PN - TP.HCM đang vào mùa mưa nên số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tăng vọt, đây cũng là thời điểm vi rút bệnh viêm não Nhật Bản bắt đầu hoạt động mạnh.
* Xin ông cho biết, có phải loại muỗi nào cũng truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và viêm não Nhật Bản?
PGS-TS Trần Như Dương: Nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên có hai loài muỗi chính truyền bệnh này là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi ưa thích hút máu người, đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các xó tối, thích đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa.
PGS-TS Trần Đắc Phu: Với bệnh viêm não Nhật Bản cũng có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh; tuy nhiên có hai loài muỗi chính là Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Đây là hai loài muỗi thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng. Muỗi thường bay đi hút máu súc vật hoặc máu người vào lúc chập tối.
* Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết khác với bệnh viêm não Nhật Bản như thế nào, thưa ông?
PGS-TS Trần Như Dương: Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện cấp tính như: sốt cao đột ngột, kéo dài hai-bảy ngày, cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… Những trường hợp nặng, bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh sốt xuất huyết Dengue do vi rút Dengue gây ra với bốn típ gây bệnh, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ tư.
PGS-TS Trần Đắc Phu: Viêm não Nhật Bản thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 10-20%.
* Ổ bệnh của hai bệnh này khác nhau như thế nào?
PGS-TS Trần Như Dương: Bệnh sốt xuất huyết Dengue được truyền khi muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút không triệu chứng rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh.
PGS-TS Trần Đắc Phu: Bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi hút máu động vật bị nhiễm vi rút (thường là từ heo), sau đó muỗi đốt người và truyền bệnh cho người. Ngoài ra, một số gia súc khác như: trâu, bò, dê, cừu hoặc các loài chim, bò sát cũng có thể là ổ chứa vi rút.
* Ở Việt Nam, những vùng nào dễ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, vùng nào dễ bị viêm não Nhật Bản? Và bệnh nào đã có vắc-xin phòng ngừa?
PGS-TS Trần Như Dương: Ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue rất phổ biến; tuy nhiên bệnh ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, một số tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc bộ. Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết Dengue khoảng 3-5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa sẽ có một chu kỳ dịch lớn xảy ra. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hàng năm Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 đến 100.000 trường hợp mắc, trong đó có hàng chục ca tử vong. Bệnh xảy ra nhiều ở trẻ dưới 15 tuổi.
PGS-TS Trần Đắc Phu: Bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1952. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi heo hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi heo. Việt Nam đã có vắc-xin phòng bệnh từ năm 1997. Nếu như năm 1995, trong số các ca viêm não ở Việt Nam, nguyên nhân do viêm não Nhật Bản chiếm đến 61,3% thì nay chỉ chiếm khoảng 10-15%. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi.
Văn Thanh (ghi)
bệnh mùa mưa, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, PGS-TS Trần Như Dương