Sức khỏe

Cho con bú đúng cách

PN - Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt diệu, cho bé sự khởi đầu an toàn, vững chắc. Một người mẹ có sữa nhiều và tốt không phải chỉ do “trời cho” mà tùy thuộc vào cách khơi nguồn,

Một số ngộ nhận

Nhiều người mẹ sinh xong không cho con bú ngay vì cho rằng mình chưa có sữa. Tuy nhiên, bé bú càng sớm, sữa càng tiết nhanh; bé bú càng nhiều, sữa càng dồi dào. Do sữa non rất giàu năng lượng, bé chỉ cần một lượng ít là đủ nên người mẹ không cảm nhận được khi cho bú, cứ nghĩ “sữa chưa về”. Thực ra, từ giữa thai kỳ, cơ thể người mẹ đã có sữa non chứ không đợi đến lúc sinh. Không cho bé bú mẹ, vài ngày sau sinh, người mẹ dễ bị tắc tuyến sữa. Khi ấy, mẹ có thể lấy lược chải lên bầu vú vì đây là một cách mát-xa tuyến vú, điều trị chứng tắc sữa nhẹ. Cho con bú trong giờ đầu sau sinh sẽ giúp sữa căng sớm trong vòng năm – sáu giờ đầu so với 24 – 48 giờ nếu cho bú muộn. Đối với mẹ sinh mổ thì có thể cho con bú ngay khi mẹ được ra khỏi phòng hồi sức. Nếu mẹ còn đau do vết mổ, thì cho con nằm sấp trên ngực mẹ để bú sữa non.

Sợ hai bầu vú mất cân đối, nhiều người mẹ đã cho bé bú cả hai vú trong cùng một cữ. Nếu mẹ ít sữa thì cả hai vú sẽ được bé “thanh toán” hết trong một lần bú, nhưng nếu nhiều sữa, bé chỉ bú vơi chứ không thể cạn cả hai vú, như thế làm hạn chế kích thích tiết sữa. Điều đáng nói là khi bé bú chưa cạn vú mà mẹ đã chuyển sang bú bên kia thì bé chỉ mới được hấp thu sữa chưa đầy đủ dưỡng chất, nên chậm tăng cân. Sữa mẹ đã được cân bằng dưỡng chất, đủ nước nên không cần cho bé uống nước.

Người mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu chứ không nên cho bú theo giờ. Tuy nhiên, bé sơ sinh thường ngủ nhiều, mẹ cần phải đánh thức bé và cho bú cách khoảng hai giờ một lần. Bé thiếu tháng cũng có xu hướng lười bú, mẹ cần canh giờ cho bú chứ không đợi bé khóc đòi. Tuần đầu đời, bé dễ bị vàng da, nếu không cho bú đủ từ 8-12 lần/ngày thì chứng vàng da sẽ nặng thêm.

Hiện đang có phong trào các bà bầu vắt sữa non và trữ trong ngăn đá tủ lạnh, đợi bé chào đời sẽ cho bú vì sợ bé bú sữa công thức sẽ gây tổn thương các bộ phận cơ thể còn non yếu. Việc này là không nên. Dù sữa non rất giàu năng lượng, giàu kháng thể, giúp bé không bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt… nhưng để trữ lâu ngày phải bảo quản với điều kiện nhiệt độ, môi trường khắt khe. Bảo quản sai cách, sữa sẽ mất hoạt tính, hơn nữa, việc vắt sữa dễ bị nhiễm khuẩn, vô tình gieo nguy hiểm cho bé. Ít ai có điều kiện để sắm riêng một tủ lạnh chuyên dành trữ sữa, nếu trữ chung với các thực phẩm khác, rất dễ bị lây nhiễm chéo. Chưa kể việc vắt sữa, kích thích đầu vú là nguy cơ dẫn đến sinh non.

Lần đầu làm mẹ, chị Đặng Thy (Q.Tân Bình, TP.HCM) không khỏi lúng túng, hồi hộp khi cho con bú

Nên ăn uống đầy đủ, cân đối

Ở cuối thai kỳ, các bà mẹ nên chuẩn bị sửa sang “nhà máy sữa” cho con thật tươm tất, hoàn hảo. Tự làm vệ sinh đầu vú, nếu đầu vú bị miệng đỉa (thụt vào) thì có thể kéo ra từ từ (không se đầu vú vì có thể gây sinh non). Sau sinh, nếu vẫn còn tình trạng đầu vú thụt thì có thể nhờ nhân viên y tế hỗ trợ. Bé bú xong, mẹ cần lau sạch đầu vú. Có thể lấy chính sữa mẹ thoa lên đầu vú vì sữa mẹ có một số kháng thể kháng viêm. Dùng vaseline hoặc dầu thực vật để bôi đầu vú bị nứt, đau. Nếu dùng kem dưỡng ẩm, phải chọn loại có thể dùng được cho đầu vú. Mẹ nên thường xuyên tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ để con có những cữ bú ngon lành, thoải mái, an toàn, tránh cho bé bị nhiễm trùng da khi bồng ẵm, nựng nịu. Khi cho bú, mẹ nên dịu dàng vuốt ve, nói những lời ngọt ngào, trìu mến.

Tư thế bú của trẻ là rất quan trọng. Ẵm ngửa khiến bé khó nuốt, dễ nôn, ọc sữa. Tư thế ẵm con đúng là mẹ dùng hai tay ôm sát bé vào lòng, bụng bé áp vào bụng mẹ. Khi đó, đầu – cổ - thân bé trên một đường thẳng. Về cách cho bé ngậm vú, cần đợi bé há miệng to, mẹ đưa vú vào, cho bé ngậm sâu gần hết quầng vú mẹ, mới dễ nút và ra nhiều sữa. Còn khi ngậm nông, lơi, bé sẽ phải gắng sức bú mạnh vừa mỏi miệng, vừa không hiệu quả, khiến đầu vú đau rát. Khi nghe tiếng “chụt chụt” là bé đã ngậm bắt núm vú sai.

Sau sinh, người mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống phù hợp, cân đối, đầy đủ với thịt cá, rau xanh, trái cây… Nên uống sữa dành cho phụ nữ có thai và cho con bú (sữa bà bầu). Mỗi ngày phải uống ít nhất một lít sữa vì sữa có thành phần dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và giàu năng lượng. Uống hai - ba lít nước mỗi ngày.

Sai lầm của một số phương pháp dân gian là không cho bà đẻ ăn canh. Thực ra, canh cung cấp lượng nước nhiều, rất cần thiết cho cơ thể người mẹ và giúp cho nguồn sữa dồi dào. Mẹ sau sinh không nên kiêng khem, nên ăn uống bình thường, chỉ cần ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh những thực phẩm dễ gây tiêu chảy, dị ứng, nổi mề đay có thể truyền qua sữa, ảnh hưởng bé. Nên ăn những thực phẩm giàu chất sắt, canxi (thịt bò, trứng, hải sản, phô mai...); không kiêng chất béo vì nhiều vitamin thiết yếu chỉ hấp thu được khi có chất béo.

Bé sau một tuổi, số lượng sữa mẹ sẽ bị giảm nhưng vẫn có thể cho bé bú đến hai tuổi. Dĩ nhiên lúc này phải bổ sung thức ăn đặc và sữa tiệt trùng hoặc sữa công thức mới đủ nhu cầu năng lượng của trẻ. Để khỏe mạnh, đủ sữa con bú và có được nguồn sữa “chất lượng cao”, bên cạnh chế độ dinh dưỡng khoa học, người mẹ cần được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh lo buồn, căng thẳng. Vì thế, người mẹ rất cần cả nhà cùng góp sức chăm lo, rất cần người bạn đời thể hiện sự chu đáo, tận tụy và vai trò trụ cột cả về vật chất lẫn tinh thần.

 TÔ DIỆU HIỀN (ghi)

www.phunuonline.com.vn

cho con bú đúng cách, nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ


      © 2021 FAP
        194,974       485