYỄN THỊ NGỌC SƯƠNG
BV Đại học Y dược TP.HCM
đột quỵ, chăm sóc người bị đột quỵ