Sức khỏe

Nước giải khát có đường làm giảm sự nhanh nhạy và ứng phó stress

PN – Các chuyên gia tại Đại học California và Cơ quan Nghiên cứu Bộ Nông nghiệp Mỹ, phát hiện nước uống có ga và nước trái cây có đường có thể làm giảm sự nhanh nhạy và ứng phó với căng thẳng.

Khi cơ thể và tâm trí bị căng thẳng hay lo lắng, hệ thống endocrine được cho là sẽ tăng cường sản sinh hormone cortisol, chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, miễn dịch và làm lành vết thương. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy khả năng sản sinh cortisol của cơ thể nhằm phản ứng với stress bị giảm thiểu bởi việc uống nước giải khát có đường.

Tuy nhiên, nước uống có ga dành cho người ăn kiêng sử dụng chất thay thế đường aspartame được phát hiện không gây ra những tác động tương tự.

“Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy mức tiêu thụ đường cao, nhưng không phải aspartame, có thể xoa dịu stress ở con người”, tác giả nghiên cứu Kevin D. Laugero nói. “Điều lo ngại ở đây là căng thẳng tâm lý và cảm xúc có thể kích hoạt thói quen dùng quá nhiều đường và làm gia tăng những tác động sức khỏe trí mạng, bao gồm béo phì”.

Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận trên sau khi cho 19 phụ nữ tuổi từ 18 đến 40 thực hiện các chế độ ăn uống riêng biệt và các cuộc thử nghiệm về stress. Trong 12 ngày,11/19 người đã uống một phần nước giải khát có đường vào các bữa ăn sáng, trưa và tối. Tám người còn lại uống nước giải khát dùng aspartame. Cả 2 nhóm được yêu cầu không uống bất kỳ loại nước giải khát có đường nào khác.

Trước và sau 12 ngày thử nghiệm, các đối tượng duy trì chế độ ăn uống ít đường. Họ cũng thực hiện các cuộc kiểm tra toán. Ảnh chụp MRI cho thấy những người uống nước giải khát có đường đều đặn có khả năng phản ứng kém hơn với căng thẳng phát sinh từ việc phải hoàn thành cuộc kiểm tra toán.

“Các kết quả cho thấy những khác biệt về thói quen ăn uống có thể giải thích tại sao một số người phản ứng kém với những tình huống gây căng thẳng và những người khác phản ứng thái quá. Cuộc nghiên cứu đã gắn kết hoạt động kém hoặc thái quá trong hệ thống thần kinh và ứng phó stress với sức khỏe thể chất và tinh thần tồi tệ”, ông Laugero nói.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism.

THẢO QUÂN

(Theo UPI)

www.phunuonline.com.vn

nước ngọt, nước có ga, nước giải khát, ăn đường nhiều, tác hại nước ngọt


      © 2021 FAP
        194,478       1,044