Sức khỏe

Bạn có nguy cơ bị loãng xương?

PN - Theo The National Osteoporosis Foundation (Quỹ Loãng xương Mỹ), bệnh loãng xương ảnh hưởng đến hơn 25 triệu người Mỹ - chủ yếu là phụ nữ sau mãn kinh.

Khoảng 1,2 triệu người bị gãy xương mỗi năm ở Mỹ, trong đó 1/2 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi bị một lần gãy xương liên quan đến bệnh loãng xương. 30% số phụ nữ trên 65 tuổi bị gãy xương cột sống và 20% bị gãy xương hông dẫn đến tử vong trong vòng 6 tháng do tình trạng huyết khối và viêm phổi, vốn gây ra bởi việc cơ thể thiếu hoạt động.

Các chuyên gia cho biết, trong suốt cuộc đời mỗi người, xương liên tục bị mất đi và tái sinh. Tuy nhiên, khi có tuổi, tình trạng mất xương gia tăng nhanh đến mức tái sinh không kịp, khiến chứng loãng xương phát triển. Đối với phụ nữ lớn tuổi, cùng với mật độ estrogen sụt giảm sau giai đoạn mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương. Tình trạng loãng xương khiến cho xương trở nên mỏng, xốp và dễ vỡ, làm tăng nguy cơ bị gãy ngay cả chỉ bởi các chấn thương nhẹ.

Các triệu chứng phổ biến của chứng loãng xương bao gồm đau lưng, giảm chiều cao, bị cong xương sống hoặc gù lưng.

BẠN CÓ NGUY CƠ BỊ LOÃNG XƯƠNG?

Theo các chuyên gia, những phụ nữ đối diện với nguy cơ bị loãng xương bao gồm:

- Trong thời kỳ mãn kinh, do mức estrogen được sản xuất từ buồng trứng giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ mất xương.

- Sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.

- Thiếu hụt canxi làm gia tăng nguy cơ mất xương.

- Phụ nữ da trắng và phụ nữ châu Á thường đối diện với nguy cơ cao bị bệnh loãng xương.

- Có lối sống thụ động.

- Thể trạng mảnh mai.

- Có tiền sử bị rối loạn ăn uống.

- Có tiền sử gia đình bị loãng xương.

- Thường sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, corticoid, thuốc chống co giật.

- Nghiện thuốc lá hoặc uống rượu.

BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA LOÃNG XƯƠNG

Khi xương đã bị mất rất khó để phục hồi, vì vậy phương pháp phòng ngừa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để thực hiện điều này, mọi phụ nữ cần rèn luyện thể chất thường xuyên, kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa tình trạng loãng xương khi về già.

Các chuyên gia cho biết, việc tập thể dục thường xuyên có tác dụng giúp phụ nữ tăng khối lượng xương trước khi mãn kinh và giúp ngăn ngừa mất xương sau mãn kinh. Sức mạnh của xương tăng tỉ lệ thuận với việc thường xuyên tập thể dục ở chị em. Các môn thể dục có tác dụng ngăn ngừa mất xương ở phụ nữ bao gồm nâng tạ, đi bộ, thể dục nhịp điệu hoặc chơi quần vợt.

Bên cạnh đó, để ngừa bệnh loãng xương, mỗi phụ nữ cần cung cấp đủ lượng canxi cho cơ thể. Các nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm các sản phẩm chế biến từ sữa, rau lá xanh, các loại hạt và hải sản. Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà khoa học, hầu hết phụ nữ chỉ cung cấp được khoảng một nửa lượng canxi mà cơ thể cần hàng ngày nên rất cần uống bổ sung. Trong đó, nguồn bổ sung canxi tốt nhất cho cơ thể chị em để ngăn ngừa mất xương là canxi cacbonat.

Ngoài ra, vitamin D cũng rất cần thiết trong việc giúp cơ thể hấp thu canxi nhằm tăng cường sức khỏe xương. Để cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể, chị em chỉ cần dành ra 15 phút tắm nắng vào buổi sáng, hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin D hay tham khảo các bác sĩ về việc uống nguồn bổ sung.

CHỊ EM CẦN BAO NHIÊU CANXI/NGÀY?

Theo các chuyên gia, dưới đây là mức canxi cần cung cấp vào cơ thể phụ nữ hàng ngày, theo từng độ tuổi:

- Trẻ em từ 1 - 10 tuổi cần 800 mg canxi/ngày.

- Thanh thiếu nữ cần 1.200 - 1.500 mg canxi/ngày.

- Phụ nữ từ 25 - 50 tuổi cần 1.000 mg canxi/ngày trước khi mãn kinh và 1.500 mg/ngày sau khi mãn kinh do cắt bỏ buồng trứng.

- Phụ nữ trên 50 tuổi cần 1.500 mg canxi/ngày nếu họ không áp dụng liệu pháp thay thế estrogen và 1.000 mg/ngày nếu áp dụng liệu pháp thay thế estrogen.

- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần bổ sung thêm 400 mg canxi/ ngày.

Đối với những phụ nữ trẻ, thường mắc các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như đau tức ngực, chướng bụng, thèm ăn, mệt mỏi, dễ cáu gắt, trầm cảm... việc thực hiện các phương pháp phòng chống loãng xương có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng này. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung canxi hoặc thường xuyên tập thể dục có thể giúp chị em kiểm soát hoặc ngăn ngừa đến 50% tất cả các triệu chứng PMS.

Lưu ý: Nếu bạn nghi ngờ bị loãng xương, hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra. Trong trường hợp bạn bị loãng xương, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn. Đối với những phụ nữ không áp dụng liệu pháp thay thế estrogen sau mãn kinh, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn các phương pháp để khắc phục hoặc kê cho bạn thuốc calcitonin, có tác dụng giúp làm chậm quá trình mất xương.

NGUYỄN NIỆM

(Theo About)

www.phunuonline.com.vn

loãng xương, ngừa loãng xương


      © 2021 FAP
        194,318       666