PN - Vì sao bệnh lại có tên gọi như vậy, đối tượng nào dễ bị mắc phải, bệnh có nguy hiểm không? TS-BS Trần Hải Yến, Phó giám đốc BV Mắt TP.HCM
- Bệnh được gọi là viêm kết mạc mùa xuân (VKMMX) vì ở các nước ôn đới, bệnh thường xuất hiện rầm rộ vào mùa xuân, khi khí hậu ấm dần lên, nóng ẩm, các loài hoa nở rộ vào mùa này trong năm, phát tán phấn hoa trong không khí, là yếu tố làm khởi phát bệnh. Đây là một bệnh dị ứng ở mắt, có liên quan đến cơ địa dị ứng của bệnh nhân (BN). Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, không khí ngày càng ô nhiễm, làm cho các chất gây dị ứng tăng lên trong không khí như khói xe, bụi bẩn…, vì vậy, có thể gặp bệnh này quanh năm.
Đây là một bệnh do nguyên nhân nội tại, người bệnh đã có sẵn cơ địa dễ mẫn cảm với các tác nhân kích ứng bên ngoài và không có tính lây lan từ người bệnh sang người lành. Bệnh tuy không gây nguy hại cấp tính đến thị lực nhưng khiến cả bác sĩ (BS) lẫn BN mệt mỏi do những nguyên nhân sau:
- Thường kéo dài dai dẳng, khó điều trị tiệt căn, dễ tái phát khi BN tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng.
- Khó ngăn ngừa BN tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng có nhiều trong không khí như bột phấn hoa, bụi bẩn.
- Bệnh thường gây ngứa, khó chịu, dẫn đến căng thẳng tâm lý, làm giảm chất lượng cuộc sống
Nếu tình trạng viêm không được kiểm soát tốt, BN dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, làm cho bệnh càng nặng hơn.
* Độ tuổi nào dễ bị VKMMX nhất, thưa BS? Bệnh có dễ lây lan như bệnh đau mắt đỏ không? Điều trị ra sao? Giữa người lớn và trẻ em việc điều trị có khác?
- VKMMX thường gặp ở người từ 5-20 tuổi. Trẻ nam bị nhiều hơn trẻ nữ, tần suất cao nhất ở lứa tuổi 13-14 tuổi, sau lứa tuổi này, bệnh sẽ giảm dần. Do bệnh thường gặp ở trẻ em, nên việc quan trọng là cần hướng dẫn trẻ không dụi mắt để tránh kích thích cho các triệu chứng gia tăng và hạn chế các hậu quả lâu dài. Đây là một vấn đề khá khó khăn do trẻ thường hiếu động
Để điều trị VKMMX, BN sẽ được nhỏ các loại thuốc chống dị ứng. Tùy theo tình trạng, mức độ nặng của bệnh, BS có thể cho uống thêm thuốc kháng histamin (là một chất trung gian, do cơ thể tiết ra trong chuỗi phản ứng với dị ứng nguyên), kèm theo nhỏ hoặc uống corticoid. Cần lưu ý là những thuốc này chỉ có BS chuyên khoa mắt mới có thể ra chỉ định và có biện pháp kiểm soát liều lượng, thời gian sử dụng và theo dõi đúng đắn. Bên cạnh thuốc, có thể sử dụng một số biện pháp tích cực nhằm làm giảm tình trạng ngứa mắt như:
- Đắp gạc hoặc nước đá lạnh lên mi mắt giúp giảm ngứa.
- Rửa mắt bằng nước muối sinh lý để rửa trôi các phấn hoa hay bụi bặm bám vào mắt là các yếu tố gây dị ứng.
- Đeo kính râm tránh ánh sáng khi đi ra ngoài.
- Nhỏ nước mắt nhân tạo khi có tình trạng khô mắt.
- Tránh dụi mắt, nhất là ở trẻ em.
- Điều trị cần kiên nhẫn, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm đến khi trẻ lớn. BN không cần cách ly với cộng đồng. Nếu chưa ảnh hưởng đến giác mạc gây giảm thị lực, trẻ không cần nghỉ học.
- Nếu có tổn thương giác mạc, trẻ cần được điều trị tích cực và nghỉ ngơi, giữ vệ sinh tốt để tránh bị nhiễm khuẩn làm cho bệnh trầm trọng hơn.
- Về cơ bản, nguyên tắc điều trị giữa trẻ em và người lớn là như nhau, nhưng liều lượng thuốc có khác nhau.
* Bệnh VKMMX có thể gây ra mù lòa cho BN không?
- Bệnh VKMMX ban đầu chỉ ảnh hưởng đến kết mạc, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn viêm tại kết mạc sẽ không ảnh hưởng đến giác mạc. Nếu không điều trị, các nhú gai khổng lồ sẽ phát triển ở kết mạc sụn mi trên. Chính các nhú gai này lâu dần sẽ chà xát vào giác mạc gây loét giác mạc vô khuẩn. Một khi đã có tổn thương giác mạc, thị lực sẽ bị giảm do vết trợt, loét hoặc sẹo làm mất đi tính trong suốt của giác mạc. Màng máu giác mạc cũng là một biến chứng giác mạc do nhú gai dị ứng gây ra, nếu không được điều trị tích cực, tổn thương lan rộng sẽ gây ảnh hưởng đến giác mạc nặng nề, có thể làm mất thị lực. Ngoài ra, việc điều trị bằng thuốc corticoid lâu dài, nếu không kiểm soát đúng đắn, có thể gây biến chứng mù lòa do glaucoma hoặc đục thủy tinh thể.
* Xin BS cho biết triệu chứng của VKMMX và cách phòng ngừa?
Những triệu chứng của VKMMX bao gồm:
- Ngứa dữ dội.
- Mắt kích thích, chảy nước mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Cảm giác nóng rát mắt.
- Tiết ghèn nhầy, dai, dính, khi chùi kéo ra thành dây.
- Ngứa nhiều hơn khi bị kích thích bởi gió bụi, ánh sáng...
- Khi bệnh ảnh hưởng đến giác mạc sẽ gây giảm thị lực.
VKMMX là một bệnh mạn tính, kéo dài, dễ tái phát, vì vậy BN cần đi khám khi thấy có các triệu chứng như trên và thường xuyên tái khám đúng theo lịch hẹn của BS.
BN tuyệt đối không được tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Có nhiều BN thấy nhỏ corticoid làm giảm nhanh triệu chứng, nên tự ý mua nhỏ mỗi khi thấy ngứa trong một thời gian dài, dẫn đến các biến chứng glaucoma, đục thủy tinh thể… là những bệnh đe dọa thị lực, nguy hiểm hơn VKMMX rất nhiều. Nếu tự ý dùng mãi một toa thuốc có thể dẫn đến nhiễm độc giác mạc do tác động lâu dài của chất bảo quản thuốc.
Để phòng ngừa, cách duy nhất là hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng. Hạn chế ra đường hoặc đi đến những vùng trồng hoa hay nơi có nhiều các loại cây ra hoa vào mùa xuân. Đeo khẩu trang, đeo kính, nhỏ nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý thường xuyên để giảm bớt sự tiếp xúc với các dị ứng nguyên.
THIÊN NGA thực hiện
mắt, viêm kết mạc, mùa xuân, bệnh theo mùa