PN - Từ đầu năm tới nay, cả nước đã có 16 ca nhiễm liên cầu lợn (LCL), trong đó năm ca không qua khỏi. Tại TP.HCM, cũng có một số trường hợp nhiễm LCL nhưng may mắn chưa có ca nào tử vong.
Nguồn bệnh đến từ việc tiếp xúc trực tiếp với lợn hay ăn tiết canh lợn. Ảnh minh họa: internet
Triệu chứng và đường lây bệnh
Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM gần đây cho thấy bệnh nhiễm LCL có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn.
Liên cầu khuẩn gây bệnh cho lợn có tên Streptococcus suis (S.suis). Các biểu hiện bệnh lý của lợn bao gồm viêm màng não, viêm khớp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc, các ổ áp xe. Vi khuẩn có thể gây bệnh cho người với các biểu hiện viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc… Chính vì vậy, bệnh được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Người có nguy cơ nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.
BS Hoàng Mai cho biết, đối tượng dễ bị nhiễm LCL gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người tiếp xúc với lợn bệnh (chăn nuôi, cân, giết mổ, bán thịt lợn…). LCL sẽ từ lợn bệnh thâm nhập qua vết xước trên da rồi lây bệnh cho người.
Nhóm thứ hai chủ yếu là dân nhậu (nhậu tiết canh, lòng, nội tạng lợn chưa nấu kỹ).
Khi nhiễm LCL, bệnh nhân có các triệu chứng rất dễ nhận biết. Đối với trường hợp bị LCL gây nhiễm trùng máu sẽ sốt cao, lạnh run; trên cơ thể người bệnh còn nổi các ban xuất huyết, thậm chí có đốm hoại tử. Ở bệnh nhân nhiễm LCL biến chứng viêm màng não mủ, ngoài việc có bệnh cảnh giống như nhiễm trùng huyết kể trên, còn kèm theo nhức đầu, ói mửa, cứng cổ, nặng thì rối loạn tri giác và hôn mê.
“Nhiễm trùng máu do LCL, bệnh nhân có thể bị sốc, suy gan, suy thận dẫn tới tử vong. Còn viêm màng não mủ do LCL, dễ gây điếc. Theo thống kê có tới 50% bệnh nhân viêm màng não mủ do LCL bị di chứng điếc sau điều trị”, bác sĩ Mai nói.
Khi mắc LCL, ngoài các biến chứng thường gặp vừa nêu, một số bệnh nhân còn bị viêm cơ tim, viêm khớp, viêm nội nhãn (dẫn tới mù lòa), phải cắt cụt các đầu chi do xuất huyết, hoại tử… Thậm chí có trường hợp bị biến chứng viêm nội nhãn, nhiễm trùng huyết, hết sức nguy hiểm, di chứng cũng nặng nề.
Một bệnh nhân trong cơn nguy cấp do bị nhiễm liên cầu lợn vì ăn tiết canh
Điều trị tốn kém
Tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, theo đúng quy trình, một bệnh nhân bị nghi nhiễm LCL sẽ được cho cấy máu, cấy dịch não tủy để làm kháng sinh đồ. Bên cạnh đó, bác sĩ còn chỉ định kiểm tra các chức năng của gan, thận xem có bị ảnh hưởng không.
Thông thường, một ca viêm màng não mủ do LCL điều trị chủ yếu bằng kháng sinh liên tục trong 10 ngày. Đó là chưa kể các chi phí thở máy, lọc thận (nếu thận bị suy). Chi phí cho lọc thận tốn từ 20-30 triệu đồng/ngày.
Để tránh những biến chứng nặng nề, khi có bất kỳ dấu hiệu như đã kể thì nên tới BV càng sớm càng tốt.
Sau 10-14 ngày dùng kháng sinh ceftriaxone, hầu hết bệnh nhân được phát hiện kịp thời đều hồi phục. Đây là bệnh có thể phòng ngừa, những người làm nghề chăn nuôi, giết mổ lợn phải nhớ mang đồ bảo hộ (găng tay, ủng), tuyệt đối không giết mổ lợn bệnh.
Để phòng, tránh nhiễm bệnh LCL, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn, lòng lợn chưa chín kỹ, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng quận/huyện giám sát, phát hiện, xử lý ca bệnh kịp thời.
Trâm Anh
nhiễm liên cầu lợn, tiết canh, hậu quả ăn tiết canh