Sức khỏe

Suy nghĩ lệch lạc 'cản đường' vắc-xin

PN - Cơ quan chức năng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (phía Tây Bắc Pakistan) ngày 3/3 đã bắt giữ 471 bậc phụ huynh từ chối không cho con mình được tiêm ngừa bại liệt trong đợt tiêm chủng bắt đầu ngày 2/3,

Cảnh sát Pakistan chỉ thả phụ huynh về khi nào họ cam kết cho con tiêm vắc-xin ngừa bại liệt - Ảnh: AP

Lãnh đạo tỉnh Khyber Pakhtunkhwa khẳng định sẽ mạnh tay với bất cứ ai chống lại chương trình tiêm ngừa vì cho rằng đây là hành vi gây hại cho sự an toàn của cả cộng đồng, trong bối cảnh Pakistan đang tuyên chiến với bệnh bại liệt. Các cá nhân bị bắt sẽ được thả nếu cam kết cho con được tiêm ngừa, bằng không sẽ chịu hình phạt tù. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Pakistan là “điểm nóng” của dịch bại liệt với 306 ca mắc bệnh trong số 342 ca của thế giới, năm 2014. Từ đầu năm đến nay đã có 13 ca mắc bệnh ở Pakistan.

Rào cản lớn nhất trong nỗ lực đẩy lùi bại liệt ở Pakistan chính là… bóng ma Taliban. Nhóm khủng bố này cáo buộc tiêm chủng là hoạt động gián điệp trá hình và làm vô sinh các thế hệ người Hồi giáo. Trước đó, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) bí mật tổ chức hoạt động tiêm chủng giả nhằm lấy bằng được ADN của các thành viên gia đình trùm khủng bố Osama Bin Laden trong chiến dịch tập kích, giết chết Bin Laden hồi năm 2011. Năm 2012, Taliban ra lệnh cấm người dân Pakistan, nhất là ở khu vực Nam và Bắc Waziristan (nơi Taliban nắm quyền kiểm soát) tiêm ngừa bại liệt. Chúng thẳng tay giết hàng chục nhân viên y tế tham gia tiêm ngừa vắc-xin ngừa bại liệt ở Pakistan. Rõ ràng, chỉ vì mục đích riêng của mình, Taliban bất chấp mọi rủi ro đối với trẻ em vô tội cũng như cộng đồng.

Trẻ uống vắc-xin ngừa bại liệt ở Pakistan - Ảnh: Reuters

Không cực đoan và bất chấp hậu quả như Taliban nhưng quyết định của nhiều người dân Mỹ không cho con tiêm chủng bệnh sởi đã khiến ngành y tế nước này gần đây rơi vào khủng hoảng. Dịch sởi vốn được kiểm soát khá tốt ở Mỹ nhiều năm qua, nay đã quay trở lại sau vụ bùng phát dịch hồi tháng 12/2014 ở khu vui chơi Disneyland, bang California.

Theo thống kê của cơ quan chức năng California, đến nay đã có 130 ca nhiễm sởi ở bang này. Ngoài ra còn có các ca nhiễm ở một số bang lân cận và Mexico. Nếu trên toàn thế giới mỗi năm có trung bình 20 triệu ca nhiễm sởi thì ở Mỹ chỉ có 220 ca. Thế nhưng, chọn không tiêm vắc-xin đang dần trở thành “xu hướng ngược dòng” của nhiều gia đình hoặc địa phương khá giả, và đây là ngọn nguồn để dịch sởi quay lại sau khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt được dịch sởi (nghĩa là bệnh không xuất phát từ Mỹ) vào năm 2000.

Lý do một số người Mỹ “né” vắc-xin sởi là vì lo ngại con mình mắc chứng tự kỷ sau khi tiêm. Mối lo ngại này ngày càng lan rộng khi nhiều người (đa số có trình độ học vấn cao) bàn luận về những báo cáo khoa học gây tranh cãi, trong đó chỉ ra mối quan hệ giữa vắc-xin ngừa sởi và bệnh tự kỷ. Bác sĩ người Anh Andrew Wakefield là người khởi xướng luồng suy nghĩ trên bằng báo cáo công bố năm 1998. Báo cáo này cùng những tuyên bố tương tự đã khiến dịch sởi có cơ hội quay trở lại những nước phát triển, vốn đã ngăn ngừa thành công dịch bệnh. Năm 2011, bác sĩ Andrew Wakefield bị các cơ quan có thẩm quyền Anh tước giấy phép hành nghề.

Vắc-xin ngừa sởi bị một số ngườo đồn thổi cho là gây ra chứng tự kỷ ở trẻ - Ảnh: Guardian

Tin vào giả thiết mối liên hệ giữa vắc-xin và chứng tự kỷ là một trong những lầm tưởng mà nhiều phụ huynh mắc phải. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), còn có những quan niệm sai lệch khác đang chi phối suy nghĩ của phụ huynh, chẳng hạn một số người quan niệm vắc-xin là không cần thiết.

Trong khi đó, các loại virus có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, kể cả những nước phát triển, nơi người dân có ý thức cao trong việc bảo vệ sức khỏe. "Tiêm vắc-xin sớm cho trẻ là không phù hợp" cũng là suy nghĩ phổ biến khiến nhiều bố mẹ không cho con mình tiêm nhiều loại vắc-xin từ những năm đầu đời; dù các nhà khoa học đã thuyết phục rằng, vắc-xin chính là những “bài tập” thử thách thông thường với một đứa trẻ có sức khỏe ổn định. Một số người khác lại cho rằng vắc-xin không bảo đảm hiệu quả 100%. Điều này đúng nhưng không vì thế mà chúng ta từ bỏ trang bị cho mình và con cái một hệ thống phòng vệ vốn có tác dụng rất khả quan.

 ANH THÔNG

(Theo AP, Guardian, LiveScience)

www.phunuonline.com.vn

vắcxin, ngừa bại liệt


      © 2021 FAP
        194,917       433