PNO - Tôi có bé trai mới 12 tháng mà bị viêm khớp phản ứng. Tôi lo quá, không biết về sau bé có bị làm sao không? Kính nhờ bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và điều trị cho bé? hoandobvts@gmail.com
danan_dl@yahoo.com.vn
BS Võ Quang Đình Nam, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, tư vấn:
hoandobvts@gmail.com: Viêm khớp phản ứng hay còn gọi là viêm khớp thoáng qua (VKTQ). Bé thường có biểu hiện đau khớp và hạn chế vận động vừa phải, có nghĩa là bé có thể đi lại được. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng VKTQ và thường rất khó để nhận biết: Có thể do viêm họng hoặc viêm bất kỳ một bộ phận nào trong cơ thể; do phản ứng với một chất nào trong thức ăn… VKTQ hoàn toàn không do tổn thương tại khớp.
VKTQ thường kéo dài 2-3 ngày rồi tự khỏi và không lặp lại. Nếu bé đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol, Ibuprofen, và khuyên bé đừng chạy nhảy. VKTQ ít gặp ở trẻ lứa tuổi 12 tháng song không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên nếu triệu chứng đau và đi khập khiễng kéo dài 2-3 tuần thì nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm.
Cần phân biệt VKTQ với viêm khớp nhiễm trùng. Viêm khớp nhiễm trùng thường có biểu hiện sưng nóng đau nhiều, đặc biệt là có hội chứng nhiễm trùng với sốt cao.
danan_dl@yahoo.com.vn: Theo mô tả, bé đau ở gối kéo dài chỉ vài phút và 1 lần trong ngày, không kèm theo sưng, sốt, sau đó vận động bình thường thì đó là đau tăng trưởng. Đau tăng trưởng thường bắt đầu ở lứa tuổi 2-3 năm, thường đau về đêm và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Đau tăng trưởng được cho là do rối loạn phát triển lành tính cơ xương khớp ở trẻ em chứ không phải do trẻ bị thiếu chất. Cơ thể trẻ sẽ tự điều chỉnh các rối loạn phát triển này tạo ra phản ứng đau thoáng qua. Đau tăng trưởng không ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên đôi khi trẻ đau nhiều làm cha mẹ lo lắng. Nếu đau nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ thì có thể cho trẻ uống thuốc giảm triệu chứng đau là paracetamol.
Một số phụ huynh thường cho rằng khi trẻ đùa giỡn nhiều thì về nhà than đau chân, nhưng đừng vì thế mà hạn chế sự vận động của trẻ. Hãy cứ để trẻ được ăn uống, hoạt động thể dục thể thao bình thường.
An Hà (ghi)
viêm khớp, viêm khớp ở trẻ em có nguy hiểm, bệnh trẻ em, đau khớp