PNCN - Tôi năm nay 30 tuổi, lập gia đình đã ba năm, không dùng biện pháp ngừa thai nào nhưng vẫn chưa có con. Tôi đã đi khám nhưng không tìm ra nguyên nhân
Hà Nhung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Ảnh minh họa: internet
- Trong các biện pháp điều trị vô sinh, bơm TT vào buồng tử cung (IUI) hiện là kỹ thuật được chọn lựa hàng đầu cho các trường hợp vô sinh chưa rõ nguyên nhân (đây là nhóm đối tượng chiếm 10-20% số người đến khám hiếm muộn-vô sinh). Các bệnh nhân có rối loạn phóng noãn thường được xem là nhóm có cơ hội thành công cao nhất với IUI. Ngoài ra, IUI còn có thể được chỉ định cho các bệnh nhân bất thường TT nhẹ, lạc nội mạc tử cung.
IUI là một kỹ thuật đơn giản, chi phí điều trị thấp, an toàn cao, tỷ lệ thành công ở mức chấp nhận được. Một chu kỳ điều trị bằng IUI bao gồm ba bước: kích thích buồng trứng, lọc rửa TT và bơm TT vào buồng tử cung. Hiệu quả kích thích buồng trứng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ. Lọc rửa TT là bước không thể thiếu trong quy trình điều trị, phải được thực hiện ở bệnh viện đa khoa (có khoa sản) hay chuyên khoa phụ sản với đầy đủ trang thiết bị và nhân sự, nhằm đảm bảo tính an toàn cho kỹ thuật. Kết quả kỹ thuật bơm TT phụ thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ.
Bản chất của IUI là đưa TT sau khi đã lọc rửa vào lòng tử cung, nơi gần với vị trí của noãn hơn âm đạo. Tuy nhiên, sau đó TT vẫn phải di chuyển đến 1/3 ngoài của vòi trứng và tự thụ tinh với noãn, sau khi có hiện tượng phóng noãn. Do đó, để có thể đạt cơ hội thành công cao, IUI thường được thực hiện khi bệnh nhân có các yêu cầu sau: ít nhất một vòi trứng, TT bình thường hay bất thường nhẹ, dự trữ buồng trứng bình thường, tuổi dưới 40.
ThS Đặng Quang Vinh (Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM)
tinh trùng, chữa hiếm muộn, bơm tinh trùng vào buồng tử cung