PNCN - TS-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Hậu sản M, Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM cho biết, gần đây, phòng khám BV Từ Dũ có những bé gái mới lớn,
Theo TS Thu Hà, môi trường âm đạo (ÂĐ) không vô trùng, mà luôn có sự tồn tại giữa các nhóm vi khuẩn có ích và gây hại, đa số là nhóm Lactobacilli, tạo nên môi trường axít cho ÂĐ. Khi môi trường này bị mất cân bằng, lượng Lactobacilli sụt giảm và các vi khuẩn gây hại chiếm ưu thế, sẽ xảy ra sự viêm nhiễm phụ khoa.
Nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng vi sinh từ bên ngoài, hay nhiễm giun sán từ đường tiêu hóa, hoặc do bẩm sinh truyền từ mẹ sang. Với những chị em bị bệnh phụ khoa ở tuổi trưởng thành (dù chưa quan hệ tình dục), đa số là do các tác nhân vi sinh, nấm Candida, tạp trùng và các tác nhân lây qua đường tình dục (nếu dùng chung đồ hoặc tiếp xúc với dịch tiết với người bị bệnh…).
Vậy, nhóm bệnh phụ khoa nào mà các bé gái và phụ nữ chưa quan hệ tình dục dễ mắc nhất?
Viêm âm hộ - âm đạo: Bệnh phát triển do nhiễm nấm và tạp trùng, nhiều nhất là viêm nhiễm do nấm Candida. Nguồn lây nhiễm có thể qua giấy vệ sinh, chậu rửa… Nhiều nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ phải dùng thuốc kháng sinh kéo dài, mặc quần áo chật, không thích hợp, trong môi trường nóng ẩm, hoặc bị rối loạn do mắc bệnh tiểu đường, thiếu máu mãn tính có nguy cơ bị mắc nấm Candida cao.
Tuy nhiên, việc bị viêm ÂĐ hay không còn phụ thuộc vào môi trường ÂĐ của từng người. Khi bị nhiễm loại nấm này, bệnh nhân sẽ thấy ngứa ÂĐ, khí hư lỏng, thậm chí vón cục như váng sữa, ÂĐ bị viêm đỏ, ngứa rát. Để chẩn đoán nhiễm nấm Candida, ngoài khám lâm sàng, bác sĩ còn phải dựa vào xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, các mảng bám… Bệnh này rất dễ tái phát nếu bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tùy vào từng độ tuổi, hoàn cảnh, bác sĩ sẽ cho loại thuốc phù hợp.
Viêm nhiễm phụ khoa do tạp trùng: Là loại viêm do tạp khuẩn, khi sự cân bằng bình thường của vi khuẩn trong ÂĐ bị phá vỡ và có một số sự tăng sinh của các vi khuẩn có hại. Với những phụ nữ có quan hệ tình dục thì nguyên nhân bị viêm nhiễm ÂĐ do tạp trùng có thể do các biện pháp vệ sinh không đúng như thụt rửa ÂĐ hoặc quan hệ tình dục không được bảo vệ. Với phụ nữ chưa quan hệ tình dục, nguyên nhân viêm nhiễm ÂĐ do tạp trùng nhiều khi rất đơn giản, chẳng hạn do rửa nước vệ sinh phụ nữ quá nhiều, dẫn tới tiêu diệt luôn những vi khuẩn có lợi trong ÂĐ, khiến môi trường ÂĐ bị mất cân bằng… Dấu hiệu khi bị viêm nhiễm ÂĐ do tạp trùng thường là dịch tiết ÂĐ bất thường, có mùi khó chịu, hoặc bệnh nhân cảm thấy ngứa, ÂĐ bị kích thích.
Nếu bệnh nhiễm khuẩn ÂĐ không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh khác của đường sinh dục cao hơn như bệnh viêm vùng chậu do Chlamydia hoặc bệnh lậu. Nhiễm khuẩn ÂĐ còn liên quan đến quá trình chuyển dạ và sinh non ở phụ nữ mang thai và sinh con nhẹ cân ở trẻ sơ sinh.
Điều trị bệnh nhiễm khuẩn ÂĐ hay viêm nhiễm ÂĐ do tạp trùng không khó, chỉ cần bệnh nhân đi khám và tuân thủ uống thuốc.
Viêm nhiễm do ký sinh trùng: Viêm phụ khoa do ký sinh trùng đường ruột như giun sán thường gặp ở các bé gái. Chẳng hạn, khi bị nhiễm giun kim, trẻ thường ngứa ngáy, hay gãi. Đồng thời, giun kim rất hay chui từ hậu môn lên ÂĐ gây viêm nhiễm. Với các trường hợp này, cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho bé mà hãy đưa đi khám để bác sĩ cho thuốc bôi và uống thuốc tẩy giun.
BS Lê Thị Thu Hà cảnh báo, tình trạng viêm nhiễm vùng kín lâu ngày không được chữa trị thích hợp có thể lan từ âm hộ - ÂĐ đến cổ tử cung, niêm mạc tử cung, hai ống dẫn trứng, buồng trứng, dẫn tới nguy cơ vô sinh. Chính vì thế, các chị em dù chưa có gia đình nhưng thấy các dấu hiệu ra nhiều khí hư, ngứa, rát bất thường ở vùng kín, khí hư có mùi hôi, màu sắc khác thường, tiểu gắt, đau bụng dưới thì phải đi khám ngay.
Viêm nhiễm ÂĐ không khó chữa, nhưng nếu để lâu ngày, bệnh sẽ biến chứng phức tạp, dẫn tới hậu quả khôn lường.
Trâm Anh
bệnh phụ khoa, bé gái cũng mắc bệnh phụ khoa, ngứa âm đạo, ngứa vùng kín, viêm nhiễm vùng kín