PN - Đang mùa mưa, trời bỗng vào đợt “hạn bà chằn”, “nhiều phụ huynh đua nhau nấu hoặc mua các loại nước giải nhiệt cho con uống để… thanh nhiệt.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ Q.10, TP.HCM lo lắng cho cậu con trai năm tuổi. Mấy hôm nay bé Bi nhà chị cứ liên tục vào nhà vệ sinh. Thấy bất thường, hỏi ra chị mới biết bé luôn… mắc tiểu.
Nghi ngờ con có thể mắc các bệnh về tiết niệu hay thận, chị đưa bé đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Sau khi thăm hỏi, BS cho biết, do bé Bi uống quá nhiều nước mát. Chỉ cần ngưng, không uống nước mát và cho bé uống nước đun sôi để nguội, triệu chứng mắc tiểu sẽ giảm.
BS Diệp cho biết, trường hợp trẻ bị rối loạn tiểu do uống các loại nước thanh nhiệt không hiếm. “Người lớn đang lạm dụng, hoặc chưa hiểu rõ về công dụng của các loại nước thanh nhiệt. Với người trưởng thành, uống những loại nước này cũng cần có liều lượng, trẻ nhỏ càng phải lưu ý nhiều hơn”, BS Diệp nói.
Trên những xe nước mát ở các vỉa hè, ngoài nước sâm còn có nhiều món thanh nhiệt khác như nước đắng, nước mát đóng hộp (nước bí đao, nước khổ qua...), hồng trà, trà thanh nhiệt... Thành phần của nước sâm thường gồm: sâm đại hành, actiso, lá mã đề, mía lau, rong biển, bông cúc, cần tàu, râu bắp…
Trẻ em dưới mười tuổi không nên uống các loại nước này. Đi tiểu nhiều sẽ khiến trẻ mất nước, mệt mỏi do thận phải làm việc nhiều.
BS Diệp cho rằng, thức uống và thực phẩm giải nhiệt tốt nhất cho trẻ nhỏ là sữa, nước trắng. Nếu sử dụng nước đóng chai phải chọn các hãng có uy tín. Phụ huynh nên cho trẻ ăn trái cây để nguyên miếng giúp giải nhiệt mà vẫn đảm bảo các vitamin không bị mất đi do chế biến.
Cha mẹ có thể cho trẻ dùng thêm các loại nước cam, quýt, bưởi, dưa leo, táo. Các loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại bổ sung các vitamin và khoáng chất.
Trâm Anh (ghi)
rối loạn tiêu hóa, lợi hại khi uống nước mát nhiều