Sức khỏe

Phát hiện ca nhiễm trùng roi đầu tiên

PN - Đầu tháng 3/2015, bệnh nhân B.T.C. (38 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) bị sốt liên tục hơn nửa tháng vẫn không hết.

Sốt liên tục, tổn thương gan, thận

Làm công nhân may mặc cho một công ty ở Đồng Nai, vào giữa tháng 2/2015, chị C. về thăm gia đình ở Đăk Lăk. Ở quê, nhiều hàng xóm của chị nuôi bò, nuôi heo; nhà chị lại có khá nhiều chuột. Đầu tháng 3/2015, chị C. bỗng sốt cao 39,50C, kèm lạnh run và nhức đầu, nước tiểu vàng. Chị đã tự mua thuốc uống nhưng bệnh không giảm.

Thậm chí, sau khi uống thuốc thì tay chân nổi ban suốt ba ngày. Đến ngày thứ bảy của bệnh, chị C. đến khám tại Bệnh viện (BV) tỉnh Đăk Lăk, được bác sĩ (BS) chẩn đoán nhiễm siêu vi nên cho điều trị ngoại trú. Sau khi uống thuốc, cơn sốt “hạ hỏa” được ba ngày. Nhưng sau đó, chị C. bị sốt lại và chuyển sang điều trị ở phòng mạch tư nhưng bệnh vẫn không giảm. Đến ngày bệnh thứ 17, ngoài biểu hiện sốt, chị còn bị đau khớp gối hai bên nên đã nhập BV đa khoa tỉnh Đồng Nai. Các BS nghi bệnh nhân (BN) bị nhiễm giun chỉ cấp nên đã chuyển BN lên BV Bệnh Nhiệt đới vào ngày 18/3/2015.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM kể: “Các xét nghiệm cho thấy BN bị tổn thương gan, thận, giảm tế bào máu ngoại biên và nhiễm trùng nặng. Phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi đều thấy hình ảnh một loài trùng roi di động. Chúng tôi ngạc nhiên vì loại trùng roi gây bệnh trên người chỉ từng ghi nhận ở châu Phi như loài Trypanosoma brucei gây bệnh ngủ cho người sau khi bị loài ruồi có tên Glossina (còn gọi là ruồi Tsetse) mang mầm bệnh cắn. Hoặc, loại trùng roi khác ở Nam Mỹ có tên Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas. Người mắc bệnh sẽ bị các biến chứng ở hệ tiêu hóa và tim mạch như: phì đại thực quản, phì đại đại tràng, bệnh cơ tim, suy tim; thậm chí chết đột ngột do loạn nhịp tim, ngưng tim. Thế nhưng, BN cho biết chưa từng đi châu Phi hay Nam Mỹ”.

Ngay lập tức, BV Bệnh Nhiệt đới đã mời các chuyên gia về ký sinh trùng đến hội chẩn. Dựa vào chi tiết BN từng về quê, xung quanh nhà có nuôi trâu, bò và có nhiều chuột, các bác sĩ nghĩ tới loài trùng roi mang tên Trypanosoma evansi. Lâu nay, những loài Trypanosoma chủ yếu gây bệnh trên các loài động vật. Y văn thế giới có ghi nhận một số trường hợp hiếm hoi gây bệnh cho người. Tại Việt Nam, từ hàng chục năm nay, cơ quan thú y ở các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận Trypanosoma evansi gây bệnh cho trâu, bò, chủ yếu nhiễm qua đường máu do các loại ruồi, muỗi hút máu từ trâu, bò bệnh rồi truyền cho trâu, bò khỏe.

Song song với việc gửi mẫu bệnh phẩm sang Phòng Ký sinh trùng, Khoa Thú y, Đại học Kasetsart của Thái Lan xét nghiệm tìm “hung thủ”, BV Bệnh Nhiệt đới đã điều trị tích cực cho BN bằng các loại thuốc kháng nấm. Ngày 31/3/2015, kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) từ Thái Lan đã định danh chính xác tên loài ký sinh trùng trong cơ thể chị C. chính là trùng roi Trypanosoma evansi. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định: Đây có lẽ là ca Trypanosoma evansi gây bệnh trên người đầu tiên ở Việt Nam được báo cáo.

BS Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: xác định chính xác tên loài trùng roi gây bệnh, BN đã được truyền thuốc vào tĩnh mạch liên tục tám ngày và biểu hiện sốt đã giảm ngay trong 24 giờ đầu tiên. Hiện BN đã hết sốt.

“Đồng phạm” có thể là bọ chét?

GS-BS Trần Vinh Hiển, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: trùng roi Trypanosoma evansi thuộc dạng chỉ ký sinh trong máu, chủ yếu ký sinh trên động vật như: chuột, ngựa, trâu, bò; rất hiếm khi xuất hiện trên người. Trâu, bò mắc bệnh thể cấp tính thường sốt cao 41 - 41,70C, với các triệu chứng thần kinh như: ngã quỵ, kêu rống, đi vòng tròn và sẽ chết sau 7-15 ngày mắc bệnh. Ở thể mạn tính, các triệu chứng nhẹ hơn và bệnh kéo dài một - hai tháng, con vật ngày càng gầy, niêm mạc mắt vàng nhạt hay sẫm, chảy nước mắt. Sức khỏe suy yếu dần, kém ăn, đột ngột sốt cao, bụng chướng to rồi tử vong. Tỷ lệ mắc trên trâu, bò từ 7-30%, trong đó tỷ lệ trâu, bò chết chiếm 6-20%.

Ở các nước châu Á, thỉnh thoảng cũng xuất hiện vài ca trùng roi Trypanosoma evansi “di cư” sang người. Riêng Việt Nam vào những năm 1970, khi xảy ra dịch hạch thì một BV phía Bắc có gửi mẫu bệnh phẩm của một BN bị rối loạn tâm thần, sốt cao liên tục cho Đại học Y Dược TP.HCM định dạng “thủ phạm” và cuối cùng trùng roi Trypanosoma evansi được gọi tên. “Tuy nhiên, lúc đó, chúng tôi không thấy người bệnh, không tìm hiểu rõ được bệnh cảnh mà chỉ nhận mẫu bệnh phẩm. Hơn nữa, cũng không xác định được BN có đi nước ngoài về hay không.

Trường hợp ở BV Bệnh Nhiệt đới là ca đầu tiên được báo cáo và BN hoàn toàn ở trong nước. Về động vật trung gian truyền bệnh, tôi nghĩ nhiều đến “đồng phạm” bọ chét hơn là loài ruồi. Ruồi ở Việt Nam không có kim để chích, hút máu như loài ruồi Glossina ở châu Phi mà mầm bệnh chỉ dính vào cơ thể chúng khi tiếp xúc với phân, vết thương và việc truyền bệnh thông qua cơ chế đó. Trong khi, để truyền bệnh từ trâu, bò nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi sang người thì buộc động vật trung gian phải cắn, chích giữa trâu, bò bệnh với người. Bọ chét có thể hút máu từ động vật rồi cắn sang người và đây cũng là loài từng gây dịch hạch ở Việt Nam nên tôi nghĩ nhiều đến bọ chét hơn” - GS Trần Vinh Hiển chia sẻ.

Theo GS Trần Vinh Hiển, vì đây là bệnh hiếm gặp nên cần phải nghiên cứu xem loài này chỉ thích nghi ở một vài cơ địa người nào đó thôi hay bắt đầu thích nghi được ở cơ thể người. Có những loại nấm hay ký sinh trùng của thú vật có thể thích nghi vào người khi cơ địa người đó có thay đổi về miễn dịch học hoặc theo thời gian, chúng “kết thân” với con người. Khi nhiễm trùng roi, thời gian ủ bệnh thường âm thầm, có thể kéo dài từ 10-20 ngày.

Trùng roi sinh sản tại nơi xâm nhập, rồi phát tán theo đường máu, cuối cùng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, vào dịch não tủy. Người bệnh sốt liên tục hoặc sốt không đều. Trước khi chuyển sang giai đoạn màng não - não, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu thần kinh như: nhức đầu - nhất là khi sốt, rối loạn cảm giác, cảm giác kiến bò, vọp bẻ, mất ngủ, bực bội, tăng cảm giác đau… Nếu không được điều trị, người bệnh có thể tử vong.

Vì là bệnh hiếm gặp ở Việt Nam nên các thuốc điều trị đặc hiệu thường khó tìm. BN C. may mắn đáp ứng tốt với điều trị và hiện tại vẫn được theo dõi sức khỏe định kỳ.

 VĂN THANH

www.phunuonline.com.vn

Trùng roi, BV nhiệt đới, động vật truyền bệnh


      © 2021 FAP
        194,478       654