Sức khỏe

Chó cắn mới chích vắc-xin dại có muộn?

PNCN - Em gái của em giỡn với chó nhà nuôi, bị cắn và phải đi chích vắc-xin dại. Em rất lo lắng, muốn hỏi khi bị chó cắn mới chích vắc-xin dại,

Nguyễn Thị Xuân (P.8, Q.3, TP.HCM)

 

Ảnh minh họa: internet

TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Viện Pasteur TP.HCM trả lời:

Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ một-ba tháng sau phơi nhiễm. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương (cụ thể là vết cắn càng gần đầu) thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Vì vậy, những người có nguy cơ mắc dại cao nên tiêm chủng theo lịch tiêm dự phòng.

Những người bị súc vật cắn, cào, cần rửa ngay vết thương bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa khác có sẵn (dầu gội đầu…), sau đó sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn (cồn, i-ốt) và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và chỉ định tiêm chủng.

Cũng giống như các vắc-xin khác, vắc-xin dại sau khi tiêm sẽ kích thích cơ thể tạo kháng thể. Nồng độ kháng thể để bảo vệ cơ thể sẽ đủ sau khi tiêm hai tuần nếu tiêm đúng liều, đúng lịch theo chỉ định.

Lịch tiêm chủng phòng bệnh dại được chia thành hai loại: tiêm dự phòng trước phơi nhiễm (khi chưa bị súc vật nghi dại cắn, cào, tiếp xúc…) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (tiêm chủng sau khi bị súc vật nghi dại cắn, cào, tiếp xúc…). Nếu không tiêm đủ số mũi, hoặc các mũi tiêm không đúng thời gian quy định thì hiệu lực bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm và việc phòng ngừa dại sẽ không đảm bảo. Tuy nhiên, nếu bạn lỡ quên một mũi nào đó thì cần khẩn trương đến bác sĩ để được khám và tư vấn việc tiêm ngừa.

Bệnh dại không thể chữa được, nhưng phòng được bằng vắc-xin. Hiện nay cả nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng, hệ thống điểm tiêm chủng có tiêm vắc-xin dại phủ rộng hầu hết các quận/huyện. 

www.phunuonline.com.vn

bệnh dại, vắc xin phòng ngừa dại, có chích ngừa phòng dại trước


      © 2021 FAP
        201,897       1,395