PNO - Trong những năm đầu đời, trẻ rất dễ bị ốm do sức đề kháng chưa đủ mạnh để chống chọi với bệnh tật. Do đó, bạn cần để ý đến những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ để xử trí kịp thời.
Dưới đây là những triệu chứng mà trẻ sơ sinh thường gặp phải.
1. Sốt
Sốt không phải là bệnh, đó chỉ là phản ứng của cơ thể khi trẻ đang nhiễm một căn bệnh nào đó, phổ biến nhất vẫn là bệnh do nhiễm khuẩn.
Nếu con bạn dưới ba tuổi, cần đưa bé đi khám ở bác sĩ nhi và nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng trên 380C hoặc trẻ trong độ tuổi từ ba đến sáu tháng và bị sốt trên 38,50C.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng không cao, nhưng xuất hiện những dấu hiệu như phát ban, ngứa rát, bỏ ăn, khó thở, cổ bị cứng, nôn mửa hoặc tiêu chảy liên tục, có dấu hiệu mất nước, hôn mê hoặc khó đánh thức.. thì cần được can thiệp ngay về y khoa để ngăn chặn những biến chứng phức tạp và nguy hiểm.
2. Mất nước
Tình trạng mất nước có thể xảy ra khi trẻ kém ăn, sốt, thời tiết quá nóng hoặc do bị nôn mửa, tiêu chảy liên tục. Khi cơ thể thiếu nước, trẻ sẽ bị khô môi, miệng, tiểu ít, không chảy nước mắt khi khóc hoặc phần thóp bị lõm nhẹ. Nếu có cảm giác trẻ bị thiếu nước, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nhi để xác định nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp.
3. Tiêu chảy
Đây là một trong những căn bệnh phổ biến của trẻ sơ sinh. Bạn cần đưa bé đi khám khi thấy phân chúng có lẫn máu (thường là màu đỏ nhạt hoặc nặng hơn là màu đen), khi trẻ sẽ đi tiêu phân lỏng (dạng nước) hơn 6 lần một ngày hoặc có dấu hiệu bị mất nước.
4. Nôn mửa
Nôn mửa cũng là một trong những chuyện bình thường của trẻ sơ sinh, nhưng bạn cần lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề tiêu hóa của trẻ khi chúng nôn ói quá thường xuyên.
Nếu chỉ nôn mỗi ngày từ một đến hai lần cũng không quá nghiêm trọng. Trẻ cần được bác sĩ kiểm tra sức khỏe trong những trường hợp như nôn thường xuyên, dịch nôn có màu xanh, có lẫn máu hoặc có dấu hiệu bị mất nước.
5. Khó thở
Khi trẻ có dấu hiệu bị khó thở, bạn cần đưa con đi cấp cứu ngay. Những triệu chứng cho thấy trẻ đang gặp khó khăn về vấn đề hô hấp bao gồm:
- Trẻ thở nhanh và mạnh hơn bình thường
- Phần da ở giữa các xương sườn, ở xương cổ và phần ức phía trên bụng bị lõm sâu khi trẻ hít vào- vì đây là dấu hiệu có thể trẻ bị viêm phổi.
- Trẻ cúi gập đầu để thở
- Quá trình hít thở phát ra tiếng rít
- Môi hoặc da trở nên tái xanh.
6. Tình trạng sưng tấy, ửng đỏ hoặc chảy máu ở rốn
Dấu hiệu sưng tấy, ửng đỏ hoặc chảy máu ở rốn, phần cuống rốn chưa rụng hay ở bộ phận sinh dục cho thấy những khu vực này đã bị viêm nhiễm. Do đó, bạn cần đưa bé đi khám ngay để phòng ngừa tình trạng bị nhiễm trùng.
7. Phát ban
Đây là một trong những rắc rối thường gặp ở trẻ nhỏ. Làn da mỏng manh của chúng rất dễ bị dị ứng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp vùng phát ban lan rộng trên da, đặc biệt là ở mặt hoặc có đi kèm với những triệu chứng như sốt, chảy máu, sưng tấy thì phải được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra cụ thể.
8. Cảm
Những căn bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp trên thường do vi-rút gây ra và chỉ kéo dài trong vòng từ 1 đến 2 tuần, kèm theo một số triệu chứng như chảy mũi, sốt, chán ăn trong vài ngày.
Nếu bệnh kéo dài hơn hai tuần thì cần phải có sự can thiệp của bác sĩ nhi để chặn đứng bệnh, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm hơn.
Hồng Xuân (Theo Sheknows.com)
bé bệnh, trẻ em bệnh, viêm phối, cảm cúm, nhận biết dấu hiệu bé bệnh