PN - Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường của cơ thể trên hệ thống miễn dịch với một loại thuốc nào đó. Đây là những phản ứng không thể đoán trước, có thể gây tử vong.
Dấu hiệu nhận biết: Dị ứng thường xảy ra trong vòng một giờ sau khi uống thuốc, nhưng cũng có loại có thể xảy ra sau nhiều giờ, nhiều ngày hoặc vài tuần sau. Biểu hiện thường gặp nhất là nổi mề đay, phát ban, sốt, mẩn ngứa, phồng rộp, nổi bóng nước da toàn thân, khó thở, tím tái, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi, choáng váng… và sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong.
Tại sao dễ bị dị ứng thuốc? Trong thuốc, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất. Do đó, người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó. Đặc biệt, những bệnh nhân dùng thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc giả… càng tăng nguy cơ dị ứng thuốc. Ngoài ra, tình trạng tự điều trị, tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định, không chú ý đến các đặc điểm tương tác thuốc, đối tượng sử dụng: trẻ em, người già, phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận nặng… cũng làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc.
Bên cạnh đó, hiện có quá nhiều loại thuốc, quá nhiều tên thương mại khác nhau cho một loại thuốc, nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng hiệu quả, an toàn, nên đôi khi người bệnh uống quá liều do không biết nhiều loại thuốc có cùng hoạt chất, gây ra tương tác thuốc.
Các yếu tố nguy cơ dị ứng thuốc: Một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc: tiền sử dị ứng thực phẩm hoặc bệnh sốt mùa hè; gia đình có người bị dị ứng thuốc; dùng liều cao, sử dụng lặp đi lặp lại hoặc sử dụng kéo dài…
Các thuốc thường gây dị ứng nhiều nhất: Bất kỳ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, tuy nhiên, các loại thuốc gây dị ứng thường gặp là nhóm kháng sinh như: penicillin, amoxicillin, sulfonamide… Hoặc các thuốc chống viêm không steroid, kem corticosteroid, thuốc giảm đau, vitamin C dạng chích, vitamin B1 chích, thuốc điều trị trầm cảm, aspirin.
Làm thế nào để phòng ngừa dị ứng thuốc? Chỉ nên sử dụng thuốc khi thật cần thiết. Khi đi khám bệnh ở bác sĩ hoặc tự mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình từng bị dị ứng và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không dùng loại thuốc đó nữa.
Không nên tự ý mua thuốc để điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì cơ địa, tình trạng sức khỏe mỗi người khác nhau.
Không dùng thuốc mất nhãn mác, thuốc đã chuyển màu, quá hạn dùng. Khi thấy hiện tượng sốt, da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, hồi hộp, khó thở…, phải ngưng ngay việc dùng thuốc, đồng thời đến ngay cơ sở y tế và nhớ mang theo đơn thuốc, các loại thuốc đã dùng để bác sĩ biết, có phương pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả.
Dược sĩ TRƯƠNG QUANG THANH
(Bệnh viện Bưu Điện TP.HCM)
thuốc tây, dị ứng thuốc, dấu hiệu