PN - Số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ đang dần dần tăng tại các bệnh viện (BV) Hà Nội. Một số bệnh về mắt cấp tính và bệnh theo mùa cũng bùng phát mạnh vào giai đoạn này.
Bỏng mắt vì xông lá trầu
ThS-BS Hoàng Cương, Phó trưởng Phòng quản lý khoa học và đào tạo BV Mắt Trung ương cho biết, hiện BV này có 15-20 phòng khám về mắt. Cứ trên 50 ca liên quan đến mắt thì có 10 ca là đau mắt đỏ. Hiện bệnh đau mắt đỏ mới bước vào đầu mùa, nên các trường hợp bệnh còn rải rác, dừng lại ở mức độ lây lan trong gia đình.
Cũng theo BS Hoàng Cương, chưa thể tiên đoán dịch đau mắt năm nay bùng phát như thế nào. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là đa số người bệnh đến khám sớm, khi chưa bị biến chứng. Sẽ không tránh khỏi tình trạng khi vào đỉnh dịch (thường ở tháng Bảy - tháng Tám), nhiều người chủ quan tự chữa và khiến bệnh thêm nặng.
“Nhiều người còn truyền nhau các bài thuốc dân gian như rau mùi, hạt cây thì là, khoai tây, mật ong… để đắp, rửa mắt. Theo tôi, các bài thuốc Đông y không thể chiết xuất thành thuốc tra mắt. Có chăng đây chỉ là những bài thuốc hỗ trợ. Khi đã bị đau mắt đỏ, biện pháp tốt nhất là vệ sinh tốt và dùng đúng thuốc theo đơn của BS”, BS Hoàng Cương cảnh báo về tình trạng tự chữa đau mắt.
BS Cương cho biết, ông từng tiếp nhận trường hợp nam thanh niên bị viêm giác mạc, có biểu hiện xuất huyết do dùng lá trầu không chữa đau mắt. Bệnh nhân đau mắt đã gần một tuần, bên cạnh dùng thuốc đã kết hợp dùng bã trầu nóng để xông. Sau một-hai lần xông, mắt không đỡ mà còn đỏ lên, nhức nhối. Rất may, bệnh nhân được điều trị sớm nên không để lại hậu quả nặng nề, nhưng thời gian điều trị phải kéo dài hai tháng mới khỏi hẳn.
Nguyên nhân do khi xông mắt bằng lá trầu không, tinh dầu trong lá trầu đã làm bỏng giác mạc. Tinh dầu lá trầu nóng, khi vừa xông xong, người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề, bệnh càng nặng, nếu không điều trị đúng cách sẽ để lại di chứng vĩnh viễn.
Ngay việc xông nước muối cũng không đơn giản như nhiều người nghĩ. Nước muối pha không đúng tỷ lệ sẽ dễ gây bỏng mắt. Đã có ca bệnh xông nước muối bị xuất huyết vùng mắt, nếu không điều trị sớm dễ dẫn đến vỡ mạch, ảnh hưởng đến thị lực. Tỷ lệ nước muối hợp lý là 9g muối pha với 1 lít nước, nhưng ở gia đình, rất khó pha đúng tỷ lệ này.
Ngoài ra, tình trạng lạm dụng kháng sinh và corticoid cũng khiến người bệnh bị biến chứng viêm kết mạc, khiến bệnh lâu khỏi.
Không nên chủ quan
Đau mắt đỏ lây qua ba đường chính: hơi thở và nước bọt, dịch, lây trực tiếp qua tay – mắt và quan hệ vợ chồng, vì vậy để phòng tránh, cần chặn những đường lây này. Việc nhìn nhau không lây truyền đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, khỏi sau bảy đến 10 ngày.
“Gặp những triệu chứng đơn giản hay phức tạp ở mắt, chúng ta không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị dứt điểm. Không tự ý mua thuốc và tra nhỏ thuốc mắt kéo dài, sẽ gây biến chứng, bệnh nặng thêm, có thể dẫn tới mù loà”, BS Cương khuyến cáo.
Theo BS Cương, các biện pháp ngăn chặn việc lây lan bệnh gồm:
- Rửa tay thường xuyên, vài lần một ngày, bằng xà bông sát trùng loại bánh hay dạng dung dịch đều được.
-Tránh nói chuyện, bắt tay, cầm nắm và dùng chung các đồ vật với người bị đau mắt đỏ.
- Bệnh nhân đau mắt nên đeo kính, mang khẩu trang, tránh tiếp xúc với người khác trong khoảng năm-bảy ngày.
BẢO THOA
Hư mắt, sai lầm chữa mắt, hơ mắt bằng lá trầu