PN - Phần lớn các dị tật ở thai nhi không rõ nguyên nhân và trong rất nhiều trường hợp đều không thể ngăn ngừa được.
Sau đây là một số bí quyết có lợi cho sự phát triển về thể chất của thai nhi mà các mẹ bầu nên tham khảo.
1. Bổ sung 400 mcg a-xít folic mỗi ngày
A-xít folic giúp ngăn chặn những dị tật ở ống thần kinh của thai nhi, vốn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của não và cột sống. Loại a-xít này còn giảm nguy cơ mắc các dị tật khác như sứt môi hoặc những khiếm khuyết ở tim của thai nhi. Đối với người mẹ, việc bổ sung đầy đủ a-xít folic làm giảm nguy cơ mắc chứng cao huyết áp trong giai đoạn mang thai.
Nếu có kế hoạch mang thai hoặc thậm chí chỉ cần có suy nghĩ về vấn đề này, bạn cần bổ sung cho cơ thể khoảng 400 mcg a-xít folic mỗi ngày, vì những dị tật ở ống thần kinh thường xuất hiện trong 28 ngày đầu tiên- kể từ thời điểm thụ thai và tiếp tục uống bổ sung a-xít này trong suốt 12 tuần đầu tiên của thai kỳ.
Những nguồn cung cấp a-xít folic tự nhiên gồm có các loại rau có lá, các loại quả hạch, đậu, bột ngũ cốc…
Lưu ý là ngay cả khi đã ăn nhiều những thực phẩm nêu trên thì việc uống thêm thuốc bổ cung cấp a-xít folic vẫn rất cần thiết.
2. Từ bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá trong lúc mang thai có thể dẫn tới hệ quả nguy hiểm như thai lưu, dị tật thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch… Hút thuốc lá thụ động cũng là mối nguy hại cho sức khỏe của các thai phụ lẫn em bé trong bụng.
3. Tìm hiểu về các loại vắc-xin cần chích
Có rất nhiều loại vắc-xin an toàn và được khuyên dùng đối với phụ nữ mang thai. Chúng giúp phòng tránh được những căn bệnh viêm nhiễm có thể gây dị tật cho thai nhi. Tiêm vắc-xi đúng trong lúc có thai là cách để bảo vệ sức khỏe cho cả hai mẹ con.
Vắc-xin cần thiết cho các mẹ bầu là: vắc-xin phòng bệnh berulla, ngừa cúm nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm cúm - vốn rất có hại cho sức khỏe của các bà bầu. Loại vắc-xin này có thể giúp bạn đỡ lo lắng về việc bị nhiễm vi-rút cúm trong suốt 6 tháng.
Ngoài ra, bạn còn cần tiêm một số loại vắc-xin khác tùy thuộc vào thời gian mang thai. Do đó, hãy tham khảo các bác sĩ sản khoa khi có ý định mang thai để có được những ý kiến tư vấn tốt nhất.
4. Không tiêu thụ chất cồn
Nếu nạp thức uống có chứa chất cồn trong lúc đang mang thai, thai nhi cũng sẽ tiêu thụ loại chất độc này. Lượng chất cồn trong máu của bạn sẽ xâm nhập vào thai nhi thông qua cuống rốn. Không có một giới hạn an toàn nào về lượng chất cồn tiêu thụ cũng như thời gian có thể uống nếu như bạn đang mang thai. Tất cả mọi chất cồn, bao gồm cả rượu vang lẫn bia đều có khả năng gây nguy hiểm cho em bé của bạn.
Tiêu thụ chất cồn khi bầu bí có thể gây sẩy thai, thai chết lưu cùng với một số khiếm khuyết vĩnh viễn về thể chất, hành vi và những hạn chế về trí óc của thai nhi. Vì vậy, hãy ngưng uống ngay những thứ có chất cồn khi bạn có ý định sinh em bé.
5. Tự bảo vệ mình khỏi những bệnh viêm nhiễm
Một số căn bệnh viêm nhiễm xảy ra trong giai đoạn mang thai có thể ảnh hưởng đến em bé chưa chào đời của bạn và gây ra những dị tật cho bé. Bạn có thể ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm bằng những cách rất đơn giản như rửa tay thường xuyên, nấu chín kỹ các món ăn có thịt, tránh tiếp xúc với những người đang bị mắc các bệnh viêm nhiễm và duy trì vệ sinh cá nhân.
6. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa thường xuyên
Việc thăm khám bác sĩ sản khoa khi bắt đầu có kế hoạch mang thai là điều nên làm để bạn được tư vấn sớm về mọi vấn đề cần chuẩn bị cho thai kỳ. Ngoài ra, đừng bỏ lỡ những lần khám thai định kỳ để kiểm tra tình hình phát triển của thai nhi, cũng như kịp thời phát hiện những dị tật có thể nhận biết được thông qua việc thăm khám chuyên khoa.
7. Duy trì trọng lượng cơ thể lành mạnh trước khi mang thai
Những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể từ 30 trở lên (được tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao) trước lúc mang thai sẽ phải đối mặt với nguy cơ rắc rối về sức khỏe trong lúc mang thai cao hơn bình thường. Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây ra dị tật ở thai nhi.
Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì và đang có kế hoạch sinh em bé, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để giảm cân.
HỒNG XUÂN
(Theo Healthmeup.com)
bà bầu, mang thai, phòng ngừa, dị tật, thai nhi, khuyết ống thần kinh