Sức khỏe

Vượt qua trầm cảm

PN - Trầm cảm là bệnh tâm thần có khả năng tàn phá sức khỏe nhanh chóng và dễ dẫn người bệnh đến những quyết định sai lầm như tự tử.

 Nhận mặt thủ phạm

Thông thường, những người mắc bệnh trầm cảm (TC) không còn cảm thấy thích thú trong công việc, thậm chí trong quan hệ vợ chồng và cả những thú vui trước đó họ yêu thích. Từ chối giao tiếp bạn bè, lánh đám đông, sợ tụ họp là những dấu hiệu nhận biết TC ở một người.

Giảm hoặc tăng cân cũng là một cách nhận biết bệnh. Khi không còn vui nữa thì ăn uống không còn hứng thú. Có người ăn thật nhiều, nuốt như nuốt giận. Cũng có người dửng dưng với chuyện ăn uống. Ngoài tăng hoặc giảm cân, nét mặt “dàu dàu”, nói chậm cũng góp phần nhận diện bệnh TC.

Theo BS Trần Duy Tâm - BV Tâm thần TP.HCM, cho đến nay, giới chuyên môn đã thống nhất TC là bệnh lý phức tạp có nhiều yếu tố đan xen, cộng hưởng đến một thời điểm thích hợp thì TC… “ra đời”. Những yếu tố sinh bệnh gồm:

- Nguyên nhân sinh học, bệnh nhân có cơ địa di truyền TC, não bộ dễ bị ức chế (trong gia đình có nhiều người cùng bị TC).

- Yếu tố môi trường, sự căng thẳng cũng góp phần gây TC.

- Sống trong hoàn cảnh mất mát, thiếu thốn tình thân, tổn thương tâm lý, mồ côi sớm, đánh giá thấp bản thân, tự ti.

- Thu nhập thấp, mất chỗ dựa về kinh tế, gia đình, không có bạn bè để chia sẻ, tâm sự.

- Suy nghĩ tiêu cực, nhìn cuộc đời xám xịt cũng có thể dẫn đến bệnh TC.

Phụ nữ bị TC nhiều hơn nam giới, nhất là giai đoạn sau sinh vì họ có cảm giác cô đơn, thiếu ngủ vì phải thức đêm nhiều chăm sóc con. Việc nhà đầu tắt mặt tối, không người quan tâm cũng dẫn dắt đến chứng TC...

TC là một trong những nguyên nhân khiến cho đương sự mắc các bệnh mạn tính, nhiễm trùng. Những suy nghĩ tiêu cực “gặm nhấm” dần sức khỏe.

Phòng trị

Tuy phức tạp nhưng việc điều trị khỏi bệnh TC trong tầm tay các bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần.

BS Trần Duy Tâm cho biết: “Các nhà khoa học phát hiện trên não bộ người bị TC có sự rối loạn chức năng của những chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác thanh thản, thư giãn, vui tươi, chống lo âu như serotonin, noadrenalin… vì một lý do nào đó mà giảm hoạt tính lên não. Từ năm 1950, ngành dược đã điều chế thuốc chống TC, tăng hoạt tính các chất trên trong não, thuốc ngày càng tiến bộ và hạn chế tác dụng phụ”.

Việc điều trị TC đòi hỏi cả yếu tố tâm lý, sự quan tâm, chia sẻ, thương yêu của người thân, sự tin tưởng giúp đỡ của đồng nghiệp.

Về phòng bệnh, việc loại trừ các yếu tố cộng hưởng làm bệnh TC phát sinh cũng là cách phòng bệnh hiệu quả. Người thân trong gia đình, vợ hoặc chồng cần có sự quan tâm chia sẻ với bệnh nhân, nhất là lúc bị tổn thương tâm lý, tinh thần, bị cô lập… Riêng với TC sau sinh, rất cần sự thương yêu, quan tâm, tạo niềm tin yêu và giúp đỡ từ người chồng và gia đình.

- Tập những thói quen tốt để ngăn trầm cảm từ xa. Đầu tiên là tập thể dục vì cơ thể sẽ tiết ra dopamine, serotonin… sẽ tăng cảm giác yêu đời.

- Ngủ đầy đủ giúp cơ thể phấn chấn. Ăn những món ăn chứa nhiều chất có lợi cho não như: chè bạch quả, gà hầm bạch quả, cá…

- Tham gia các hoạt động hội, nhóm để tăng cường giao tiếp...

 PHƯƠNG NAM

www.phunuonline.com.vn

trầm cảm, stress


      © 2021 FAP
        194,510       764