Sức khỏe

Ngạt thở

PN - Ngạt thở là dấu hiệu cơ thể bật đèn đỏ báo hiệu: nguy hiểm, cần tìm chỗ để hít thở không khí trong lành. Nếu không có hướng giải quyết, tình hình sẽ trầm trọng hơn

Có nhiều nguyên nhân gây khó thở bên cạnh các bệnh làm cho việc hít thở khó khăn như suy tim, suyễn… Song, nguy hiểm nhất là ngạt thở do thiếu dưỡng khí.

Bất kỳ vật gì cháy cũng cần oxy, do đó khi để một vật đang cháy ở trong phòng kín, oxy sẽ bị "nuốt" hết. Ngay lập tức, những người trong khu vực này thấy ngạt thở, khó thở vì không đủ oxy cung cấp cho máu và hít phải những khí độc sinh ra khi cháy như CO, CO2... Dễ gây mệt nhất là khí CO, vì cản trở không cho hồng cầu chuyên chở oxy từ phổi đến tế bào và các cơ quan. Những cơ quan sử dụng nhiều oxy như não bộ và tim sẽ tổn thương nặng nhất.

Chẳng hạn như trường hợp ngộ độc khói tại siêu thị Big C ở Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tại thời điểm đó, lượng xe máy gửi vào tầng hầm đông, người gửi xe vẫn nổ máy chờ lấy thẻ nên lượng khí thải bị hút lên tầng trên theo đường thang máy, khiến nhiều nhân viên, khách hàng khó thở, buồn nôn… phải nhập viện cấp cứu.

Sự thiếu dưỡng khí còn hiện diện ở cả những hộ gia đình sống trong nhà ống, nấu bếp than, nấu cồn. Những trường hợp này chỉ cần tạo sự thông thoáng như quạt tay phe phẩy hay đặt quạt máy trong không gian, sẽ thấy thoải mái ngay. Song, nếu thán khí vây bủa lúc “khổ chủ” đang ngủ, sẽ rất nguy hiểm. Do khí độc làm liệt cơ nên người ngủ không thể cử động, tiếp đó là mê não và tử vong (thói quen dùng bếp than để sưởi ấm ở những vùng giá lạnh từng gây ra những cái chết thương tâm). Mở máy điều hòa xe hơi rồi đóng kín cửa để ngủ cũng dẫn tới ngộp thở với cơ chế tương tự. Có nhiều nguyên nhân: không gian hẹp, lượng oxy ít lại giảm dần, do uống rượu bia, ngồi trong xe có máy lạnh nên mạch máu ngoại biên co lại nhưng mạch máu nội biên lại dãn nở, nên gây tai biến…

Thuốc cũng có thể gây khó thở, vì bên cạnh các thuốc dãn phế quản giúp bệnh nhân dễ thở, có thuốc gây co thắt mạch máu, co thắt khí quản, làm quá trình thở khó khăn. Do đó, cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ em có thể bị ngạt thở do cho ăn lúc bé đang khóc. Họng là ngã tư giữa đường ăn và đường thở, vì vậy khi trẻ la, khóc, không chịu nuốt, vùng khí quản, thanh quản đang hoạt động. Nếu cố đút thức ăn lúc này, thay vì nuốt, trẻ sẽ hít thức ăn vào đường thở, gây ngạt thở, thường trẻ sẽ ho dữ dội để tống xuất thức ăn. Vì lý do nào đó mà thức ăn không tống ra được, bé sẽ bí thở, cơ thể tím tái vì thiếu dưỡng khí. Nếu không được cấp cứu bằng cách vỗ lưng ấn ngực, não sẽ thiếu oxy nặng, để lại di chứng thần kinh - tâm thần nặng nề…

Các bệnh viện nhi đã nhận không ít trường hợp người lớn đút hoặc cho bé bú không đúng cách khiến bé ngạt thở, thiếu oxy não trong thời gian dài, để lại di chứng tàn tật. Vì vậy, cần nhớ không cho bé ăn khi trẻ đang khóc la. Khi gửi trẻ, cha mẹ cần “điều tra” xem bảo mẫu có kinh nghiệm hay không. Tốt nhất là trang bị kiến thức nuôi con và học phương pháp cấp cứu vỗ lưng ấn ngực để cấp cứu trường hợp trẻ sặc, ngạt thở.

 VŨ ÂU

Xử trí khi bị ngạt thở

BS Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết, khí thải, cháy nổ… sẽ làm cho bầu không khí thiếu oxy nên nạn nhân choáng váng, nhức đầu, bất tỉnh. Để không bị khó thở, ngạt thở, cần chú ý:

- Tránh vùng ô nhiễm do khói, bụi, khói thuốc lá… càng xa càng tốt.

- Nếu làm việc trong môi trường ô nhiễm, cần có phương tiện bảo hộ và đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh phổi do nghề nghiệp.

- Trường hợp bình thường không khó thở, nhưng khi uống thuốc vào lại thở không được, có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc đã bị bệnh lý về phổi. Cần đi kiểm tra sức khỏe gồm: đo chức năng phổi, đo điện tim, siêu âm và loại trừ thuốc gây phản ứng phụ. Cần biết thêm có những thuốc khi dùng có thể gây dị ứng, sốc phản vệ không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

- Cần đặt máy phát điện nơi thoáng khí để khí thải không xâm nhập vào nơi sinh hoạt.

- Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra các thiết bị điện định kỳ.

- Cần quan tâm, tạo nơi ở thoáng mát cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, mạch máu não... vì khi bị ngạt thở dù nhẹ cùng dễ trở nặng do sức khỏe yếu, khó “chống trả”.

www.phunuonline.com.vn

khó thở, nghẹt thở, ngạt thở, BS Nguyễn Hữu Dũng


      © 2021 FAP
        194,510       364