Sức khỏe

Truyền máu giết người

PN - Chín năm chiến đấu với những cơn đau thể xác đến tột cùng, cậu bé 12 tuổi người Pakistan Waqas Mehmood vẫn hi vọng ngày mai thức dậy, mình còn được thấy những người thân yêu.

Waqas và cha - Ảnh: Reuters

Năm Waqas ba tuổi, em bị một trận ốm nặng vì bệnh sởi. Bố em, ông Nusrat Mehmood khi ấy đưa em đến một bệnh viện ở Karachi. Bác sĩ trực tiếp thăm bệnh đã yêu cầu truyền máu cho em từ nguồn dự trữ có sẵn chứ không phải máu do người thân của Waqas hiến tặng. Không ngờ tai họa đổ ập xuống số phận của Waqas. Chỉ hai năm sau khi được truyền máu, sức khỏe Waqas sút giảm nghiêm trọng. Em liên tục đổ bệnh. Những dấu hiệu bị nhiễm HIV bắt đầu xuất hiện như sốt phát ban, nhức đầu, đau cơ khớp, thường xuyên mệt mỏi không rõ nguyên nhân, giảm cân liên tục…

Ngay sau đó, cậu bé được chuyển đến Viện Khoa học y khoa Pakistan để được theo dõi, điều trị. Ông Nusrat và không một ai trong gia đình chấp nhận được kết quả xét nghiệm này. Waqas còn ba người anh em nữa, và không ai trong số đó nhiễm HIV.

Thời điểm đó, ông Nusrat Mehmood bắt đầu nghỉ hưu, gia đình phải dồn tiền để lo cho Waqas nên không đủ điều kiện để kiện cáo bệnh viện đã truyền máu cho em.

Waqas chỉ là một trong số hàng ngàn trẻ em ở Pakistan được truyền máu và phần lớn nguồn máu này không được kiểm tra kỹ lưỡng. Liên đoàn y tế chuyên về chứng thiếu máu ở Pakistan, cuối tuần qua vừa thông báo tin động trời khi 10 trẻ đã bị dương tính với HIV. Các em là những đứa trẻ trong số 50.000 người mắc chứng thiếu máu ở Pakistan, thường xuyên được truyền máu mỗi tháng. Hơn nữa, Pakistan còn khoảng 250.000 bệnh nhân có vấn đề về thận cần được truyền máu.

Một bé gái Pakistan mắc chứng thiếu máu được truyền máu tại một trung tâm y tế tại thành phố Peshawar của Pakistan - Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia y tế đầu ngành của Pakistan thì trường hợp của Waqas và 10 bệnh nhân trên (vốn tiếp nhận máu tại nhiều trung tâm khác nhau) chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm. Không ai có thể tưởng tượng được hậu quả từ việc truyền máu mà chất lượng máu không đảm bảo. Hiện số ca nhiễm HIV được xác nhận ở Pakistan là 100.000 người và con số này đang có dấu hiệu ngày càng tăng.

Theo luật pháp Pakistan, mọi nguồn máu được truyền cho người khác đều phải qua nhiều xét nghiệm, nhưng thực tế việc tiếp nhận máu hiến tặng rất cẩu thả. Hầu hết các ngân hàng máu ở Pakistan không thuộc sự quản lý của nhà nước nên chất lượng bị thả nổi. Bác sĩ Javed Akram, Phó chủ tịch Viện Khoa học y khoa Pakistan cho biết, 20% bệnh nhân bị chứng thiếu máu đã nhiễm viêm gan C và 1% nhiễm HIV sau khi được truyền máu “bẩn”. Ông Javed Akram nói thêm, hiện có rất nhiều tổ chức hỗ trợ nguồn máu cho người bệnh, nhưng vì chạy theo thành tích, họ chỉ quan tâm đến số lượng bệnh nhân được truyền máu chứ chưa chú trọng chất lượng máu. Vì chỉ có 5% người dân Pakistan tình nguyện hiến máu nên các tổ chức “nhắm mắt” mua máu của những con nghiện và số này có khi chiếm phần lớn nguồn máu cung cấp cho bệnh nhân.

Một bé trai bị chứng thiếu máu được truyền máu tại một trung tâm y tế tại thành phố Peshawar của Pakistan - Ảnh: New York Times

Theo bác sĩ Javed Akram, Chủ tịch Viện Khoa học y khoa Pakistan, mỗi bệnh nhân có nhu cầu truyền máu thường phải đến ít nhất tám địa điểm mới có đủ nguồn máu họ cần. Vì thế, rất khó xác định bệnh nhân bị lây bệnh từ ai, ở đâu. Hơn nữa, chính phủ không hề có chương trình kiểm tra máu đối với những bệnh nhân từng được truyền máu. Nếu có, các trung tâm cũng chỉ dùng những bộ kiểm tra rẻ tiền mà khả năng cho kết quả chính xác… ở mức 30%. Không ai, không cơ quan nào của chính phủ Pakistan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động cho và nhận máu.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Javed Akram nói: “Các tổ chức phi chính phủ và cơ quan chức năng cần tìm cách hiệu quả nhất trong quản lý việc truyền máu cứu người, thay vì truyền máu giết người như hiện nay”.

 THIÊN ANH

(Theo New York Times, DAWN, Fox News)

www.phunuonline.com.vn

Pakistan, HIV, Waqas Mehmood, Peshawar, truyền máu giết người, ngân hàng máu


      © 2021 FAP
        203,028       515