PN - Ngủ là một trong những hoạt động chính của trẻ sơ sinh vì giấc ngủ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Những lý giải dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh.
• Trẻ sẽ lớn lên trong khi ngủ. Có lẽ, bạn đã từng được nghe về điều này từ những người có kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy trẻ nhỏ. Kết quả nghiên cứu khoa học cũng cho thấy khi trẻ ngủ ngon và đủ giấc, não bộ sẽ tiết ra nhiều hóc-môn tăng trưởng, giúp trẻ nhanh lớn và khỏe mạnh hơn.
• Phát triển trí não. Vai trò của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh còn quan trọng ở chỗ chúng là một trong những yếu tố cần thiết để não bộ của em bé phát triển tốt. Nếu trẻ ngủ đủ giấc mỗi ngày, não sẽ phát triển nhanh và khỏe hơn. Vì vậy, vẫn có quan điểm cho rằng đứa trẻ sơ sinh nào ngủ càng nhiều thì chúng càng thông minh.
• Đảm bảo cho sự phát triển của hệ thần kinh trung ương. Thông qua các kết quả nghiên cứu khác nhau, các chuyên gia về nhi khoa đã khẳng định hệ thống thần kinh trung ương ở những đứa trẻ sơ sinh ngủ nhiều và ngủ sâu giấc sẽ phát triển tốt hơn so với những đứa trẻ ngủ không đủ giấc.
• Giúp trẻ thoải mái hơn về tinh thần. Càng ngủ nhiều, cơ thể của trẻ càng được thư giãn. Điều này đồng nghĩa với việc em bé của bạn sẽ có những biểu hiện vui vẻ và hạnh phúc như cười, đùa giỡn… nhiều hơn thay vì cứ khóc suốt ngày.
• Hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nếu trẻ sơ sinh ngủ đủ giấc, hệ miễn dịch của chúng sẽ được củng cố và trở nên khỏe mạnh hơn. Đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng giúp trẻ đủ sức đương đầu với các loại bệnh, đặc biệt là những căn bệnh viêm nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của những bà mẹ đang chăm sóc em bé vừa chào đời đó là phải chăm chút cho giấc ngủ của con mình, đảm bảo cho trẻ được ngủ theo nhu cầu của chúng.
• Những giấc ngủ ngon có thể giúp con bạn trở nên năng động, thích tương tác với mọi thứ xung quanh chúng. Nhờ đó, chúng sẽ trở nên nhanh nhẹn và lanh lợi hơn. Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy rằng trẻ có thể mỉn cười, cử động tay chân… khi đang ngủ.
Điều này được gọi là giấc ngủ “năng động” vì tại thời điểm này, khi cơ thể của bé đang nghỉ ngơi thì não bộ vẫn hoạt động. Giai đoạn này thường kéo dài xấp xỉ khoảng 60 phút. Các chuyên gia nghiên cứu nói rằng khi trẻ sơ sinh ngủ sâu, phần lớn các hoạt động phát triển của cơ thể, bao gồm cả các chức năng của não vẫn diễn ra.
Thời gian ngủ tối thiểu theo độ tuổi của trẻ
- 1 tháng tuổi: ban đêm khoảng 8 giờ và 8 giờ cho những giấc ngủ ngắn, không liên tục vào ban ngày. Tổng cộng là 16 giờ.
- 3 tháng tuổi: 10 giờ vào ban đêm, 5 giờ vào ban ngày (chia là 3 giấc ngắn). Tổng cộng là 15 giờ.
- 6 tháng tuổi: 11 giờ vào ban đêm, 3,5 giờ vào ban ngày (chia làm 2 giấc). Tổng cộng là 14,5 giờ.
- 9 tháng tuổi: 11 giờ vào ban đêm, 3 giờ vào ban ngày (chia làm 2 giấc). Tổng cộng là 14 giờ.
- 12 tháng tuổi: 11 giờ vào ban đêm, 2,5 giờ vào ban ngày (chia làm 2 giấc). Tổng cộng là 13,5 giờ.
- 18 tháng tuổi: 11 giờ vào ban đêm, hơn 2 giờ vào ban ngày nhưng chỉ cho ngủ 1 giấc vào buổi trưa. Tổng cộng là hơn 13 giờ.
- 2 tuổi: 11 giờ vào ban đêm, 2 giờ vào buổi trưa. Tổng cộng là 13 giờ.
- 3 tuổi: 10,5 giờ vào ban đêm và 1,5 giờ vào ban ngày. Tổng cộng là 12 giờ.
HỒNG XUÂN
(Theo Boldsky.com và Babycenter.com)
trẻ sơ sinh, giấc ngủ, trẻ ngủ