PN - Bé nhà tôi hai tuổi. Tôi đã cho bé tiêm ngừa nhiều loại vắc-xin nhưng chưa có mũi viêm màng não mô cầu. Gần đây tôi nghe nhiều thông tin về căn bệnh nguy hiểm này.
Ngọc Sương (Biên Hòa)
Như các bệnh nhiễm trùng khác, viêm màng não do não mô cầu có thể phòng ngừa bằng tiêm vắc-xin. Việc tiêm vắc-xin sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ bệnh khoảng 85-90%.
Vi khuẩn não mô cầu lại có đến sáu loại khác nhau: A, B, C, X, Y và W135. Cho đến nay, chưa có loại vắc-xin nào đảm bảo có thể miễn dịch đủ cùng lúc cho cả sáu loại vi khuẩn não mô cầu. Trên thị trường hiện có loại vắc-xin nhị liên cho nhóm A, C như Mevac AC hoặc nhóm C và Y kèm Hib như MenHibrix. Ngoài ra, loại tứ liên có tác dụng gây miễn dịch cho bốn nhóm A, C, Y và W-135, có thể là loại polysaccaride như Menomune, hoặc là loại conjugate như Menactra, Menveo. Vắc-xin chuyên dành cho nhóm B chỉ mới được đưa vào sử dụng gần đây là: Bexsero và Trumenba. Ngoài ra còn có dạng vắc-xin kết hợp cho hai nhóm B và C: VA-Mengoc BC.
Để chọn lựa loại vắc-xin phù hợp, có khả năng đạt hiệu quả cao, cần dựa vào đặc điểm của vùng dịch tễ. Cần lưu ý là vắc-xin nhóm nào chỉ có thể phòng ngừa nhóm đó và không có tác dụng phòng ngừa chéo cho các nhóm khác. Ở vùng Đông Nam Á, nhóm A là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam, một số ca gây bệnh nhóm B và C cũng đã được ghi nhận. Vắc-xin nhóm B mới được đưa vào sử dụng gần đây, cụ thể là Trumenba được FDA Mỹ cấp phép vào tháng 10/2014 và Bexsero được cấp phép vào tháng 1/2015. Ở Việt Nam, để đảm bảo phòng ngừa cả ba nhóm A, B, C, phải chủng ngừa cả hai loại vắc-xin.
Vắc-xin não mô cầu A-C nằm trong lịch tiêm chủng quốc gia nhưng thuộc nhóm không bắt buộc và có thể phải trả chi phí thêm. Việc chủng ngừa nên được thực hiện lúc 18 tháng tuổi và lặp lại mỗi ba năm. Bệnh này có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, việc chủng ngừa nên được thực hiện cho cả trẻ em lẫn người lớn.
TS-BS VÕ XUÂN QUANG
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chích ngừa, tiêm vắc xin, viêm não mô cầu