Sức khỏe

Tập vật lý trị liệu sau chấn thương thể thao

PN - Luyện tập thể thao có thể dẫn đến chấn thương với nhiều mức độ. BS Đinh Quang Thanh - Phó giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng, phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho biết,

Cấp cứu kịp thời:  tăng khả năng phục hồi

BS Đinh Quang Thanh cho biết, rất nhiều trường hợp sau khi chấn thương, BN được xử trí theo kinh nghiệm truyền miệng nên làm chấn thương trầm trọng hơn, trở thành mạn tính khó điều trị, khó phục hồi. Việc cấp cứu kịp thời không chỉ đưa BN đến bệnh viện mà cần xử trí đúng ngay từ đầu. Tùy từng loại chấn thương mà có cách can thiệp khác nhau.

Nếu bị chấn thương ở các khớp như gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, vai ở mức độ nặng thường là gây đứt dây chằng hoặc rách bao khớp, khi bị thương có biểu hiện đau dữ dội. Lúc này không được kéo, nắn hoặc bóp dầu nóng vì có thể làm dãn mạch, chảy máu thêm mà cần chườm lạnh để giảm đau và co mạch. Sau đó dùng băng thun và nẹp cố định khớp bị chấn thương.

Khi bị gãy xương, chỗ gãy bị biến dạng, đau nhói và có thể có cảm giác lạo xạo khi sờ. Không được di chuyển liền vì có thể làm di lệch thêm, làm đau thêm và gây sốc. Phải để người bị thương nằm yên, có thể chườm lạnh để giảm sưng đau và làm nẹp cố định chỗ gãy xương. Không được đắp thuốc vì có thể gây nhiễm trùng.

Chấn thương khuỷu tay, cổ tay, bàn chân, mắt cá chân ở mức độ trung bình thường là do bong gân, gặp ở những người đánh cầu lông, tennis. Khi bị chấn thương sẽ có cảm giác đau nhói như điện giật. Lúc này cần phải nghỉ ngơi, không được cử động, chườm lạnh một vài giờ để giảm đau, bớt phù nề. Có thể dùng băng thun để băng ép giúp khớp bị chấn thương được bất động. Không dùng dầu nóng, rượu để xoa bóp vì có thể gây sưng nề, chảy máu nhiều hơn.

Các trường hợp chấn thương nhẹ ở vùng cổ, vai, thắt lưng… thường do dãn cơ cấp tính, vài ngày sau sẽ khỏi. Lúc này có thể nghỉ ngơi hoặc xoa bóp nhẹ nhàng để đỡ đau. Đau cơ vùng thắt lưng là chấn thương thường gặp. Đây chỉ là dãn cơ cấp tính, nhưng đòi hỏi phải điều trị đúng, BN cần có những bài tập VLTL phù hợp và kịp thời, để tránh trở thành tình trạng đau mạn tính.

Lưu ý: Sau khi can thiệp tại chỗ, cần lập tức đưa người bị chấn thương đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Vật lý trị liệu sau chấn thương

BS Đinh Quang Thanh cho biết, với những trường hợp bị bong gân, sưng đau thì chỉ cần nghỉ ngơi, dùng thuốc, hạn chế vận động. Với những chấn thương nặng phải phẫu thuật, sau khi vết thương lành cần tập VLTL để giúp phục hồi chức năng vận động, duy trì lực của cơ, từ đó giúp lấy lại phong độ, tránh nguy cơ chấn thương lần sau. Rất nhiều trường hợp xem nhẹ sự quan trọng của việc tập VLTL sau chấn thương, dẫn đến giảm tầm vận động của khớp, cứng khớp, khả năng luyện tập không như trước.

Tùy theo mức độ chấn thương mà kỹ thuật viên sẽ tập hoàn toàn cho BN (tập thụ động) hoặc trợ giúp một phần, hoặc BN tập chủ động tự do, tiến tới tập luyện dưới sự giám sát của kỹ thuật viên.

Ngoài thời gian luyện tập tại bệnh viện, nếu BN gần phục hồi, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn một số bài để tập ở nhà. Lưu ý, không nên tập khi vừa ăn no vì có thể gây trào ngược dạ dày - thực quản. Nên tập sau ăn 30 phút là tốt nhất. Không tập khi khớp vẫn còn viêm, đau, sưng nhiều. Trong khi tập, nếu bị đau nhiều (cơn đau kéo dài hơn hai giờ) thì phải ngừng lại và nghỉ ngơi ít nhất 24 giờ.

Mỗi bài tập có nhiều động tác, để có bài tập cụ thể cho từng BN, kỹ thuật viên sẽ lượng sự vững chắc của khớp, sức cơ, tầm vận động, sức bền của từng BN… Thời gian mỗi lần tập tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên. Sự nôn nóng, muốn tập nhiều để sớm phục hồi có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng.

 Thanh Hoa

www.phunuonline.com.vn

tập vật lý trị liệu, sau chấn thương, VLTL, BS Đinh Quang Thanh, trị bệnh không dùng thuốc


      © 2021 FAP
        201,996       478