PNCN - Mùa mưa, cháu nhà tôi bị ho, tôi đã đi mua xi-rô ho về cho cháu uống, nhưng bé ho nặng hơn và kéo đàm. Đem bé đi khám, bác sĩ nghe phổi có tiếng ran, họng bị viêm và cho toa thuốc.
Sau khi uống ba ngày thuốc theo đơn bác sĩ, bé vẫn chưa khỏi. Sang tới ngày thứ tư, bé sốt cao, chân tay lạnh ngắt. 2 giờ đêm, tôi đưa con sang bệnh viện cấp cứu, cháu được chẩn đoán viêm phổi do bội nhiễm. Vậy làm sao để nhận diện được bệnh này, xin tư vấn giúp tôi.
Huyền Thanh (Q.7, TP.HCM)
ThS-BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM trả lời:
Nguyên nhân gây viêm phổi ở hầu hết các trường hợp đang điều trị là do siêu vi, làm cho sức đề kháng giảm, nếu không được điều trị kịp thời hoặc đúng cách sẽ dẫn tới tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, gây viêm phổi. Hiện tại, trung bình mỗi ngày phòng cấp cứu của khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM có trên dưới 30 bệnh nhi viêm phổi. Cũng do vào thời điểm này, lúc thì mưa xuống ào ào, tạnh mưa lại nắng chói chang, oi bức, trẻ còn nhỏ, sức đề kháng yếu, không thích nghi kịp. Bên cạnh đó, điều kiện môi trường như hiện nay rất thuận lợi cho siêu vi phát triển.
Khi thấy trẻ có biểu hiện khò khè, thở khó, thở nhanh, phụ huynh cần đưa đi khám ngay, vì đó chính là biểu hiện của viêm phổi. Nếu quan sát thấy phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) của trẻ lõm xuống một cách rõ rệt khi trẻ hít vào thì khả năng đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng.
Cũng lưu ý thêm là ngoài việc không tự ý mua thuốc chữa ho cho trẻ uống, phụ huynh cũng không nên tự mua máy xông về sử dụng khi thấy con khò khè. Lạm dụng xông không tốt, làm nhịp tim nhanh. Hãy đưa trẻ đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả đáng tiếc.
Hãy điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh trong phòng không quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời, luôn giữ ấm cổ, ngực cho trẻ. Khi trẻ toát mồ hôi và ướt áo, phụ huynh cần thay áo cho trẻ, tránh để mồ hôi thấm ngược… cũng là cách phòng ngừa viêm phổi cho trẻ.
viêm phổi, viêm phổi bội nhiễm, bệnh hô hấp, cách nhận biết bệnh viêm phổi