Sức khỏe

Bệnh gút và tòng phạm

PNCN - Nhận kết quả xét nghiệm “tăng acid uric”, không ít người liên tưởng ngay đến bệnh gút. Thực tế acid uric không chỉ có bệnh gút, mà nó là “bản nhạc dạo đầu”

 PV: Xin BS cho biết, ở Việt Nam, tần suất xuất hiện bệnh gút có cao lắm không?

BS Lương Lễ Hoàng: Quan niệm bệnh gút là bệnh phổ biến ở xứ lạnh, ở người “mạnh miệng” với rượu bia, ở nam giới cao tuổi đã từ lâu không còn chính xác. Bởi, hiện bệnh gút đang chiếm tỷ lệ rất cao ở nước ta, nếu so với những thống kê được thực hiện ở các nước khác thì quá cao. Đáng nói hơn nữa là bệnh được ghi nhận ở người còn rất trẻ, nam nữ như nhau, ngay cả đối tượng không hề nhậu nhẹt, thậm chí cả người ăn chay trường. Lý do: bên cạnh chuyện bia bọt, thịt mỡ, còn nhiều nhân tố khác như bệnh hoại huyết, bệnh nội tiết, những sai lầm về dinh dưỡng… khiến lượng acid uric vượt quá định mức bình thường.

* Tại sao acid uric trong cơ thể lại tăng?

- Acid uric là phế phẩm từ tiến trình thoái biến chất đạm thuộc nhóm purin. Phản ứng này luôn xảy ra trong cơ thể. Nói cách khác, acid uric phải có trong máu, miễn là đừng cao. Tăng acid uric thường do “đầu vào” quá nhiều, như hậu quả của thịt mỡ, rượu bia…; hoặc do “đầu ra” quá ít, chẳng hạn vì bệnh thận nên acid uric không được bài tiết đúng mức; hoặc do đoạn giữa, như trường hợp bị bệnh nội tiết, chẳng hạn bệnh tiểu đường.

* Ngoài bệnh gút, tăng acid uric còn gây bệnh nào khác?

- Lượng acid uric trong máu quá cao và quá lâu dẫn đến hậu quả là chất này kết tủa thành tinh thể, đóng cứng trong khớp và gây cơn đau được thầy thuốc mô tả là còn tàn nhẫn hơn dao cắt ngang khớp. Không chỉ tấn công vào khớp, acid uric tăng cao còn có thể dẫn đến các bệnh như: viêm da, viêm thận, đau đầu, mất ngủ và nhất là tình trạng mệt mỏi triền miên.

* Thông thường, hễ nghe bệnh gút thì “trăm dâu đổ đầu bia rượu”. Điều này có đúng không?

- Còn nhiều món khác làm tăng acid uric không kém rượu bia như thịt mỡ, các món xông khói, hải sản, nội tạng, bạc hà trong món canh chua và thói quen lạm dụng thuốc sủi bọt vì vô tình cản trở tiến độ bài tiết acid uric qua nước tiểu.

* Vậy việc điều trị tăng acid uric có khó không?

- Dễ mà khó. Dễ vì không thiếu thuốc đặc hiệu để hạ acid uric trong máu. Khó chính ở chỗ làm sao để bệnh nhân sau đợt điều trị chịu thay đổi nếp sinh hoạt như kiêng cữ rượu bia, uống đủ nước trong ngày, đừng nín tiểu trong giờ làm việc, tránh các món ăn tăng acid uric và giải độc định kỳ cho cơ thể bằng trà, thuốc lợi tiểu.

* Không ít bệnh nhân có khuynh hướng dùng Đông dược để điều trị bệnh gút. Chuyện này đúng sai, lợi hại thế nào?

- Không sai nếu dùng Đông dược để điều trị bệnh gút đúng bài bản. Bên cạnh đó, thầy thuốc y học cổ truyền cần chẩn đoán, theo dõi và đánh giá bệnh tình bằng tiêu chí khách quan thực nghiệm.

* BS có lời khuyên nào cho bệnh nhân và những người còn khỏe?

- Đợi đến đau khớp mới tá hỏa nghĩ đến bệnh gút thì thường quá trễ. Nên tầm soát lượng acid uric trong máu định kỳ, cho dù thấy khỏe. Đây là điều nên làm, vì trị bệnh khi bệnh chưa bộc phát bao giờ cũng đơn giản hơn “nước đến chân mới nhảy”. Đã mắc bệnh gút thì chân cẳng muốn “cà nhắc” cũng không xong, nói chi tới đi đứng, nhảy nhót!

 Phương Nam (thực hiện)

www.phunuonline.com.vn

bệnh gút, trị bệnh gút, cách phòng ngừa bệnh gút


      © 2021 FAP
        194,420       763