PNCN - Khi cấn thai chưa đầy tháng, nếu có dấu hiệu xuất huyết âm đạo, có thể do nhiều nguyên nhân:
- Thai nằm ngoài tử cung: Thường trong quá trình phôi di chuyển xuống tử cung, do một nguyên nhân nào đó (viêm tắc ống dẫn trứng, dị dạng…) bị chặn lại và phát triển tại chỗ. Do “chỗ ở” quá nhỏ, phôi ngày càng lớn nên gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Lúc đầu, khi khối thai ngoài tử cung chưa lớn, có thể không có triệu chứng gì ngoài dấu hiệu ra huyết ở “cửa mình”. Khi khối thai lớn hơn, gây căng ống dẫn trứng, thậm chí gây vỡ ống dẫn trứng, có thể bị đau bụng dữ dội, ngất. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Dọa sẩy thai: Đây là một dạng khá thường gặp trong ba tháng đầu của thai kỳ với đặc điểm là đau bụng kèm ra huyết âm đạo. Đau bụng do sẩy thai thường đau âm ỉ hoặc đau quặn bụng từng cơn ở vùng bụng dưới rốn. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của tình trạng dọa sẩy thai - sẩy thai mà lượng máu chảy ra ở âm đạo có thể nhiều hay ít. Thai phụ cần đi khám ngay, nghỉ ngơi tuyệt đối và sử dụng thuốc dưỡng thai theo toa bác sĩ chuyên khoa phụ sản.
Đau buốt khi đi tiểu: Là dấu hiệu báo động có thể đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây cũng là lời kêu cứu của cơ thể, cần điều trị sớm, nếu không sẽ bị biến chứng gây sinh non.
- Dịch âm đạo nhiều: Đây là triệu chứng khá thường gặp vì khi mang thai, do sự thay đổi nội tiết, các tế bào đường sinh dục có tình trạng tăng tiết dịch nhiều hơn so với lúc không mang thai. Tuy nhiên, nếu tiết ra nhiều dịch nhưng nặng mùi, có kèm theo đau rát, buốt, chứng tỏ đang bị viêm nhiễm đường sinh dục, có thể gây ối vỡ sớm, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng sơ sinh. Cần đi khám ngay.
- Sốt có kèm phát ban khi mang thai: Cần đi làm xét nghiệm từ bảy-mười ngày sau khi bị nhiễm để kiểm tra xem có dương tính với virút Rubella hay không. Ảnh hưởng của Rubella đối với thai nhi rất khó phát hiện qua siêu âm. Do vậy cần sớm đi khám thai để được tư vấn, chích ngừa cúm, Rubella trước khi mang thai.
- Hắt hơi, cúm, sổ mũi, cảm lạnh: Vi rút cúm không chỉ có khả năng gây dị tật cho thai nhi mà còn gây ra cơn gò tử cung gây sẩy thai. Do đó, cần chích ngừa cúm trước khi có thai. Sau khi có thai không nên đi đến vùng có dịch, giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất, uống thêm nước ép cam, quýt, chanh…
Phương Nam
Điều cần thực hiện trước khi có thai Khi có ý định sinh con, các cặp vợ chồng cần khám sức khỏe để phát hiện các bệnh có thể lây lan qua đường tình dục cũng như cho thai nhi. Người vợ cần khám phụ khoa, thực hiện xét nghiệm như phết tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung, siêu âm phụ khoa, siêu âm tuyến vú, tiêm ngừa Rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan siêu vi B. Đối với những cặp vợ chồng trong gia đình có người sinh con dị tật, bệnh Down… hoặc bản thân vợ hoặc chồng bị bệnh di truyền như thiếu máu bẩm sinh thalassemia… cần được khám và tư vấn trước khi mang thai. Ngay sau khi phát hiện có thai, cần đi khám thai, chọn nơi uy tín, gần nhà để thuận tiện đi lại. Cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ thông tin về bệnh di truyền trong gia đình, tình hình sức khỏe, thói quen, công việc… Khi đi khám thai, một số thai phụ thường cảm thấy phiền toái vì phải thực hiện nhiều xét nghiệm như thử nước tiểu, đo huyết áp, siêu âm, xét nghiệm máu, nhưng đây là cách để bác sĩ đánh giá sức khỏe của bà mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Về thuốc, trước khi mang thai, nên bổ sung axit folic, nhất là ở những người từng sinh con bị dị tật bẩm sinh như não úng thủy, hở đốt sống… khi mang thai, nên bổ sung sắt mỗi ngày. - Ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá biển, đặc biệt là cá nhỏ. Hạn chế ăn quá nhiều chất ngọt, tinh bột. KHÔNG uống nước mía, ăn đồ sống. Tránh xa rượu, bia, khói thuốc lá, hạn chế sử dụng cà phê vì không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai phụ, mà còn tăng nguy cơ bị sẩy thai hoặc sinh non. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Phòng khám Hoàng Gia TP.HCM |
mang thai, giữ thai trong 3 tháng đầu, bà bầu, chăm sóc, chăm sóc thai