PN - Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Úc, những trẻ có cha mẹ hút thuốc lá sẽ đối diện với nguy cơ phát triển bệnh tim khi trưởng thành cao hơn so với những trẻ có cha mẹ không hút thuốc lá.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu y học Menzies, trường ĐH Tasmania (Úc) đã tiến hành đánh giá mức độ hút thuốc lá thụ động khi còn nhỏ của những người ở Phần Lan. Người tham gia được kiểm tra mức độ tích tụ mảng bám ở thành động mạch cảnh (động mạch cổ) - một dấu hiệu mạnh mẽ của bệnh tim.
Costan Magnussen - chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu y học Menzies, tác giả cuộc nghiên cứu cho biết, nhìn chung, những người lớn đã hút thuốc lá thụ động, tăng 1,7 lần nguy cơ tích tụ mảng bám ở thành động mạch cảnh so với những người có cha mẹ không hút thuốc lá.
Nguy cơ tích tụ mảng bám ở thành động mạch cảnh tùy thuộc vào ý thức của các bậc cha mẹ trong việc hạn chế con cái họ tiếp xúc với khói thuốc lá. Theo đó, nguy cơ này cao hơn gấp bốn lần đối với những người mà cha mẹ đã không thực hiện việc hạn chế con cái tiếp xúc với khói thuốc.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện trên đã củng cố thêm bằng chứng cho thấy, việc hút thuốc lá thụ động từ thời thơ ấu có ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe tim mạch của mỗi người sau này.
Tác giả Magnussen khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh tim mạch ở trẻ khi trưởng thành, cách tốt nhất là cha mẹ không nên hút thuốc lá. Riêng đối với những bậc cha mẹ “đang cố gắng từ bỏ thuốc lá”, hãy thực hiện nghiêm túc việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, như không hút thuốc lá trong nhà, trong xe hơi…
NGUYỄN NIỆM
(Theo Medicinenet, Sharecare)
thuốc lá, hút thuốc, thụ động, tác hại hút thuốc, bệnh tim