PN - Thời gian nghỉ lễ, Tết dài là điều kiện thuận lợi để bạn nhìn lại sức khỏe của mình cũng như của người thân, điều mà ngày thường bạn luôn tìm cách lướt qua vì lịch làm việc dày đặc…
Thấy bất thường thì hỏi… “Gu gồ”?
PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, cho rằng hiện nay không ít người ngại đến cơ sở y tế khám bệnh, vì nghĩ rằng mình cũng có chút am hiểu về sức khỏe, nên dựa vào Google để tự chẩn bệnh cho mình. Điều này cũng có mặt được, giúp người bệnh - nếu thực sự có bệnh - phát hiện sớm căn bệnh, chủ động tìm đến thầy thuốc. Nhưng chính vì đọc quá nhiều nên... “tẩu hỏa nhập ma”, khiến không ít người hoang mang lo lắng quá mức cần thiết.
Điển hình là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị H.T., 32 tuổi, thạc sĩ quản trị kinh doanh, hiện đang là trưởng phòng kinh doanh của một công ty dược phẩm. Theo lời kể của TS-BS Hoài Nam, một tháng trước, gia đình đưa chị H.T. đến bệnh viện trong trạng thái thần kinh không ổn định, nghi ngờ chị bị u não. Tìm hiểu thì được biết, gần ba tháng trời chị sống trong tâm trạng lo lắng, bất an do bị đau đầu mỏi cổ thường xuyên, đôi lúc lại có thêm cảm giác buồn nôn và ói mửa. Đáng nói là thay vì đến bệnh viện kiểm tra, chị lại suốt ngày tra cứu trên mạng tìm hiểu và kết quả là cơ thể suy kiệt, do tình trạng trầm uất và bệnh tưởng. “Thực ra thì chị chỉ bị stress do áp lực công việc. Một tháng sau khi điều trị ở bác sĩ tâm lý do tôi giới thiệu, cô T. đã gần như khỏe hẳn và tiếc rằng tại sao mình không đi khám bệnh sớm” - TS Hoài Nam chia sẻ.
Việc lắng nghe cơ thể mình để nhận diện những bất thường về sức khỏe là rất tốt, nhưng tin tưởng và làm theo những website về sức khỏe, rồi tự đánh giá những bất thường, tự chẩn bệnh cho mình là hoàn toàn không nên. Nó không chỉ tạo nên tâm lý hoang mang, mà đôi lúc còn khiến sợ đến bệnh viện kiểm tra sẽ “lòi thêm bệnh”. Nhiều người đã bỏ qua cơ hội được điều trị sớm, nhất là những bất thường trên da, các nốt, u cục trong cơ thể dù được ghi nhận sớm. Lẽ ra, những trường hợp này cần phải được kiểm tra, thăm khám hay xin tư vấn tại các thầy thuốc gia đình hoặc thầy thuốc chuyên khoa…
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là tốt nhất
Luôn luôn tìm hiểu và lắng nghe của cơ thể mình, đó là cách bảo vệ sức khỏe sáng suốt và hữu hiệu. Tuy nhiên, để có kết luận chắc chắn nhất, vẫn nên có ý kiến của giới chuyên môn, tránh lo lắng hay có những hành động thái quá đối với bản thân. Tốt nhất, nên tuân thủ lời khuyên của các chuyên gia y tế, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để được định bệnh chính xác. Đặc biệt, cần quan tâm sâu sát đến lứa tuổi sơ sinh, phụ nữ và người cao tuổi.
Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, ThS-BS Trương Đình Khải, Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo: nên đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa để được kiểm tra cân nặng, số đo, kiểm tra nhịp tim, nhịp thở, kiểm tra mắt và tai… để chắc chắn rằng trẻ đang phát triển bình thường, khỏe mạnh. Đồng thời, trong quá trình thăm khám, phụ huynh cũng được hướng dẫn lịch chủng ngừa đúng quy định, được hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng đúng cách, được tư vấn cách theo dõi nhiệt độ cơ thể khi bé sốt. Nhiệt độ cơ thể trẻ bình thường từ 36,5 - 37,50C. Trẻ bị sốt khi nhiệt độ trên 37,50C. Trẻ bị hạ thân nhiệt khi nhiệt độ dưới 36,50C. Khi trẻ bị sốt hoặc bị hạ thân nhiệt, phải đưa đi khám ngay.
Đặc biệt, trẻ non tháng cần phải được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, vì rất dễ bị bệnh lý võng mạc mắt, làm ảnh hưởng xấu đến thị lực của trẻ, thậm chí có thể gây mù lòa, nhất là những trẻ nhẹ cân (cân nặng lúc sinh dưới 1.500g hoặc tuổi thai dưới 32 tuần; cân nặng lúc sinh dưới 2.000g nhưng bị ngạt khi sanh, thở ôxy kéo dài, có những bệnh lý khác kèm theo và được bác sĩ sơ sinh chỉ định khám mắt. Trẻ sinh đôi, sinh ba... và có cân nặng lúc sinh dưới 2.000g).
Hiện, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Mắt TP.HCM là những địa chỉ tin cậy để kiểm tra thị lực cho trẻ.
Với chị em phụ nữ, TS Phan Trung Hòa, Bệnh viện Từ Dũ, cho rằng việc kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng / lần luôn được ưu tiên hàng đầu. Những phụ nữ đã sinh đẻ, phụ nữ trên 35 tuổi và đang thời kỳ tiền mãn kinh, việc khám phụ khoa định kỳ còn giúp tầm soát, ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh ung thư cổ tử cung là đối tượng cần lưu ý nhất…
Riêng chị em ở tuổi xế chiều, cần kiểm tra thêm sức khỏe xương khớp. Đáng nói, dưới tác động của quá trình suy giảm sinh lý sau mãn kinh, do sự suy giảm chức năng của não bộ, tuyến yên và buồng trứng, trong giai đoạn này chị em sẽ bị giảm mật độ xương, dẫn đến tình trạng loãng xương. Nếu bị gãy xương, việc điều trị trở nên rất khó khăn vì tốc độ phục hồi lúc này rất chậm. Khi đi kiểm tra xương khớp, các bác sĩ sẽ tùy từng trường hợp mà đưa ra cho bạn một chế độ điều trị, dinh dưỡng, vận động hợp lý.
Với người già, TS-BS Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo, việc chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, nhằm nâng cao khả năng khỏi bệnh, nhất là những bệnh khó điều trị như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ung thư, xơ gan, bệnh tự miễn… Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyên mọi người trên 40 tuổi nên đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ một lần và hai lần một năm nếu trên 50 tuổi.
Việc lắng nghe cơ thể và chủ động tìm đến bác sĩ kiểm tra là cách phòng ngừa bệnh tật cũng như sớm phát hiện và điều trị các bệnh lý hữu hiệu. Ngoài ra, rất cần duy trì lối sống lành mạnh, rèn luyện tinh thần, tập thể dục thể thao thường xuyên kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp.
THIÊN NGA
Sức khỏe, phát hiện bệnh, kiểm tra định kỳ