PN - Con trai tôi năm nay 10 tuổi nhưng vẫn tiểu dầm hàng đêm, gia đình đã làm đủ mọi cách mà tình hình không cải thiện. Xin bác sĩ (BS) cho biết, bệnh tiểu dầm có trị được không, cám ơn BS?
Nguyên Hạnh (P.4, Q.3, TP.HCM)
Hiện khoa Thận - Nội tiết, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM có đầy đủ phương tiện để chẩn đoán và điều trị tiểu dầm. Các phương pháp điều trị bệnh này tương đối hiệu quả, vô hại và ít tốn kém. Đầu tiên là phương pháp thay đổi thói quen như đi tiểu mỗi ba giờ, hạn chế uống nước sau 17g chiều, đi tiểu ngay trước khi đi ngủ. Khi các phương pháp này không hiệu quả, BS sẽ hướng dẫn các phương pháp điều trị khác.
Chẳng hạn như với phương pháp báo thức, trẻ sẽ được mặc đồ lót hoặc quần áo ngủ có cài đặt những bộ phận cảm biến đặc biệt với độ ẩm. Chuông báo động sẽ kích hoạt ngay khi xuất hiện một giọt nước. Việc bị đánh thức và tạo điều kiện giúp trẻ đi tiểu nhiều đêm liên tiếp có thể giúp trẻ phát triển hệ thống tín hiệu để tự thức dậy khi cần thiết. Chuông báo thức sẽ giúp não của con bạn nhận tín hiệu từ bàng quang đã đầy nước tiểu.
Trong vài tuần đầu, trẻ có thể không nghe thấy âm thanh từ máy báo thức nên ba mẹ sẽ phải giúp đỡ trẻ. Sau vài tuần làm quen, trẻ sẽ dần quen và sẽ tự thức dậy. Tuy nhiên, tại Việt Nam dụng cụ này chưa được áp dụng nhiều và mức độ thành công của biện pháp này cần có sự hợp tác tốt của gia đình và nỗ lực của bản thân của trẻ.
Thầy thuốc cũng có thể cho con bạn dùng thuốc giảm bài xuất nước tiểu vào ban đêm. Desmopressin là một loại hormone tổng hợp giúp cho trẻ giảm việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm. Đây là dạng thuốc uống, dễ sử dụng và được cung ứng rộng rãi trên thị trường. Thuốc rất ít tác dụng phụ nếu được dùng đúng cách, thời gian điều trị tương đối dài ngày và thường sẽ được giảm liều dần và ngưng sau vài tháng. Cũng có thể con bạn được chỉ định dùng thuốc anticholinergic làm cho bàng quang không co thắt thường xuyên khi trẻ ngủ, do vậy làm giảm việc nước tiểu chảy ra vào ban đêm.
Thuốc này cần có sự chỉ định và theo dõi của BS. Nếu các phương pháp trên thất bại, BS có thể sẽ xem xét cho trẻ dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này cần có sự cân nhắc và giám sát của BS chuyên khoa.
TS-BS HUỲNH THOẠI LOAN
Trưởng khoa Thận - Nội tiết, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM
Tiểu dầm, trẻ em, tè dầm