Sức khỏe

Xử trí tai nạn thường gặp ngày Tết ở trẻ

PN - Những tai nạn ngày Tết thường gặp ở trẻ em sẽ ít gây nguy hiểm đến tính mạng nếu được chữa trị kịp thời và đúng cách. Đáng tiếc vẫn còn nhiều trường hợp người lớn thiếu kiến thức cơ bản

ThS­-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2) đã cảnh báo như vậy.

* Phỏng: đừng xử trí kiểu dân gian như đổ nước mắm, bôi kem đánh răng, đắp bùn đất… vì sẽ khiến bé bị nhiễm trùng nặng. Khi bé bị phỏng, hãy rửa sạch vết thương bằng nước trong vòng 10 - 15 phút, không cần băng bó, và đưa trẻ đến ngay trạm y tế gần nhất.

Để phòng ngừa, cha mẹ không nên nấu ăn hoặc đặt bình thủy dưới nền nhà. Không châm thêm dầu, cồn khi bếp đang cháy. Dây điện, công tắc điện phải thiết kế ngoài tầm với của trẻ.

* Uống nhầm hóa chất, thuốc tẩy rửa: Do nhiều gia đình thường đựng những loại nước tẩy rửa trong bình sữa tươi, chai nước khoáng đã qua sử dụng. Khi phát hiện bé uống nhầm các thứ nước độc hại này, cần nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi bao tử trẻ, bằng cách nhẹ nhàng kích thích vùng phản xạ nôn ói ở yết hầu, cổ họng. Sau đó, cho trẻ uống nước, rồi cố gắng kích thích trẻ ói thêm lần nữa. Tuy nhiên, nếu trẻ uống nhầm loại chất gây ăn mòn như acid thì không nên gây ói, dễ làm chảy máu. Tại nhà hoặc ở trạm y tế, nếu có than hoạt tính thì pha theo tỷ lệ 4/1: 4 nước, 1 than, 10g than hoạt tính cho 1kg cân nặng cho trẻ uống. Nhằm phòng những trường hợp xấu xảy ra, cha mẹ nên để những chai nước tẩy rửa, hóa chất, xăng dầu lên cao. Ngoài vỏ chai nên ghi rõ tên loại nước đựng bên trong để người lớn không bị nhầm lẫn.

* Chảy máu mũi: thường xảy ra với trẻ nhỏ, do các mạch máu trong mũi rất mỏng, dễ tổn thương. Phụ huynh chỉ cần cho bé nằm yên, dùng bông gòn cầm máu là ổn. Nhưng nếu bé bị chảy máu nhiều lần trong ngày, kéo dài một - hai tuần thì rất nguy hiểm. Cần đưa trẻ đi khám để phát hiện nguyên nhân có thể do u xơ mũi hầu, rách mạch, viêm mũi…

* Nghẹt thở do nuốt dị vật: Đậu phộng, hạt sa pô chê, hạt dưa, pin đồng hồ… thường bị mắc kẹt ở phế quản, làm trẻ ho, khó thở, mặt chuyển sang đỏ, nhạt dần, chuyển sang trắng, rồi xanh. Nếu trẻ lớn hơn hai tuổi, phụ huynh có thể áp dụng thủ thuật Heimlich: đứng sau lưng trẻ, hai tay ôm thắt lưng trẻ, một tay làm thành quả đấm đặt ở vùng thượng vị, một bàn tay chồng lên, ấn mạnh và nhanh: trước - sau, dưới - lên, lặp lại sáu - mười lần. Hoặc đặt lòng bàn tay thứ nhất lên vùng thượng vị, bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất, ấn mạnh và nhanh cả bụng dưới và trên, lặp lại sáu - mười lần.

Nếu trẻ chưa đến hai tuổi thì dùng biện pháp vỗ lưng, ấn ngực. Vỗ lưng bằng cách để trẻ nằm sấp, đầu thấp, cánh tay thả lỏng. Vỗ mạnh lưng giữa hai xương bả vai. Ấn ngực bằng cách lật ngửa trẻ, ấn xương ức dưới nối hai vú. Sau đó phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, tìm mọi cách đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên dùng tay để cố lấy dị vật ra khỏi cổ họng, hoặc dốc ngược trẻ, rất nguy hiểm vì nghẹt thở do dị vật làm tắc nghẽn cổ họng, trẻ bị nôn mửa, dịch vị dễ vào đường phổi, gây viêm phổi. Cha mẹ không nên cho con tự ăn đậu phộng, sa pô chê, dưa hấu và những trái cây có hạt khác khi bé chưa đến bốn tuổi. Nếu trẻ thích, phải được người lớn đút ăn và theo dõi kỹ lưỡng.

Nguy hiểm nhất là nuốt pin đồng hồ, có thể làm phỏng thực quản trong vòng 60 phút. Bé T.T.H. (12 tháng tuổi, ở Long An), sau khi cho pin vào miệng, đã bị chất độc của pin đã lan nhanh do có dịch vị. May là người nhà đưa bé đi cấp cứu kịp thời.

Khi nuốt dị vật, trẻ thường có triệu chứng nhịn ăn liên tục. Trường hợp dị vật bị mắc kẹt trong phế quản từ vài ngày trước, cơ thể sẽ có phản ứng bằng cách xuất hiện vết viêm. Lúc này việc lấy dị vật sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Một bé 15 tháng, nhà ở Q.12, TP.HCM nuốt phải một vật quá nhỏ, cha mẹ không hay cho đến khi bé bị viêm phế quản mạn tính, bác sĩ mới phát hiện được.

* Điện giật: khi trẻ bị điện giật, người nhà phải nhanh chóng ngắt cầu dao điện. Dùng khăn lông hoặc mền kéo trẻ ra khỏi nguồn điện. Nếu trẻ bị ngất, phải làm hô hấp nhân tạo và nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu. Để đề phòng, những ổ điện vừa tầm với của trẻ trong nhà cần bịt kín bằng băng keo chuyên dùng.

* Chấn thương sọ não: Nếu có trẻ nhỏ, phụ huynh cần làm rào chắn cầu thang, cất gọn những chiếc ghế vừa tầm với của trẻ, tránh chuyện nghịch phá. Nếu trẻ té ngã, đập đầu, bất tỉnh, có thể nghi ngờ bị chấn thương não, phải đưa đi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Nếu trẻ té nhưng vẫn còn tỉnh, không bị chảy máu, cần theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng bốn - sáu tiếng, nếu có ói mửa, nhức đầu, lơ mơ, cần đưa đi cấp cứu ngay.

Đã có nhiều trường hợp đau lòng khi trẻ bị té ngã vào đêm giao thừa, gia đình không đưa đến bệnh viện ngay, chần chừ đợi sang mùng Một, mùng Hai “để ăn xong cái Tết”, khiến trẻ tử vong.

 KHÁNH THỦY

www.phunuonline.com.vn

chăm sóc bé, tai nạn ở trẻ nhỏ, xử trí tai nạn, trẻ nuốt dị vật, điện giật


      © 2021 FAP
        201,897       1,105