PNO - Sổ mũi là triệu chứng bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể là biểu hiện của những căn bệnh về đường hô hấp thông thường hoặc
Do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên trẻ thường bị sổ mũi, ho khi thời tiết thay đổi. Ảnh minh họa: internet
Vì sao trẻ dễ bị sổ mũi?
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển chưa hoàn thiện nên không đủ sức đến “chiến đấu” với những tác nhân gây viêm nhiễm từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là lúc thời tiết thay đổi thất thường.
Khi chơi đùa, sinh hoạt hàng ngày, trẻ lại chưa ý thức được việc giữ vệ sinh, thường xuyên đưa tay bẩn vào miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi-rút hay bụi bẩn xâm nhập bên trong và cư trú tại màng nhày ở mũi thông qua đường thở.
Cách phân biệt trẻ bị sổ mũi do mắc bệnh về đường hô hấp và do dị ứng
Nếu mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm, cúm, viêm họng hay viêm phế quản…, sổ mũi là một trong những triệu chứng đầu tiên đi kèm với tình trạng khàn tiếng, hắt hơi, ho, đau họng (trẻ bú ít, lười ăn)… Dịch mũi khi mới chớm bệnh (trong 1, 2 ngày đầu) thường trong, loãng và ít. Dần dần, dịch mũi chảy nhiều và đặc sệt lại. Nếu bị viêm nhiễm nặng, dịch sẽ có màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi vì chứa nhiều nước nhầy và vi khuẩn.
Vi khuẩn phát triển càng nhiều thì lượng dịch mũi càng tăng vì cơ thể phản ứng lại tình trạng viêm nhiễm bằng cách tiết ra nhiều dịch nhầy với mục đích tống đẩy vi khuẩn ra khỏi “nơi cư trú”. Do đó, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, dịch mũi sẽ chảy xuống họng gây viêm họng hoặc chảy vào tai gây ra bệnh viêm tai giữa. Chất nhầy còn có thể được tiết ra trên mắt dưới dạng ghèn.
Trong khi đó, nếu có cơ địa dị ứng, trẻ thường có biểu hiện sổ mũi khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng. Đây là một phản ứng của cơ thể nhằm loại trừ các nguy cơ dị ứng ra khỏi cơ thể. Ngoài sổ mũi, trẻ sẽ bị ngứa rát trên da hoặc ở mũi. Nguyên nhân gây dị ứng có thể là do phấn hoa, lông vật nuôi hay bụi bẩn trong không khí xâm nhập vào đường thở... Dịch mũi ở những trường hợp bị dị ứng thường trong, lỏng, không có dấu hiệu viêm nhiễm.
Một số biện pháp trị sổ mũi cho trẻ tại nhà
Nếu tình trạng sổ mũi ở mức độ nhẹ, chưa bị viêm nhiễm nặng, bạn có thể áp dụng những phương pháp chữa bệnh đơn giản nhưng an toàn cho sức khỏe của bé dưới đây.
1. Vệ sinh mũi bằng nước muối
Giữ sạch mũi cho bé là một yêu cầu quan trọng nếu muốn giải quyết dứt điểm tình trạng sổ mũi kéo dài vì sự tích tụ của dịch mũi (vốn chứa nhiều vi khuẩn) sẽ khiến bệnh nặng hơn và kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Bạn nên mua các loại dung dịch vệ sinh mũi (nước muối biển) dạng chai xịt dành riêng cho trẻ em và thao tác theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì. Hoặc bạn tự pha nước muối ấm bằng cách cho khoảng 30g muối vào 400ml nước đun sôi còn ấm khuấy đều tan hết muối, rồi cho vào chai xịt để lau rửa mũi cho bé. Cố gắng vệ sinh nhiều lần trong ngày nhằm làm sạch dịch nhầy tích tụ trong mũi.
Ngoài ra, ngay cả khi trẻ đã hết sổ mũi, bạn cũng nên sử dụng nước muối để vệ sinh mũi mỗi ngày hai lần: sáng và tối để loại trừ bụi bẩn và vi khuẩn.
2. Nước chanh ấm
A-xít citric có trong quả chanh được đánh giá là chất chữa sổ mũi rất hiệu quả. Chanh còn giàu vitamin C, giúp tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch và loại bỏ bớt lượng độc tố tích tụ trong cơ thể. Nhờ đó, thời gian bị sổ mũi sẽ được rút ngắn, cơ thể của trẻ nhanh phục hồi hơn. Chỉ cần cho bé uống 1 ly nước ấm pha cùng với khoảng 30ml nước chanh, có thể cho thêm một chút mật ong để tăng hiệu quả diệt khuẩn. Dùng nước chanh mật ong từ một đến hai lần mỗi ngày cho đến khi nước mũi hết chảy hẳn.
Cần lưu ý là mật ong sống có chứa những bào tử nấm có tên Clostridium botulinum có thể gây ngộ độc. Do đó, đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, bạn nên chưng (hấp) mật ong với chanh rồi pha loãng với nước ấm để cho trẻ uống.
3. Tỏi
Tỏi là một trong những loại thảo dược an toàn và có hiệu quả cao trong việc chữa trị những căn bệnh có liên quan đến đường hô hấp. Kết quả nghiên cứu cũng đã khẳng định giá trị dược tính của tỏi về khả năng khử trùng, trị co thắt và diệt khuẩn.
Bạn có thể dùng tỏi để trị sổ mũi cho bé theo những cách sau:
- Nấu nước tỏi bằng cách đun sôi khoảng 250ml nước, cho khoảng 4 tép tỏi to đã băm nhuyễn vào cùng với 5ml nước ép hành và 1 chút xíu muối. Cho trẻ uống nước này ít nhất hai lần mỗi ngày để làm thông thoáng đường thở và làm sạch chất độc. Nước tỏi còn giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể và trị sổ mũi rất hiệu quả.
- Dùng giấy bạc bọc kín khoảng 4 đến 5 tép tỏi to còn nguyên vỏ và nướng trên lửa. Chú ý đảo đều tay vì tỏi chín rất nhanh (ngửi thấy mùi tỏi thơm là được). Khi giấy bạc đã nguội, bạn gỡ tỏi ra, bóc bỏ lớp vỏ đen, cho vào chén nhỏ, thêm khoảng 20ml nước đun sôi để nguội rồi ép thật mạnh tay để tỏi nát đều (càng nát càng tốt). Gạn lấy nước tỏi ép và cho bé uống ngay từ 1 đến 2 lần mỗi ngày, tùy theo mức độ bệnh.
4. Gừng
Để trị sổ mũi bằng gừng, hãy cho nhiều gừng băm nhuyễn vào món súp gà để trẻ ăn thường xuyên hoặc đun sôi gừng băm trong nước, cho thêm một ít đường và cho trẻ uống nước gừng hai đến ba lần mỗi ngày.
Lưu ý là chỉ nên uống nước gừng khi chúng còn nóng để không làm bao tử khó chịu.
5. Giữ vệ sinh cơ thể và nơi sinh hoạt
Trẻ cần được rửa tay thường xuyên nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn từ tay sang các bộ phận khác trên cơ thể. Nơi sinh hoạt hàng ngày của trẻ cần được lau dọn mỗi ngày để hạn chế bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ. Những người trực tiếp chăm sóc trẻ cũng cần chú ý rửa tay thường xuyên.
6. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Nếu không khí trong nhà quá khô, bạn nên cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm vì không khí khô cũng là nguyên nhân khiến dịch nhầy trong mũi bị đặc lại.
7. Sử dụng dầu thoa dành riêng cho trẻ em
Thoa các loại dầu gió dành riêng cho trẻ em lên mũi như dầu tràm hay dầu khuynh diệp cũng được xem là cách để cải thiện độ thông thoáng cho đường hô hấp, giúp trẻ dễ thở và đỡ bị chảy mũi hay ngạt mũi.
8. Hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ sữa
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các sản phẩm từ sữa có thể kích thích cơ thể tiết ra nhiều dịch nhầy hơn. Do đó, trong giai đoạn bé đang bị sổ mũi, bạn cần hạn chế bớt việc tiêu thụ những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa đồng thời tích cực cho trẻ uống nhiều nước, ăn những thức ăn lỏng và dễ tiêu hóa.
Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?
Đối với trẻ dưới hai tuổi, bạn nên đưa đến bác sĩ nhi để kiểm tra trong trường hợp bé bị chảy mũi kèm theo các triệu chứng sốt hay bỏ ăn, bú kém.
Ở độ tuổi lớn hơn, trẻ cần được thăm khám khi bị chảy mũi kèm theo sốt trên 38,5 độ C hoặc ho nhiều. Nếu tình trạng sổ mũi kéo dài hơn hai tuần hoặc dịch nhầy có màu vàng, mùi hôi, trẻ cũng cần được kiểm tra vì đây là những dấu hiệu chứng tỏ bé bị nhiễm khuẩn nặng và cần được điều trị bằng kháng sinh.
Hồng Xuân
trị sổ mũi cho bé, để bé hết bị sổ mũi, phòng ngừa sổ mũi ở trẻ, làm sao để trẻ hết sổ mũi