PNCN - Người cao tuổi bị đau nhức xương cốt là điều bình thường vì “bộ khung” sau thời gian dài "khuân vác" cơ thể đã bị xuống cấp. Tuy nhiên, gần đây người bị đau lưng tìm đến bệnh viện ngày càng trẻ…
“Thủ phạm” làm cột sống “già” sớm
Các bác sĩ vạch mặt một số "thủ phạm" sau:
- Đeo cặp nặng: Sách vở rất nặng, một chiếc cặp tùy theo cấp học nặng trung bình 5kg. Nhiều em có ba lô nhưng vẫn đeo một bên vì tiện tay và trông “hot” hơn. Mang cặp sách không cân bằng trọng lượng hai bên làm lệch cột sống. Mỗi ngày một chút, sức nặng đè lên vai - lưng và làm đau lưng, cổ, vai, gáy...
- Thừa cân béo phì: Ít ai ngờ việc cố gắng nuôi con mập mạp khỏe mạnh, chiều con, cho con ăn những gì con thích lại hại con. Gần đây trào lưu thưởng thức thức ăn nhanh của phương Tây (giàu năng lượng nhưng kém giá trị dinh dưỡng) càng làm cho các bé dễ dàng tăng cân. Ngoài chuyện làm cho các bé nhanh chóng thừa cân, các món này còn có hàm lượng muối cao, khi vào cơ thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa can-xi, phốt-pho của bộ xương, làm ảnh hưởng đến chất lượng xương... Song song là vận động ít, thường xuyên ngồi một chỗ học, chơi game, xem ti vi… làm cho xương ngày càng yếu và đối mặt với bệnh tật.
- Lao động, chơi thể thao… đều có thể làm tổn thương cột sống, làm cho cột sống già sớm. Đã có trường hợp vừa khuân vật nặng lên là nghe sống lưng kêu “cụp” một tiếng, tiếp theo đó là cơn đau kéo dài. Hoặc, chỉ đơn giản là vói tay đập banh cũng bị đau bất thình lình. Cũng có lúc không cần vác vật quá nặng, nhưng nâng vật không đúng cách (khom lưng nâng vật nặng lên) cũng gây đau lưng.
Có nhiều trường hợp cơn đau không xuất hiện ngay lúc nâng vật mà vài giờ sau, qua một đêm hoặc thậm chí vài ngày sau mới xuất hiện. Nhiều người tham công tiếc việc, khi cơ thể chớm đau vẫn cố làm việc, đến khi không đứng dậy nổi thì việc chữa trị sẽ phức tạp hơn. Thực tế cho thấy, không chỉ lao động tay chân, mang vác nặng mà việc ngồi nhiều, lâu, không đúng tư thế cũng làm cơ lưng bị “quá tải”.
- Chơi thể thao: Những người chơi thể thao thường rơi vào một trong hai hội chứng:
+Hội chứng thể thao cuối tuần: Do bận rộn phải tranh thủ thời gian nên ra sân là lao vào thi đấu luôn khiến dễ bị chấn thương.
+Hội chứng “chiến binh” ngày cuối tuần: Dồn sức chơi thể thao trong hai ngày cuối tuần với cường độ lớn gây quá tải cho cơ thể, dễ dẫn đến chấn thương không chỉ lưng mà còn các khớp và bộ phận khác.
- Làm đẹp: Phụ nữ rất thích mang giày gót cao vì càng cao, càng yểu điệu. Nhưng, cái giá của sự làm đẹp này là làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, buộc cơ thể phải tự điều chỉnh, cột sống phải ưỡn ra quá mức, lâu dài sẽ gây hại, ngoài ra còn ảnh hưởng đến cấu trúc của bàn chân.
Giữ “tuổi xuân” cho cột sống
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - bộ môn Chấn thương chỉnh hình - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM hướng dẫn:
- Nâng vật nặng đúng tư thế: Luôn giữ cho cột sống ở tư thế thẳng, cân bằng. Nhớ câu thần chú “thẳng lưng mà cong chân” chứ không làm ngược lại. Hãy ngồi xuống nâng vật lên chứ không đứng cúi gập lưng xuống nâng vật. Khi mang vật nặng thì mỗi tay mang 5kg tốt hơn là mang 10kg ở một tay. Làm việc cũng cần đúng tư thế.
- Tập thể dục hằng ngày trước khi bắt đầu làm việc. Đây là hình thức khởi động, làm nóng cơ thể trước khi “thi đấu” công việc thường nhật, giúp cho cơ thể có sự chuẩn bị trước khi chịu sự “tra tấn” của công việc. Trong lao động, học tập, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, nằm nghỉ đúng tư thế (tránh nằm nệm bị võng).
- Để tránh các hội chứng “chiến binh”, hội chứng “thể thao cuối tuần” cần sắp xếp rải đều thời gian tập thể thao trong tuần; không “đốt cháy giai đoạn” của phần khởi động, làm nóng cơ thể kỹ trước khi thi đấu.
Cuối cùng là chiếc cặp học sinh - đây là vấn đề phụ huynh cần lưu ý, nhắc nhở con em, ngày nào mang sách vở ngày ấy. Hiện, một số trường đã có tủ cá nhân giúp các em đỡ phải “gồng gánh” kiến thức mỗi khi đến trường.
Phương Nam
đau lưng, cột sống, làm sao để hết đau lưng