Sức khỏe

Phòng ngừa viêm xương khớp

PNO - Hầu hết mọi người đều cho rằng, bệnh viêm xương khớp thường “tấn công” các bệnh nhân tuổi già. Tuy nhiên, hơn ½ số người được chẩn đoán mắc bệnh này lại có độ tuổi dưới 65, các chuyên gia y tế Mỹ cho biết.


Ảnh: flickr.com

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), có khoảng 120 bệnh khớp (thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp mạn tính thiếu niên, viêm cột sống dính khớp, đau dây thần kinh tọa, gút…). Trong đó, hai bệnh phổ biến nhất là viêm khớp dạng thấp chiếm 0,3 - 1% dân số thế giới, còn thoái hóa khớp xuất hiện ở 9,6% nam giới và 18% phụ nữ trên 60 tuổi; 80% những người bị thoái hóa khớp gặp khó khăn khi vận động và 25% không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Theo các chuyên gia y tế Mỹ, cơ thể bị lão hóa cùng với các yếu tố môi trường ô nhiễm, lao động nặng nhọc, thời tiết thất thường, chấn thương… là những nguyên nhân làm cho phần sụn khớp bị lão hóa, khiến các khớp xương hoạt động không còn trơn tru. Càng lớn tuổi, các chất sụn này càng bị mài mòn, đầu khớp thiếu chất đệm sẽ cọ vào nhau, gây ra chứng đau nhức và dẫn tới bệnh đau nhức xương khớp ở mọi người.


Ảnh: flickr.com

Khi bệnh mới khởi phát, cơn đau chỉ xuất hiện ở một vài khớp, thường giảm đi nếu người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh có thể đau nhiều khớp cùng lúc hoặc toàn thân, đau khi cử động nhẹ và không dứt dù được nghỉ ngơi. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn tới tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.


Ảnh: flickr.com

Mặc dù quá trình lão hóa và các yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm xương khớp, nhưng thực hiện lối sống lành mạnh cũng có những tác động tích cực đến việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.

• Luyện tập thể thao

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Mỹ) khuyến cáo, luyện tập thể thao là một trong những cách làm tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm xương khớp. Bạn chỉ cần bỏ ra khoảng từ 20 – 30 phút để vận động cơ thể nhẹ nhàng là sẽ thu lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.


Ảnh: flickr.com

Một số môn thể thao được các chuyên gia khuyến cáo tập luyện gồm đi bộ, chạy bộ, yoga (giúp khớp xương được bôi trơn và dẻo dai hơn), tập tạ với trọng lượng vừa phải sẽ giúp duy trì khối lượng xương và cơ bắp khỏe mạnh. Trong khi đó, bạn nên hạn chế chơi các môn thể thao va chạm mạnh như bóng đá, bóng rổ vì có thể gây ra các vấn đề xấu đối với xương của bạn.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Y tế dự phòng Mỹ cho biết thêm, chạy bộ mỗi ngày ở lứa tuổi trung và cao niên sẽ có tác dụng tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật rất hiệu quả.


Ảnh: flickr.com

• Ăn uống lành mạnh

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ, thịt cá, trái cây, sữa tươi và các loại hạt làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp nhiều lần. Do đó, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học này ngay từ bây giờ để giữ cho xương chắc khỏe và hạn chế các triệu chứng tiêu cực có thể xảy ra khi “tuổi về chiều”.


Ảnh: flickr.com

• Kiểm soát trọng lượng

Theo các chuyên gia y tế Mỹ, những người béo phì thường có tỷ lệ phát triển bệnh viêm xương khớp gối cao gấp 4 lần so với người thường. Điều này xảy ra chủ yếu là do hai nguyên nhân: trọng lượng dư thừa sẽ tạo nhiều áp lực lên các khớp; cơ thể mập mạp thường hoạt động nặng nề hơn so với mức bình thường.

Nếu bạn cảm thấy việc giảm cân là quá khó, hãy cố gắng kiên trì thay đổi các thói quen xấu dần dần. Ví dụ, nên hạn chế tiêu thụ calo, thịt mỡ động vật, chất ngọt và bia rượu.

Ngoài ra, bạn cũng nhớ vận động cơ thể mỗi ngày để đốt cháy lượng mỡ thừa – vốn được xem là không có lợi cho sức khỏe.


Ảnh: flickr.com

• Dưỡng chất cần hấp thụ

Canxi: rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương, giúp xương chắc khỏe mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế tiêu thụ các chất làm giảm sự hấp thụ canxi như bia rượu, caffeine và trà.


Ảnh: flickr.com

Axít béo Omega-3: đã được chứng minh là có khả năng làm giảm viêm ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Cá hồi, hạt lanh, óc chó, dầu ô liu và quả bơ là nguồn cung cấp tốt nhất của axít béo omega-3.


Ảnh: flickr.com

Vitamin D và C: hỗ trợ đắc lực trong việc hấp thụ canxi và giảm sưng viêm khớp. Bạn có thể hấp thụ vitamin D từ các loại sữa chua hoặc tắm nắng sớm mai, đồng thời tích cực ăn cam, chanh, quýt, bưởi, xoài và ớt chuông để hấp thụ vitamin C cho cơ thể.


Ảnh: flickr.com

• Uống nhiều nước

Nước chiếm 70% cấu tạo của phần sụn trong khớp xương, sụn đóng vai trò quan trọng trong việc bôi trơn và giúp khớp xương hoạt động tốt hơn. Nếu thiếu nước, xương rất dễ bị thoái hóa, tạo nên các cơn đau khó chịu. Điều quan trọng là bạn cần phải uống nhiều nước mỗi ngày để cơ thể được thủy hợp tốt, các cơ quan nội tạng hoạt động tốt và xương được bảo vệ hiệu quả hơn.


Ảnh: flickr.com

• Tránh hút thuốc lá

Khói thuốc lá khi hít vào cơ thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp.

Đối với những người đã mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, hút thuốc lá cũng sẽ khiến các biến chứng của bệnh diễn ra theo chiều hướng xấu hơn. Vì vậy, bạn cần phải từ bỏ thói quen hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho chính mình.


Ảnh: flickr.com

ĐÌNH HUỆ

(Theo sheknows&healingwell.com)

www.phunuonline.com.vn

xương khớp, phòng ngừa đau xương khớp, chữa đau khớp


      © 2021 FAP
        203,029       500