PNCN - Con tôi mới 13 tuổi nhưng chẩn đoán bị tăng huyết áp (THA). Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây THA ở trẻ nhỏ? Có biến chứng nghiêm trọng không?
Phạm Thị Hiệp (Q.12, TP.HCM)
PGS-TS Vũ Minh Phúc - trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM trả lời:
THA ở trẻ em có hai dạng: nguyên phát và thứ phát.
Mặc dù ít gặp nhưng THA nguyên phát ở trẻ em là một yếu tố nguy cơ dự báo THA khi trẻ trưởng thành. THA nguyên phát ở trẻ em liên quan đến tiền sử gia đình có người bị bệnh lý tim mạch, béo phì, rối loạn giấc ngủ, rối loạn dung nạp đường và nhiều yếu tố nguy cơ khác. Khi tần suất của các yếu tố này tăng, đặc biệt tỷ lệ béo phì gia tăng đáng kể, thì tỷ lệ trẻ em được chẩn đoán THA nguyên phát cũng tăng theo.
Ở người lớn, THA nguyên phát có thể ở mức độ nặng, nhưng THA nguyên phát ở trẻ em thường là nhẹ hoặc THA giai đoạn 1, hiếm khi gây THA nặng. Do đó, việc điều trị THA nguyên phát ở trẻ em thường chỉ tập trung vào đánh giá và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
THA thứ phát chiếm phần lớn trong THA ở trẻ em. Nguyên nhân THA ở trẻ em có thể thoáng qua như: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, truyền dịch quá mức, suy thận cấp, dùng thuốc hoặc hormone gây giữ nước và muối, viêm mạch máu, tổn thương mạch máu sau phẫu thuật, stress, sốt bại liệt, chấn thương tủy sống, thuốc kích thích giao cảm… Hoặc, có các nguyên nhân gây THA mạn tính và kéo dài như hẹp eo động mạch chủ, suy thận mạn, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh lý chủ mô thận, bệnh lý mạch máu thận, u thận, tiết catecholamine hoặc corticosteroid quá mức…
Các nguyên nhân gây THA thoáng qua nếu không điều trị thích hợp, để kéo dài cũng có thể gây THA kéo dài. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều bệnh viện, đa số các nguyên nhân gây THA thứ phát ở trẻ là các bệnh lý có liên quan đến thận, bệnh lý chủ mô thận và mạch máu thận.
THA ở trẻ gây tổn thương cơ quan đích với tỷ lệ cao. THA nặng có nguy cơ gây ra các biến chứng nặng như bệnh lý não do THA, co giật, tai biến mạch máu não và suy tim.
Thậm chí, khi HA không tăng nghiêm trọng cũng vẫn có thể gây tổn thương cơ quan đích khi tình trạng THA kéo dài mà không được can thiệp thích hợp. Do đó, khi thấy trẻ có các biểu hiện nhức đầu, nôn ói, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, giảm thị lực, co giật, mệt mỏi, phù... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm.
huyết áp, tăng huyết áp ở trẻ em, trẻ em có bị tăng huyết áp, BS Vũ Minh Phúc